Hệ thống phun nước tưới cây cà phê. Nguồn ảnh internet
Nhanh thật, mới
đó mà tết, mới đó mà xuân lại ghé Tây Nguyên. Nói thì nói vậy thôi chứ xứ Bắc mới
có mùa xuân. Còn Tây Nguyên thì chỉ có hai mùa mưa nắng. Thời điểm ngoài Bắc
đón xuân thì đất Tây Nguyên đang là mùa khô hạn. Cứ đến hẹn lại lên, những ngày
giáp tết là lúc người trồng cà phê bắt đầu tưới đợt đầu tiên. Một mùa khô thường
phải tưới ba đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng hai mươi ngày thì mới đủ nước cho
cây cà phê phát triển. Chừng nào xuất hiện những cơn mưa rào rải rác thì lúc ấy
hết mùa tưới cà phê.
Hôm nay đội trưởng
đội sản xuất nói trên loa phóng thanh thông báo đội Quyết Thắng bắt đầu tưới cà
phê từ ngày ba mươi tháng một đến ngày mồng bảy tháng hai. Tức là nhằm ngày mười
chin tháng chạp âm lịch đến ngày hai mươi bảy tháng chạp. Chị Loan nghe thông
báo xong, vội vội vàng vàng gọi điện cho anh Hoàng đang ở ngoài Thái Bình chuẩn
bị vào cho kịp tưới. Nghĩ cũng tội, hai anh chị cùng quê nhưng đơn thương độc
mã gặp nhau, cưới nhau rồi cùng lập nghiệp trong này. Ngày xưa anh Hoàng vào đi
hái cà thuê cho nhà họ hàng xa ở trong này. Chị Loan cùng chung cảnh ngộ. Một
hôm hai nhà chủ đổi công cho nhau. Hôm nay hái cho nhà này thì ngày mai tập
trung lực lượng hái cho nhà bên kia. Hái cà phê thường đi theo cặp. Tình cờ Hoàng và Loan được ghép thành một cặp
cùng hái. Hái cùng một cây, cùng nhau kéo bạt lưới, nghe giọng nói biết người
cùng quê nên hai người cũng có cảm tình với nhau. Xa quê mà, nghe giọng nói quê
mình trên đất người là quý lắm. Nhất là đất Dak Lak.. Ngồi xe ngót nghét hai
ngày hai đêm mới tới nơi chứ có ít đâu. Xa thật.
Thế rồi từ cái
hôm đổi công ấy, Hoàng hay sang nhà chủ của Loan rủ Loan đi chơi vào mỗi buổi tối.
Tâm sự chuyện số phận của nhau. Cuối cùng yêu nhau khi nào chẳng hay. Cho nhau
địa chỉ nhà ở ngoài Thái Bình rồi lại tiếp tục hò hẹn ở ngoài ấy. Năm ấy ăn tết
xong. Ra tết nhà họ hàng của Hoàng xin cho Hoàng làm công nhân trồng cà phê thuộc
công ty Toàn Phát. Hoàng cưới Loan rồi dắt nhau vào trong này ở hẳn cho đến bay
giờ. Bố mẹ và các anh chị em của Hoàng và Loan đều ở ngoài Thái Bình hết cả.
Hai vợ chồng tay trắng lập nghiệp. Công ty cấp cho mẫu đất hoang vu cỏ mọc um
tùm và hơn một nghìn cây cà phê con. Một mảnh đất thổ cư để làm ăn sinh sống.
Xung quanh láng giềng lác đác vài nhà. Năm ấy hai vợ chồng vào nhận việc đúng
mùa mưa nên làm cỏ thì hơi vất vả nhưng bù lại trồng cà phê thì nhanh bén rễ. Hai
năm sau đó có lứa trái cà phê đầu tiên. Tuy ít nhưng đôi vợ chồng trẻ cũng vững
tin để sinh con đầu lòng. Mới đó mà đã năm mùa thu hái nộp sản phẩm cho công ty
rồi. Nộp năm mươi mốt phần trăm cho công ty. Còn lại là phần của mình. Nhờ chắt
lót chi tiêu mà hai vợ chồng cũng có tiền mua sữa cho con uống đầy đủ.
Cuối năm nay anh
Hoàng về quê xây lại mộ ông bà tổ tiên, với lại cũng bảy năm biệt tăm, chỉ viết
thư, gọi điện mà không về thăm quê cũ một lần nào cả. Anh cũng nhớ bố nhớ mẹ
nên về. Về cũng gần hai mươi ngày rồi đấy. định thong thả hẵng vào nhưng tình
hình thế này thì mai anh lên xe vào Dak Lak. Tưới cho hoa nở chứ cà cũng héo rồi.
* * *
Sáng sớm đã thấy
chị Loan chạy xe ra nhà Nam Quy đón chồng. Ở vùng này có nhiều người Thái Bình
sống với nhau. Thậm chí họ cùng một huyện một xã với nhau lúc ở quê cho nên gia
đình cô Nam chú Quy đầu tư mua xe khách để phục vụ nhu cầu về quê của bà con. Vậy
mà buôn bán cũng khá lắm đấy. Dak Lak – Thái Bình, cứ năm trăm nghìn một vé.
Ngày chẵn âm lịch nào cũng có khách đi cả. Đến mùa hái cà phê thì nhà xe Nam
Quy này giàu to vì chở khách từ Thái Bình vào hái cà thuê cho dân trong này.
Đông nghìn nghịt, xe cứ nhét ba người ngồi một hàng ghế vốn dành cho hai người.
Giá vé tăng lên bảy trăm nghìn một vé. Ngày tháng nông nhàn nên bà con ngoài ấy
cũng muốn thêm thu nhập. Chấp nhận giá vé ấy mà vào Dak Lak tất. Nghĩ cũng tội.
Thấy anh Hoàng bước
xuống xe, chị Loan gọi lớn:
- Anh Hoàng. Em đây này
Anh Hoàng nhoẻn miệng cười bảo:
-
Chờ lâu không em?
-
Không lâu lắm anh ạ. Không nhớ vợ con hai sao mà ở lâu thế, chờ gọi mới
vào à?
Chị Loan nói như dỗi, anh lườm
yêu chị một cái rồi hai vợ chồng ngồi lên xe máy chạy về nhà.
Về đến nhà thằng cu Tún nó mừng
nó hét toáng lên:
- A bố về, bố có quà cho con
không? Mẹ bảo bố vào thì sẽ được ăn bánh Cáy với cả hạt dẻ.
- Có, Bà chuẩn bị cho con bao
nhiêu là thứ đây này. Nào! Bố ôm con trai một cái nào. bố xa nhà lâu thế con có
nhớ bố không?
- Có ạ, thế mà mẹ cứ trêu con, bố
ở ngoài ấy đã có dì ghẻ rồi. Bố không vào nữa.
Anh Hoàng cười hiền hậu, hôn lên cái đầu tóc
dài chưa được một lóng tay của con rồi nhìn sang chị Loan. Chị Loan cười ngượng
đỏ hết cả mặt. Thằng cu Tún sinh ra trong này nhưng mà do hàng xóm là người
Thái Bình nhiều, vả bố mẹ nó nói giọng Thái Bình nên có lẽ vì thế mà nó nói tiếng
Thái Bình y hệt như trẻ con ngoài ấy..
Bố chơi với con, mẹ thì đi chợ, nấu
cơm, mua ít đồ nhắm. Mời hàng xóm sang nhậu một bữa nhân dịp anh Hoàng mới ở
quê vào. Hàng xóm gặp nhau, hỏi han làng xóm quê nhà, nhâm nhi ly rượu. Thấm đượm
tình cảm xóm giềng.
Nhậu rồi say, chồng lăn ra ngủ. Vợ
dọn dẹp, dỗ dành con thơ đi ngủ. Bố mẹ ở xa. Trăm thứ đều đến tay cả. Biết nhờ
cậy ai được. Hai ngày nữa tưới rồi. Mai chị sẽ cùng với anh dọn ống, béc. Ống
chính là cái ỗng dẫn nước. Ống dài bảy mét. Đường kính ống khoảng mười lăm xen-ti-mét.
Đa số ống được làm bằng nhôm vừa nhẹ lại ít bị gỉ. Tiện cho việc mang vác. Cái
béc chính là cái dùng để phun nước tưới cà phê. Trên đầu nó có một cái cần đập,
dùng sức ép của nước lấy từ máy bơm lên để đánh cái đầu béc quay một thành vòng
tròn rồi ngược lại. Như thế thì có thể tưới được cả những cây cà ở tất cả mọi
hướng xung quanh nó. Béc cao khoảng hai mét. Có ba cái chân dài đỡ xung quanh. Cái
máy bơm nước thì chắc ai cũng rõ rồi. Thế đấy nông cụ của mùa tưới chủ yếu là
những thứ ấy.
Sáng hôm sau hai vợ chồng cùng
nhau soạn ống. Chồng gỡ ống ở trên giàn nhà kho. Vợ đỡ một đầu ống, rồi từ từ
kéo ống xuống, lại đặt ống lên trên một cái dàn đã làm sắn trên xe công nông. Tuần
tự như thế cho hết ống ở trong nhà kho. Anh Hoàng lại tiếp tục leo lên xe công
nông, kéo ống lên cho ngay ngắn trên giàn. Xong rồi hai vợ chồng cột dây lại
cho ống khỏi tuột xuống lúc xe di chuyển ra rẫy. Vác béc bỏ vào bên trong cái
moóc xe. Đem võng, giường xếp bỏ vào moóc xe luôn thể. Lắp ống bơm ở đầu xe nữa
là xong. Trưa nghỉ ngơi, đến chiều anh Hoàng sang nhà hàng xóm nhờ đi tưới
cùng. Rồi hôm nào nhà ấy tưới, anh lại đi phụ giúp cho họ.
*
* *
Sáng sớm mới năm giờ kém mà đã nghe
tiếng chị Loan gọi thằng cu Tún:
- Tún ơi, dậy…! Dậy đi gác ống
cho bố mẹ kẻo trộm nó lấy mất ống con ơi!
Thế đấy, mùa tưới mà. Trẻ con ở
đây đứa nào cũng vậy. Từ nhỏ là đã sáng sớm theo bố mẹ ra rẫy canh gác ống trên
xe để bố mẹ yên tâm vác ống đi vào rẫy. Nếu có kẻ lạ mặt thì thằng cu Tún ở
ngoài này nó hét lên, báo hiệu có kẻ lạ mặt.
Tún lóp ngóp, phụng phịu, dụi mắt
đi đánh răng rửa mặt rồi ngồi lên xe công nông ra lô cà phê với bố mẹ.
Xe chạy đến rẫy dừng ở một bên
con mương dài ngoẵng. Nước chảy xiết, ước chừng độ sâu của nước là trên đầu gối
của người lớn. Mẹ dặn Tún:
- Ngồi
yên trên xe. Không được lại gần mương nghe chưa. Lỡ té thì chết đấy con ạ. Nước
chảy xiết lắm.
Tún “dạ” một tiếng rồi ngồi co ro trên xe. Tay đút vào túi
áo khoác dày cộm. Trời Tây Nguyên lúc chưa có mặt trời lên lạnh thật. Cậu bé
ngước cổ lên nhìn bầu trời xanh trong lúc tờ mờ sáng. Vắng vẳng tiếng bìm bịp
kêu, lại có cả tiếng quạ đôi lúc bay vờn xung quanh. Bên kia nghe rõ tiếng nước
chảy rồng rộc. Lâu lâu gió thổi sượt qua tóc gáy một cái. Lạnh thấu xương. Lá
trên cây nghe xào xạc. đất dưới chân bay mù lên. Bé Tún phải lấy tay che mũi,
nhắm mắt cho khỏi bụi. Bé cứ im thin thít nghe ngóng mọi động tĩnh. Bé sợ ma!!!
Mẹ thương Tún nên lúc ra lấy ống, mẹ đến bên Tún mẹ hỏi Tún
có sợ không. Tún sợ nhưng ra vẻ anh hùng nên nói: “dạ không sợ! ”. Nhưng mà tim
cứ giật thót mỗi khi có tiếng động lạ. Khổ thân thằng bé. Muốn làm anh hùng
nhưng chót đầu thai vào gia đình làm cà phê. Sợ lắm cơ, sợ nhưng thích. Còn hơn
là một mình ngủ ở nhà, đến lúc dậy thì chẳng thấy bố mẹ đâu.
Từ rẫy nhà Tún mà đến con mương ở gần nơi Tún đứng thì xa lắm.
Đường ống dài ngoẵng. Tún thấy bố của Tún lấy cái cùm vốn được lắp ở đầu ống nối
vào cái đầu không có cái cùm nào của ống kia. Cứ thế theo đường ống, bố lại gần
Tún để lắp ống nối với cái bơm. Lúc này mẹ lại bảo Tún đi bộ vào trong rẫy cà
phê. Ngồi giữa hàng ống. Chừng nào thấy nước phun ra thì hãy chạy ra cho khỏi ướt.
Lần này thì Tún sợ thật. Tún bảo:
- Có ngồi trong ấy lâu không mẹ. Con sợ….
Tún ngập ngừng, không nói nữa. Chị Loan chợt hiểu con mình
còn quá bé để ở một mình nơi hoang vắng. Ánh mặt chị chùng lại. Chị bế Tún lên
đi vào sâu giữa những hàng cà phê. Ngồi trên ống. Quan sát xung quanh xem có kẻ
lạ mặt nào không. Mẹ bảo Tún:
- Con cố học cho giỏi để sau này không phải làm cà phê như bố
mẹ nữa nghe con, khổ lắm.
- “Dạ”. Tún trả lời một cách ngon lành trong ánh mắt tội
nghiệp của người mẹ.
Ngoài này bố Tún và bác hàng xóm đang hì hục, một người thì
lấy tấm ván cản dòng nước xiết để nước dâng lên cho bơm đủ hút. Một người loay
hoay cột dây cho tấm vản khỏi bị trôi. Xong rồi một người thả cái vòi hút rõ to
xuống nước. Bố Tún quay khởi động máy bơm. Trong rẫy cà, mẹ con Tún cảm nhận có
cái gì đang làm rung rung hệ thống ống. Là nước đấy! Chị Loan biết như vậy nên
nhanh chóng bế thằng Tún ra khỏi rẫy. Vừa ra khỏi rẫy thì có tiếng nước phun
trào ở đằng xa. Chị kéo ống tay áo lên, nhìn đồng hồ. Nó đã điểm bảy giờ kém mười
phút. Năm tiếng sau sẽ hết một ca. Nhà chị phải bốn ca như thế mới tưới xong hết
rẫy.
Đang nhẩm tính xem mấy giờ sẽ thay ca đầu tiên, bỗng anh
Hoàng từ đâu đi lại gần bảo:
- Em đưa con về rồi đem mấy gói mì tôm với cái phích nước
nóng ra cho anh em ngoài này nhé. À, nhớ rót một chai rượu và lấy một gói thuốc
lá đem theo cho anh nữa nhá.
- Mới uống từ chết đến bị thương đó mà hôm nay lại còn đòi uống
nữa. Hôm trước uống được. Hôm nay uống như thế nữa thì ai thay ca cho. Em đàn
bà con gái làm sao xoay xở được,
Chị Loan gắt nhưng rồi cũng phải nghe theo. Mùa tưới mà, gió
lạnh. Hay bị tắc nước nên sửa béc suốt. Không sửa thì thôi chứ đã sửa là ướt
như chuột lột. Nước ngấm vào người. Lạnh thấu xương. Có điếu thuốc lá, mấy ông ấy
cũng thấy ấm người hơn. Chả có khoa học nào chứng mình như thế cả nhưng các ông
ấy biện hộ thế. Làm vợ thì đành phải chiều chứ biết làm sao. Không có là bị gắt
như chơi. Rồi chả ai làm cho thì nguy.
Trong khi mẹ nói chuyện với bố. Tún thả dép ra, chậm rãi đi
trên thân ống. Hai tay giang ngang để giữ thăng bằng. Thân ống thì tròn nên một
chân cậu bé chạm xuống đất suốt. Chân dính đất nên xách dép chạy lại cái chỗ ống
bị xì nước do lắp ống không khít để rửa chân. Mang dép vào, chân đi lạch bạch
nghịch ngợm nên bùn do đất thấm nước bắn đầy ống quần. Chỉ khổ cho mẹ nó lúc giặt
đồ thôi.
Tún ngồi lên xe đạp theo mẹ về nhà. Về đến nhà Tún muốn sang
nhà hàng xóm chơi với con bé Khánh nhưng mẹ không cho. Mẹ bắt ở nhà coi nhà để
mẹ đi chợ và đem đồ ăn ra cho bố. Ôi chán phèo. Tún nghĩ thế. Nhưng mẹ mới bước
ra khỏi nhà. Tún liền gọi to:
- Khánh ơi, sang đây Tún bảo này.
Bé Khánh bằng tuổi Tún nhưng không biết vì nòi bố mẹ thấp bé
hay vì bị suy dinh dưỡng mà nhìn bé nhỏ như hạt vừng. Bé chạy sang, nói với giọng
tò mò:
- Gọi gì đấy?
- Đi bẻ lá cây keo về làm vòng nguyệt quế với Tún nhé.
- Làm thế nào được.
- Hôm qua chị Vân bày cho Tún với cả anh Kiên làm rồi. Tún
biết làm rồi. Ra mương bẻ cành keo đi. Chút nữa Tún bày cho.
- Đi thì đi
Thế là hai đứa dắt nhau đi, Tún quên béng lời mẹ dặn là phải
ở nhà trông nhà cho mẹ. Hai cô cậu tí hon đi bẻ cành keo về, mỗi đứa cầm mỗi
lá. Rồi Tún làm như người lớn lên mặt dạy đời. Nó bảo làm thế này nhé….thế…..thế…và
cuối cùng thế này nữa là xong. Bé Khánh theo không kịp nên cứ bảo Tún làm lại
mãi. Bày mãi không được. Tún mắng:
- Đúng là đàn bà con gái.
Ái chà, cậu bé lấy nguyên văn câu mà bố vẫn thường hay nói
khi mẹ cu cậu không nghe lời bố. Tún và bé Khánh cứ hồn nhiên như chẳng biết
mùa tưới là gì cả. À có chứ. Mùa tưới trong mắt các cô cậu bé chỉ là những buổi
ra rẫy canh ống cho bố mẹ yên tâm thay ca tưới hoặc thu ống đem về.
Khoảng chập tối mẹ Tún bón cho Tún ăn xong. Mẹ khóa cửa, nhốt
Tún trong nhà rồi mẹ đạp xe hướng ra rẫy. Tún sợ lắm nhưng mẹ không cho Tún đi
cùng. Mẹ bảo một chút nữa mẹ sẽ về nên Tún chờ. Tún sợ ở nhà một mình lắm.
* * *
Chị Loan đạp xe ra rẫy. Sắp đến giờ thay ca thứ ba. Còn 2 ca
nữa là xong. Anh Hoàng đứng bên máy công nông. Hãm ga. Rồi tắt máy hẳn. Người
hàng xóm cùng với hai vợ chồng đi tháo tất cả các cùm ống dể chuyển ống sang một
hàng cà khác. Hai người đàn ông mang vác. Còn chị kéo ống lại rồi tra cùm vào đầu
ống kia. Tưởng như rất đơn giản nhưng cũng có lúc anh Hoàng phải giúp khóa cùm
vì cái cùm quá cứng. Hôm qua chuẩn bị ống. Anh lười bôi mỡ vào chốt cùm nên cùm
nó hơi cứng. Trời lạnh tái tê, lại ướt sũng vì nước trong ống nên môi ai cũng bặm
lại. Thay ca xong. Nước phun lên vòi. Chị Loan lại lục cục chạy về với đứa con
quý tử. Về đến nhà thì thằng bé ngủ khi nào không hay. Chắc sợ ma quá nên trùm
chăn ngủ cho đỡ sợ đấy mà. Thương con nhưng chót mang cái nghiệp làm cà phê nên
tự an ủi mình cố làm ăn cho con được đổi đời. Hy sinh đời bố củng cố đời con.
Hai vợ chồng vẫn nghĩ như vậy. Ngủ với con được mấy tiếng đồng hồ rồi chị lại dậy
đi thay ca cuối cùng lúc nửa đêm. Lại đạp xe, lại kéo ống và tra cùm nối ống…Lần
này chị ở hẳn ngoài rẫy với chồng. Thức đêm canh gác cho anh Hoàng và bác hàng
xóm chợp mắt mấy tiếng đồng hồ để gần sáng tưới xong thu ống về nhà. Nếu có cái
béc nào bị đứng không quay thì chị mới gọi một trong hai người dậy sửa. Chị
không biết sửa mà.
Sương đêm hòa quyện hơi đất bay, khiến mũi chị khô hết cả.
Đúng là có thức đêm mới biết đêm dài. Ngẫm lại số phận mình mà chị ưu tư. Nhà
nghèo con đông, chị là chị cả nên nghỉ học sớm để giúp bố mẹ kiếm tiền nuôi các
em ăn học. Các em đi ngành đi nghề ăn trắng mặc trơn. Chỉ có mình chị làm nông,
đã thế lại ở nơi hỗn tạp này. Người cùng quê mình có, người Nghệ An, Hà Tĩnh,
Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Thuận cũng có đủ cả. Biết rằng người
quê nào cũng có người tốt kẻ xấu nhưng chị vẫn chạnh lòng khi nghĩ về cái kiếp
tha hương. Đêm nay sao thấy lạnh quá. Lạnh cả da thịt lẫn lạnh lòng. Chị nhớ bố,
nhớ mẹ. Không biết dạo này ngoài ấy rét thế, bố mẹ già rồi có chịu nổi không.
Chứng hen suyễn của bố do hút thuốc lào dạo này thế nào. Nhiều lúc cãi nhau với
chồng, tủi thân muốn về chia sẻ với mẹ nhưng xa quá mẹ ơi. Chị còn nhớ như in
ngày sinh thằng Tún. Vợ chồng son. Kinh nghiệm chưa có. Chế độ ở cữ, ăn uống
kiêng khem của sản phụ. Hai vợ chồng không nắm rõ. Rửa ráy, tất cả là chồng làm
cho hết. Đáng lẽ những việc đấy là do em gái hoặc mẹ đẻ làm cho. Ôi thế mà thằng
Tún cũng được từng ấy tuổi rồi. Rồi cũng qua cái giai đoạn khổ ải ấy. Năm sau
năm con lợn. Định sinh đứa nữa cho Tún có em nhưng còn nhiều điều lăn tăn
quá…..
Nghe tiếng gà ở buôn làng người Ê Đê gần đó gáy. Lấy đèn pin
rọi xem đồng hồ. Sắp đến giờ tắt máy thu ống rồi. Quay sang định lay chồng dậy
nhưng thấy anh ấy ngủ ngon quá nên lại cố chờ thêm tý nữa đến giờ mới gọi. Chị
chạy lại gần mương, múc nước đổ vào khoang nước mát của máy. Một lát sau nghe
tiếng chuông điện thoại của chồng. Tưởng ai gọi, chị chạy lại xem. Nhưng không
phải, đó là tiếng chuông báo thức anh Hoàng cài đặt định kỳ để biết giờ thay
ca. Giờ thì hai gã đàn ông dậy rồi. Cả ba cùng nhau gom ống lên xe, ra về. Kết
thúc một đợt tưới.
* * *
Anh Hoàng đang hái lau lá giong để gói bánh Tét. Bỗng nghe
tiếng thằng Tún gọi lớn:
- Bố… bố ơi….Mẹ…mẹ làm sao thế này.
Anh thả ngay cái khăn xuống đống đá. Chạy ngay ra nhà sau,
thấy chị Loan đang một tay chống tường, một tay vuốt ngực, đầu thì gục xuống.
Hai tay anh đỡ chị Loan, anh vội hỏi: “em sao thế?”. Chị Loan mệt mỏi nhìn anh
Hoàng, nhưng hai mắt âu yếm nói với anh:
- Em thằng Tún nó phá.
- Khi nào? Sao anh không biết?
- Mấy hôm nay em mệt, em lên trạm xá khám. Họ bảo bầu rồi. Nởm
ạ. Quan tâm vợ gớm nhỉ.
Ánh mắt chị lúc này như đang hờn trách anh. Thấy bố ôm mẹ,
thằng Tún nó hỏi dồn như để khẳng định lại chuyện nó có em:
- Con có em thật hả bố, Em ở đâu mà phá được mẹ thế bố?
Bố âu yếm, xoa đầu Tún bảo:
- Em đang ở trong bụng mẹ ấy. Mấy tháng nữa em mới chào đời.
Giống như Tún ngày xưa cũng phá mẹ lúc còn ở trong bụng mẹ ấy. Lúc đấy bố cũng
hết hồn như con hôm nay đấy. Con phải thương mẹ vì mẹ đã khổ vì con đấy nhớ
không?
- Thật hả mẹ? Tún chả biết gì cả. Sao bố nói con thế hả mẹ?
Mặt thằng bé phụng phịu, mẹ lại dỗ dành:
- Một lúc nữa mẹ khỏe ngay ấy mà. Mẹ yêu Tún, Mẹ không trách
Tún đâu. Sau này con sẽ hiểu tất cả. Bây giờ con hãy cố mà học thật gỏi là
thương mẹ rồi đấy.
Tún dạ một tiếng rồi lẽo đẽo theo bố dìu mẹ vào giường. Mẹ nằm
xuống, Tún cũng nằm cùng mẹ. Tò mò sờ bụng mẹ. hỏi em nó ở đâu trong bụng mẹ. Trẻ
con đúng là ông chúa của tò mò.
Ngoài này anh Hoàng bắt đầu đổ nếp lên lá để gói bánh Tét.
Nghe đâu đó mùi hoa cà phê bay từ trong vườn vào. Lòng thầm nghĩ chắc hoa cà
phê ngoài rẫy cũng nở rồi. Chỉ hai ba hôm nữa là tết. Năm sau anh có thêm một đứa
con. Là thêm một hạnh phúc nhưng cũng là thêm một miệng ăn, một nỗi lo và một
biển trách nhiệm. Cầu mong cho cà phê năm sau sai trái. Mặc dù đã có thằng cu
Tún rồi nhưng cảm giác của anh bây giờ vẫn như chưa bao giờ làm bố….Anh mỉm cười
hạnh phúc. Ngoài trời gió khe khẽ đập mái tôn nhà. Xuân đang về…..
Buôn Ma Thuột, giáp tết Quý Tỵ 2013
Tây Nguyên Xanh
Truyện có nhiều chi tiết "sống" về công việc tưới cà phê. Có thể thấy cuộc sống vất vả của dân làm cà phê. Kiểu truyện này là truyện " không có cốt truyện". Xét về yêu cầu chặt chẽ của một truyện ngắn kiểu cổ điển thì còn phải gắng nhiều. Nhưng rất đáng khuyến khích. Riêng bác VN thì thích vì biết thêm những chi tiết đời sống của dân làm cà phê! Cố gắng lên nha!
ReplyDeleteBác VN đã nhận xét với tên Ẩn danh. Hôm nay nhà mạng không "phong tỏa", nên có thể nhận xét với tên thật. Bác VN hoan nghênh cố gắng. Nhưng cần cố gắng nhiều hơn. Với truyện ngắn, điều quan trọng là tạo " tình huống", nếu không nó có thể chỉ là một "ghi chép"!
ReplyDeletetruyện ngắn gợi nhớ nhiều khoảng khắc tuổi thơ yêu dấu đã qua một thời của mỗi chúng ta
ReplyDelete