Mùa
Xuân – mùa của thơ ca và nhạc họa. Mùa của cây cối đâm chồi và nảy lộc. Mùa mà
những cánh hoa có thể thức tỉnh tâm hồn thi sĩ sau một mùa đông giá lạnh. Có thể
nói mùa xuân là đề tài muôn thuở của thi ca. Kẻ thích hóng chuyện văn chương và
thời luận như tôi cũng ham hố làm thơ và bình luận. Mùa xuân tới làm tôi rạo rực,
thích làm thơ nhưng cứ lơ ngơ vì không biết niêm luật vần thơ.
Ảnh do tác giả Vũ Nho cung cấp trên mạng xã hội Facebook
Tôi đọc đến
chương VẺ ĐẸP THƠ của sách, tôi thầm nghĩ thơ sao giống người con gái thế. Nhìn
là muốn khám phá nhưng càng đi sâu khám phá thì càng khó hiểu. Dễ cáu, dễ giận
khi tìm hiểu nàng thơ nhưng nàng thơ vẫn giữ cho mình một vẻ đẹp huyền bí. Tinh
tế lắm ta mới nhận ra vẻ đẹp của nàng thơ
Hiểu và cảm nhận
thơ đã khó thế thì dám hỏi dạy cho người khác hiểu thơ có dễ hay không? Thế mới
biết nghề dạy Văn cũng lắm công phu. Chứ không như dân Hóa chúng tôi, cứ cho chất
này bỏ vào chất kia. A lê hấp! Thấy ngay kết quả phản ứng. Tất nhiên không thể
bâng quơ so sánh thế được. Hóa cũng có công phu của Hóa mà Văn thì cũng phải có
công phu của Văn thì mới có cái gọi là nghiên cứu lý luận trong lĩnh vực Văn
chương và Hóa học chứ nhỉ(?)
Ở trang 133 tác giả nói rằng: “thơ xin
chớ đọc một lần” và trang 135 có đoạn viết: “Đọc thơ, xin chớ đọc với con mắt dửng
dưng, với trái tim thờ ơ, lạnh nhạt. Hãy trân trọng và nâng niu vì đó đâu phải
là câu chữ, đó là tâm hồn của người viết, là vật họ gửi làm tin cho ta. Vì vậy
hãy đọc như mình trò chuyện với tác giả với tinh thần cảm thông “đồng khí, đồng
thanh””. Tôi đồng ý với những luận điểm này nhưng với người dốt Văn, thâm chí
có đôi lúc muốn xóa bỏ môn Văn như tôi thì cái ấn tượng đầu tiên khi lần đầu đọc
bài thơ mà vô cùng quan trọng. Không có ấn tượng thì thôi rồi, những lần sau
khó mà có tâm trạng hào hứng đọc. Đó là sự thật. Người viết bài giới thiệu sách
này là một cô gái học ngành Hóa bởi vì ghét môn Văn. Văn lớp 12 chỉ đạt 3,7 điểm.
Đó là sự thật, tôi không hề né tránh. Cũng không phải vì có một số bài viết
trên blog tôi được khen mà bây giờ tôi làm kiêu làm phách bằng cách công bố quá
khứ học Văn. Tôi nghĩ, vậy cái lý do của việc dốt Văn của tôi là gì? Là lười học.
Đúng! Tôi chẳng thèm học Văn. Nhưng vì sao tôi lười học Văn? Xin nói thằng và
có phần phản bội lại những người đã dạy Văn cho tôi rằng là: tôi không thấy sự diễn cảm trong cách dạy của
những giáo viên Văn mà tôi từng được học. Họ không đưa ra được những chính kiến
riêng của họ để mà thuyết phục tôi. Tôi cảm nhận họ như đang nói lại những gì
có trong sách vở. Chán, ngán đó là tâm trạng chung khi tôi học tiết Văn.
Đến hôm nay tôi
thấy dốt văn là một thiệt thòi đáng sợ. Đời không biết đến Văn như ruộng lúa
thường xuyên thiếu nước, như nghe câu hát chèo mà không có tiếng đệm í hi, câu
quan họ thiếu vắng í a.
Vậy nên với tư
cách là bạn đọc thì tôi thích công trình nghiên cứu THƠ VÀ DẠY HỌC THƠ này của
PGS.TS Vũ Nho. Nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó để có thể thành người giỏi cảm thụ thơ
và hơn thế nữa là giỏi dạy thơ. Tuy vậy tôi vẫn nghĩ trái tim và lòng nhiệt huyết
sẽ có thể là cầu nối giữa thơ hay chính xác là nhà thơ và người đọc, người học
cũng như người dạy thơ. Với chuyên ngành não cũng vậy, phải có cái tâm thì mới
có cái tầm tri thức.
Trên đây là hình ảnh của bìa sách
mà tôi đang cầm. Tôi muốn lên tiếng trách người đảm nhân công tác sửa bản in
cho cuốn sách này. Có những lỗi sai không chấp nhận được. Ví dụ như chưa sửa chữ
cho đúng chuẩn. Do tác giả Vũ Nho là người miền Bắc nên có thể đôi lúc phát âm
chữ “bảy” thành chữ “bẩy” dẫn đến khi đánh văn bản có khi viết nhầm. Một vài chỗ
thôi. Đa số là “bảy” không phải “bẩy”. Thiếu dấu ngoặc kép kết thúc trích dẫn
nguyên văn…..Đấy là lỗi nhỏ, có những lỗi sai quá mức chấp nhận được nhưng may
mắn cuốn sách của tôi đã được tác giả Vũ Nho đính chính lại trực tiếp trên sách
đã in. Nhà xuất bản đại học Thái Nguyên nên rút kinh nghiệm.
Mùa khô Tây Nguyên, bên thềm mùa xuân của
phương Bắc. DaK Lak, 2013
Tây Nguyên
Xanh
Tôi thích kiểu viết cảm thụ khách quan và thẳng thắn này. Người "dốt văn" nhưng viết văn rất có giọng điệu. Mà giọng điệu trong văn chương cũng là một trong những phẩm chất làm nên thương hiệu nhà văn đó.
ReplyDeleteCảm ơn bạn nhé
Delete