Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, March 29, 2013

CHUYỂN MÙA ĐỌC KHÚC GIAO MÙA CỦA NGỌC THANH

March 29, 2013

Share it Please

    Tây Nguyên đang ở những ngày cuối tháng ba nóng ẩm, và có xen lẫn những cơn mưa trái mùa. Đây cũng là giai đoạn chuyển giao giữa hai mùa mưa – nắng. Sự nhợt nhạt vì mồ hôi trên da thịt, sự uể oải của đầu óc lúc giao mùa khiến cho tôi khó chịu. Tôi đến với thơ như để tìm sự nhẹ nhàng bay bổng cố hữu trong thơ. Và tôi đã đọc hai tập Khúc Giao Mùa của tác giả Nguyễn Ngọc Thanh.
     Là một chiến sĩ chuyên ngành cảnh sát điều tra, đầu óc anh có thừa những lý lẽ, những tình huống có thể xảy ra trong đời sống, đặc biệt là lĩnh vực tâm sinh lý để còn đấu trí với tội phạm. Vậy thì tôi nghĩ sẽ chẳng khó gì khi “hắn” hiểu tâm lý của một con người. Ấy vậy mà khi yêu, “hắn” cũng dại khờ như bao nhiêu chàng trai khác. Tình yêu thật lạ. Nó có thể đồng hóa hàng ngàn hàng vạn tâm hồn của những kẻ đang yêu.

     Khi đợi chờ người yêu, “hắn” nói thế này:
       Em bao giờ cũng trễ
       Để anh đợi nhiều hơn
       Một điều thật giản đơn
       Lần nào em cũng vậy!
                   (trích bài ĐỢI, trong tập Khúc Giao Mùa)
     Vì sao em bắt anh chờ, vì rằng ANH ĐÁNG GHÉT:
        Anh đáng ghét! Để em hờn giận
        Để em mong nhớ ướt hàng mi
        Yêu em nhiều đừng có hoài nghi
        Anh đáng ghét! Lại làm em khóc
                    (Trích bài ANH ĐÁNG GHÉT, trong tập Khúc Giao Mùa)
    Ái chà, tác giả có vẻ hiểu con gái nhỉ! Con gái khi yêu là thế đấy. “Nhớ anh nhiều” cũng là một cái cớ để hờn ghen, Thế còn con trai khi nhớ vì vắng em thì sao nhỉ? Đó là:
         Vắng em trút buồn vào men rượu
         Rượu đắng cay, nỗi nhớ đong đầy
         Hút điếu thuốc thả nhớ theo mây
         Thuốc đắng chát, nhớ em da diết
                      (Trích bài VẮNG EM, trong tập Khúc Giao Mùa)
     Đấy, em nhớ anh thì em trút giận hờn vào anh. Còn anh nhớ em, anh chỉ biết trút buồn vào men rượu. Để cuối cùng anh “đổ đốn” vì “vắng em”. Nhớ em thì nhớ đến như thế, tìm đến rượu và khói thuốc để giải tỏa tâm tư thế mà khi gặp, nàng nỡ buông lời:
         Em bảo anh “điền đô”
         Ngẫm lại mình điên thật
         Tình yêu không đường mật
         Anh yêu em điên cuồng…
                         (Bài ĐIÊN, trong tập Khúc Giao Mùa 2)
       Đúng thế! Tình yêu khiến cho kẻ si tình hóa điên. Có lẽ nàng chê ta điên nên nàng bỏ chạy. Để ta bơ vơ giữa men đắng cuộc tình.
          Em ra đi mang theo cả hồn thơ
          Để bến lỡ cồn cào trống vắng
          Em đi mang theo bờ cát trắng
          Để biển mênh mông khao khát bờ
                         ( Trích bài EM ĐI XA trong tập Khúc Giao Mùa 2)
       Có điên không? Điên quá đi chứ. Em nào có phải tên trộm đâu mà mang được cả hồn thơ, cả một bờ cát trắng ra đi. Chỉ có người “điên” mới đổ lỗi cho em như thế. Biết thế nào được. Thì đúng là yêu khiến con người điên dại mà. Khổ thân anh chàng thi sĩ. Chẳng thà nói như thế này thì nghe được này:
                Em ơi nỗi nhớ đong đầy
           Xa em tâm sự cùng ai bây giờ
               Vắng em thơ cũng ngẩn ngơ
           Sông sâu bến đợi, bến chờ lòng đau…
                         (Bài NHỚ trong tập Khúc Giao Mùa 2)
       Đọc cái là hiểu ngay! À, thì ra nói cho chính xác là em đi thì nhớ em lắm. Thơ thì ngẩn ngơ mà người thì cũng ngơ ngơ vô cùng. Chẳng biết nàng nào mà làm chàng Ngọc Thanh “ngơ” thế nhỉ?
       Hết ngơ, Ngọc Thanh bây giờ mới ngồi trách:
             Trách ai đem bán trăng đi
       Mua đêm sâu thẳm bước đi gập ghềnh
             Trách thuyền chẳng bán lên đênh
       Mua neo níu bến bồng bềnh đêm trăng…

             Trách cây hoa tím Bằng Lăng
       Đong thương, mua nhớ, hoa giăng tím trời
             Trách ai như Cuội dối lời
       Để Cò lặn lội cả đời long đong

              Trách ai để nhớ để mong
       Để cho con nhện khát lòng giăng tơ
              Trách đêm trăng vắng sao mờ
       Thuyền trăng lỡ hẹn, bơ vơ duyên trời

               Trách em sao cứ mỉm cười
        Để anh khao khát cả đời tìm em…
                           (Bài TRÁCH, trong tập Khúc Giao Mùa 2)
   Nãy giờ lại “bị’ thơ của kẻ si tình Ngọc Thanh “dắt mũi” rồi. Dắt đi hết cảm giác này đến cảm giác nọ khi yêu. Tổng cộng hai tập thơ thì có hơn một trăm bài. Mỗi bài là một dư vị khác nhau của tình yêu. Tình yêu cha mẹ cũng có đấy. Ví du như các bài BỐ TÔI, MẸ TÔI hay là CÔNG CHA NGHĨA MẸ. Có những bài viết cho tình đồng đội. Nhưng có lẽ do tôi đang ở “tuổi ăn tuổi yêu” nên cứ thích đọc những bài về tình  yêu đôi lứa. Thích hiểu chút chút về cái cảm giác của đấng nam nhi khi yêu thì như thế nào, có giống con gái chúng mình hay không? Tò mò lắm.
Tôi không phải là nhà thơ, cũng chẳng phải là nhà phê bình cho nên khi đọc thơ thì dễ bị nhà thơ “dắt mũi”. Không biết đúng sai thế nào cả. Chỉ biết rằng mình có đồng cảm được với bài thơ này hay không thôi.  Mà ngẫm ra thì được một kẻ chẳng biết làm thơ như tôi đồng cảm được thì cũng là một thành công của tác giả đấy. Thơ được các nhà phê bình văn học hiểu và đồng cảm được là điều đương nhiên.
Thú thật hai tập Khúc Giao Mùa và Khúc Giao Mùa 2. Tôi được tặng từ hồi đầu mùa đông của xứ Bắc. Nhưng không biết viết cảm nhận như thế nào cho hai tập thơ cả. Nên chờ đến hôm nay, lúc mà Tây Nguyên đang độ giao mùa, đọc lại xem có biết đặt chữ gì đầu tiên cho bài cảm nhận không. Hý hoáy một hồi thì cũng được như thế này. Mở bài rồi giờ lại chẳng biết kết bài như thế nào cả. Thôi thì mượn những vần thơ hóm hỉnh của tác giả trong bài TẶNG MÌNH CHO TA để kết thúc nhé:
    Hôm nay mùng tám tháng ba
Giá hoa đột biến khiến ta giật mình
    Chẳng mua nàng trách vô tình
Nghiến răng đành chịu để mình trách ta
    Thôi đành buôn chuyện xuê xoa
Để nàng nở nụ cười hoa với mình…
     Nàng cười trông thật là xinh
Hoa anh không tặng – tặng mình cho ta…
     
Buôn Ma Thuột, 29/3/2012
Tây Nguyên Xanh

5 comments:

  1. Cán bộ bình thơ hay quá ! Đêm ngon giấc Cán Bộ nhé !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dao nay the nao roi?chong khong lay,viec khong lam.

      Delete
    2. Dao nay the nao roi?chong khong lay,viec khong lam.

      Delete
    3. Em chưa có gì hết cô ạ. em đang ăn bám hehe

      Delete