Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, July 13, 2013

CHẾT Ở QUÊ NHÀ

July 13, 2013

Share it Please
Tác giả ảnh: Máy Ảnh Đểu
Mình thấy Ba nói em trai của bác hàng xóm vừa mới tắt thở khi đang trên đường 9 về nhà. Một phút cầu nguyện cho hương linh xấu số không được “hạ thổ” trên nền nhà trước khi ra đi. Chết đường chết chợ thì con cháu càng đau lòng hơn. Người Việt Nam mà, chết như thế người ta sợ hương linh bị bắt làm ma cô, không vào nhà được hưởng đồ cúng tế được..
Tất tả mình chạy xuống nhà bác hàng xóm. Hai vợ chồng bác ấy đều là người Quảng Trị, Nhà mình bắt đầu chơi với nhà bác ấy từ hồi mới chuyển nhà lên trên này sống. Cho nên nếp sống và phương ngữ người Quảng Trị mình không mấy lạ nữa. Chẳng hạn như người Nghệ nhà mình có khách đến lúc đang ăn thì lật đật mời ngay. Không mời thì khách dễ phật lòng. Còn người Quảng Trị thì không bao giờ mời và khách không bao giờ giận vì họ nghĩ không nên mời khách ăn đồ thừa. Đã từng có chuyện người Nghệ An đến nhà ông Quảng Trị chơi lúc gia chủ đang ăn cơm. Gia chủ không mời cơm. Khách giận hơn bốn tháng không chạm mặt. Sau có người khác giải thích thì ông khách người Nghệ An mới đến nhà ông Quảng Trị cười khè khè bảo rằng “ zừ thì choa nỏ cức nhà mi nữa, mỗi quê quan niệm mỗi khác mi hầy (giờ thì chúng tôi không giận nhà bạn nữa, mỗi quê quan niệm mỗi khác bạn nhỉ)”. Ở Tây Nguyên, hàng xóm giận nhau vì chưa hiểu nếp sống người khác quê là chuyện bình thường.
Mình bước vào nhà. Thấy mọi việc diễn ra trong yên lặng. Bác bà vẫn chăm cháu, bác ông đang soạn đồ để về quê chịu tang thay vợ. Người mất là em trai của bác bà mà. Hình như bác bà cố kìm nén cơn nấc vì nhớ thương em. Đợi bác ông ra khỏi nhà mình mới dám hỏi thăm. Thà mình khơi chuyện để bác ấy khóc thì mình đỡ thương hơn là cứ thấy mắt bác ấy long lanh, nước mắt muốn trào nhưng bác ngửa cổ lên để nước mắt không rơi. Lúc này mình bắt đầu cảm nhận bác đang tự trách mình, sao ngày ấy bác theo chồng đi xa thế, vô tận đất Tây Nguyên làm công nhân lò gạch, rồi sau xin làm công nhân trồng cà phê cho công ty. Ông Mệ, Ba Mạ, anh em họ hàng đều ở ngoài Quảng Trị hết. Để đến hôm nay ruột đau khi em trai chết, bác có về thì may lắm thì cũng chỉ kịp ôm cái hòm gỗ đưa em ra nghĩa trang. Máu chảy ruột mềm, đau đớn lắm. Giờ mà cả nhà cũng về thì trong này bị trộm cạy cửa vô nhà lấy hết củu cải liền. Rồi vô lấy gì mà ăn. Ở Tây Nguyên nhà nhà cách nhau cái vườn rộng chứ không như ngoài kia đất chật người đông, nhà san san sát đâu.
Mình đang nghĩ, hình như ai cũng muốn trước lúc lâm chung thì được bàn chân trần lên nền đất quê hương hay sao ấy. Trong xóm mình có một ông cụ, về quê ăn cưới và mất ngoài ấy. Ông bà già vào đây thăm con cháu thì chỉ một thời gian thôi. Khi thấy người yếu thì muốn về quê, vì sợ chết ở trong này. Họ muốn chết ở nơi chôn nhau cắt rốn. Mình đã thấy nhiều cụ già nói như vậy. Họ sợ chết nơi đất khách lắm. Cái cội là gì mà ngàn vạn lá đều rơi về cội thế? Cội nguồn thiêng liêng đến vậy sao? Những đứa trẻ sinh ra ở Tây Nguyên như mình thì khó mà hiểu hết được.
Mình thì sao? Sau này mình có muốn chết ở quê nhà không nhỉ. Hình như là ở đâu cũng được, nhưng mình muốn trái tim mình đập mãi. Lúc đã yếu thì bảo bác sĩ mổ lấy tim rồi ngay lập tức ghép hệ thống tuần hoàn máu nhân tạo cho nó đập. Như vậy đúng nghĩa là chết mà không chết. Sống mà không sống. Các bộ phận khác như giác mạc cũng như phần còn lại của lục phủ ngũ tạng nếu còn có ích thì cắt bỏ rồi tất cả cho vào “Ngân Hàng Nội Tạng Quốc Gia”. Chờ đến lúc cần sẽ ghép cho người bệnh. Phần còn lại thì đốt thành tro rồi rải lên dòng sông Serepok, Cát bụi lại trở về với cát bụi thôi…Ai nhớ mình thì hãy về dòng sông trên quê hương mình. Vậy thôi. Lại lẩn thẩn rồi…
Buôn Ma Thuột, 13/7/2013

Tây Nguyên Xanh

4 comments:

  1. ."..nhưng mình muốn trái tim mình đập mãi!" Lại còn muốn "tất cả cho vào “Ngân Hàng Nội Tạng Quốc Gia". Hay lắm, đúng là trái tim thì nhỏ nhoi, nhưng nhịp đập thì muôn trùng. Hạnh phúc sẽ luôn ngập tràn trên tay em bởi lẽ sống em luôn cho nhiều hơn nhận, không thể là Hạt vừng lép đâu EGTN ạ.

    ReplyDelete