Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 17, 2013

BÊN THỀM TỬ BIỆT

August 17, 2013

Share it Please
Tác giả ảnh: Võ Thanh
(Viết bên thềm đại lễ Vu Lan)
    Nhắc đến chết thì ai cũng sợ. Hễ nói đến sự chết là người ta nói về những câu chuyện tâm linh. Trong tình yêu, sau một cuộc cãi vã thường có sự rạn vỡ tình cảm. Hằn thù và thậm chí là ghét bỏ nhau. Phải chẳng với cái ý niệm đó mà có những cuộc cãi vã hằn học được kể lại sau mỗi lần tử biệt một con người nào đó. Chuyện kể rằng:
    Có ông cụ ấy, thương thằng con dữ lắm. Cái gì cũng có để dành cho cu cậu cả. Nói gì cũng bênh cho thằng con ấy cả. Nhưng bỗng có một ngày, ông cụ trở nên gắt hỏng hằn học. Thằng con làm gì hơi động dao động thớt là ông chửi xa xả vào mặt vợ chồng thằng con. Ông đuổi vợ chồng thằng con ra khỏi nhà. Báo hại họ phải dựng lều ở ngoài rẫy. Một tháng sau ông cụ ốm và bái biệt trần ai. Sau đó người con hiểu sự đuổi đánh là một điềm báo sự ra đi mãi mãi của người cha
   Có một bà mẹ khi biết mình bị ung thư, bà khóc, khóc nhiều lắm. Khóc cho cảnh côi cút của con thơ. Khóc cho cạnh chăn đơn gối chiếc của chồng. Khóc cho bản thân mình đoản mệnh. Tính nết ngang tàng của người vợ người mẹ dịu dần đi, đổi lại nét dịu dàng và tình thương vô bờ bến với chồng và các con. Người phụ nữ ăn chăm lo đường kim mũi chỉ cho gia đình một cách cần mẫn hơn bình thường, bà chấp nhận mọi đòi hỏi của chồng và con. Những ngày sắp đổ bệnh, người phụ nữ ấy bỗng trở nên ích kỷ hẹp hòi, ghen tuông vô độ, dò xét từng hành động của chồng. Những đứa con hễ đi chơi về là bị ăn mắng. Những trận đòn với lý do nhỏ nhặt liên tục diễn ra. Thế rồi bà mẹ ấy nằm liệt giường, gia đình chuẩn bị hậu sự, những đứa con bé dại muốn ôm mẹ để an ủi mẹ nhanh khỏi bệnh, người mẹ đẩy con ra. Không cho con lại gần. Cứ như thể đến chết mẹ vẫn không muốn dính dáng đến các con, các con đã làm mẹ khổ nhiều rồi nên mẹ ghét vậy. Phút lâm chung, người vợ dặn dò chồng nếu gặp được người phụ nữ đảm đang, không phân biệt “con anh, con tôi” thì cưới vợ về mà sống đừng ở vậy thờ em mà tội. Người mẹ dặn con phải chăm ngoan, nghe lời bố. Trao nhau cái nhìn sau cuối. Người vợ người mẹ ấy ra đi mãi
   Buổi sáng chồng chở con đi xuống nhà bà ngoại chơi. Họ ở đó giúp ông bà sửa lại căn nhà cho đỡ xiêu vẹo. Làm xong, con rể và bố vợ cùng mấy anh chị em cạn ly thắm nồng tình đoàn kết. Trời đã tối. Hai bố con xin phép ông bà ngoại ra về. Người vợ ở nhà chờ chồng chờ con. Chờ mãi, chờ mãi, đêm đã khuya lắm rồi, bỗng có tiếng xe máy chạy về. Người vợ mừng thầm chạy ra mở cửa, chợt lạ vì ánh đèn xe máy khác xe của nhà mình. Rồi chị rợn tóc gáy, người ta bế ai bước lên thềm thế? Nhĩn kỹ....và chị ngất lịm... Tỉnh dậy thấy cờ rũ trước sân, mũi ngửi thấy mùi nhang khói....Chồng chị đã chết thật rồi ư? Anh ơi là anh ơi. Anh chết đường chết chợ. Sau mà nghe đau thương thế. Vậy mà mới hôm trước hai vợ chồng con chửi rủa, đay nghiến nhau, Ân hận, tiếc nuối, đau đớn, người vợ ấy dường như không còn sinh lực nữa. Sau này bĩnh tĩnh hơn, nghe người ta kể lại, họ thấy người cha ôm con để che chở cho thằng bé không bị ảnh hưởng do vụ va chạm tai nạn. Đứa con khỏe mạnh, con cha ra đi mãi.
   Lại nói về tình cha con, có một người cha sinh ra một đứa con bình thường. Nhưng sau cơn sốt quái ác kia, não của người con không bình thường nữa. Cậu bé trở lên chập mạch cho đến tận hôm nay. May mà vẫn lấy được người vợ hay cười (cô ấy cũng chập mạch). Trong mấy người con, người cha thương cậu con tật nguyền ấy nhất. Ngày ông ốm nặng. Tự dưng ông bảo: “Trung ơi, lại đây bồng cha một tý, con!” Người con chạy lại bồng cha lên. Người ta lộ ánh mắt lo lắng nhìn con rồi trút hơi thở bên lồng ngực con trai yêu dấu. Đến chết người cha vẫn không yên tâm, vẫn lo lắng cho đứa con không bình thường này nhất. Nghe kể mà xót thương.
   Dường như mỗi một lần tử biệt đều nhuốm màu đau thương. Đau thương vì ân hận của người sống đối với người đã khuất. Ân hận ấy phát sinh từ những hằn học, những giận hờn vì những phút tưởng chừng như bất đồng mọi thứ với người trước lúc lâm chung. Bài học rút ra là gì, thấy ai ghét ta thì ta thương kẻ ấy nhiều hơn. Thấy mắng ta thì ta nhịn để nghe tiếng mắng. Có khi đó là lời nói sau cùng của họ. Sự nhịn không chỉ phát sinh sự lành mà sự nhịn còn là nển tảng để gieo mầm không tiếc nuối
Buôn Ma Thuột, Quý Tỵ niên, thất nguyệt, thập nhất nhật
Tây Nguyên Xanh

2 comments: