Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, August 16, 2013

RẶN CHỮ

August 16, 2013

Share it Please
Tác giả ảnh: Hòa Carol
    Đấy là cái thuật ngữ tôi muốn dùng cho cái việc mới hoàn tất. Tôi mới viết xong cái tản văn để gửi bài cộng tác cho một tờ báo văn nghệ. Nhưng mà cứ như tôi rặn từng chữ ấy. Chán kinh chán khủng luôn. Cứ như tôi viết vì nghĩa vụ và trách nhiệm chứ không phải vì thích ấy. Dạo này tôi đang đọc tản văn và bút ký của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Trọng Muôn, Tô Hoài, Lê Giang. Càng đọc tôi lại càng thấy mình cần cách tân cái lối suy nghĩ về tản văn vốn có trong tôi.
    Tô Hoài  và Lê Giang đại diện cho lớp nhà văn cây đa cây đề và họ mang hai giọng văn của hai miền khác nhau. Một Tô Hoài rất Bắc trong Chuyện Cũ Hà Nội và một Lê Giang rất Nam Bộ trong Ừa, Chỉ Có Vậy Thôi. Họ viết về những câu chuyện xưa ơi là xưa. Có lẽ những cái đó gần như khó mà tái hiện lại được. Những câu văn của họ gần như là tư liệu hỗ trợ cho thế hệ chúng tôi tìm hiểu lịch sử.
    Còn Nguyễn Ngọc Tư và Hoàng Trọng Muôn lại đại diện cho lớp nhà văn trẻ (đứng trên mặt bằng tuổi tác những nhà văn thành danh hiện nay). Tôi cũng muốn nhìn theo hai hướng Nam Bộ và Bắc Bộ thông qua văn của Nguyễn Ngọc Tư và Hoàng Trọng Muôn. Tôi nói họ là những “nhà văn trẻ”, ấy là tôi lặp lại lời nói của những nhà phê bình văn học gạo cội dành cho họ thôi. Chứ tuổi tác của tôi kém xa hai “hai nhà văn trẻ” ấy nhiều. Đọc văn họ, tôi thấy văn của tôi chưa thấm tính hiện thực, cho dù là sự lãng mạn nhưng sự lãng mạn trong văn tôi mang dáng dấp của sự phi lý luận. Khập khiễng mọi nhẽ.
   Tôi nhận thấy, văn tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi văn người khác. Chưa có nét đặc trưng riêng của mình. Có chăng chỉ là tôi viết về Tây Nguyên còn người ta viết về vùng chiêm trũng ở các miền mà thôi. Tôi thấy nực cười, rằng tại sao khi miêu tả cơn gió thì tôi cứ phải cố gắng thêm hai chữ “xào xạc” vào câu văn. Tại sao cứ mưa là phải có thêm các cụm từ rả rích hoặc là lả lướt. Tại sao cứ phải chó sửa thì phải miêu tả trạng thái gầm gừ của con chó trước đã. Phải nói rằng những nhà văn gạo cội đã quá thành công trong việc miêu tả hơi thở của cuộc sống rồi. Cái khác với thời đại này chỉ là khác về mặt thể chế chính trị và tình hình tài chính thôi. Nói như vậy cũng không đúng. Khác nhau về kinh tế thì sẽ kéo theo khác nhau về tư duy sáng tác. Vậy nên khi đọc văn tôi, người ta có thể sẽ thấy những câu văn miêu tả phòng ốc hiện đại. Cuộc sống  “dễ thở” hơn so với thời còn giặc ngoại xâm. Cho nên văn có điểm mới trong câu chữ. Đề tài hiện đại hơn một chút. Nhưng miêu tả tiếng cho sủa thì không tránh khỏi cụm từ “gâu gâu” như các Cụ đã từng dùng.
   Ở trên tôi mới nhắc đến tiếng chó sủa “gâu gâu”. Câu hỏi được đặt ra là không dùng từ gâu gâu thì dùng từ gì thay thế?. Dường như câu hỏi ấy thường trực trong tôi. Ngay cái câu hỏi cũng cũ rích rồi. Tại sao tôi không nghĩ đến thay vì miêu tả tiếng tả con chó đang sủa thì tôi miêu tả cái vẻ mặt, cái cảm giác của người bị/được chó sủa nhỉ  Từ sự miêu tả đó, người ta hiểu ngay con chó nó hiền hay dữ.  Chẳng cần phải miêu tả con chó gầm gừ và sủa như thế nào cả.
    Dạo này đọc tản văn trên internet thấy nhạt quá. Các viết, cách trêu đùa trong văn cứ na ná nhau. Tôi đọc lại của chính mình, lại còn nhạt nhẽo hơn. Tôi cứ thấy hình như tôi trộm những câu văn hay của người khác để áp vào bài viết của mình vậy. Mình viết mà đọc lại cứ như của người ta. Nó không mượt mà. Tản văn không mượt mà thì tản văn đó dở. Cho dù xét từng câu riêng rẽ thì những câu ấy hay. Nhưng mà ghép vào toàn bài thì vô cùng khập khiễng. Ôi văn của tôi
    Văn của tôi, tôi quen tự nhận là văn bắt chước. Tôi thấy ai viết theo lối này hay thì đi tìm ý tưởng nào đó rồi viết theo hướng suy nghĩ của họ. Đâm ra cái bài ấy được đánh giá kha khá nhưng là cái kha khá của người ta. Tôi chỉ có công chép lại cách nghĩ của một ai đó mà thôi. Hình như tôi đánh mất mình khi viết văn. Trừ những trang nhật ký ra, hầu như cái bài nào của tôi cũng nhập nhèm không thoát một cái tầm suy nghĩ nào đó. Tôi phải vượt qua cái tầm đó thì may ra mới tìm ra lối viết của riêng mình.
    Tôi vẫn tự nhận mình là dân thuộc dân khoa học tự nhiên nên cứ hễ có người chê văn tôi dở thì tôi lại tự nhủ rằng “mình không phải dân văn” để rồi tôi cứ lụi bại mãi. Tôi chưa nghiêm túc viết văn nên có lẽ chưa tự chịu trách nhiệm về những gì mình viết. Tôi chưa trưởng thành và văn tôi chưa “chín”. Nên “rặn chữ” là điều tất nhiên!
Buôn Ma Thuột, xế chiều ngày 16/8/2013

H’Tây Niê

6 comments:

  1. Dân Hóa mà viết như thế này thì hơn cả Nguyễn Ngọc Tư miền Tây. Được đấy cưng, em nên viết như thế này thì sẽ có khối người thích đọc văn em. Anh tin vậy. Thân!

    ReplyDelete
  2. Có chuyện vợ hỏi anh học trò rằng làm văn có khó khăn, đau đớn như là chuyện chị đau đẻ không. Anh học trò trả lời: Rặn đẻ thì cũng khó và đau đớn, nhưng có sẵn con trong bụng rồi, rặn thì nó ra. Còn chuyện viết lách văn vẻ của anh ta, không có chữ trong người thì RẶN cũng chẳng ra nỏi chữ nào.
    Vậy là EGTN đã thành công rồi đó. Có chữ, nó không ra tuồn tuột, phải rặn mới ra. Vậy cũng đã là cao thủ rồi.
    Chả thế mà anh Nguyễn Nhật Ánh đã khen đó thôi!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi! Có chuyện vui thế hả bác hi hi. cháu toàn nhờ người ta sửa hộ bài bác ạ

      Delete
  3. Bài viết của bạn làm tôi thích thú!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bạn đã ghé nhà và dành thời gian đọc

      Delete