Tác giả ảnh: Shikhei Goh |
Nói đến mưa là đã mênh mang rồi chứ chẳng cần thêm ngôn từ
gì nữa nhỉ? Có thể vì lý do rằng trời mưa thì sinh ra cái chuyện trú mưa. Nếu
trú ở nhà (nghĩa là đang ở nhà) thì
không sao. Chứ mà trú mưa ở nơi đón xe buýt chẳng hạn. Rồi thì có chàng/nàng
nào đó cũng trú mưa. Hai anh mắt nhìn nhau. Dù hạt mưa có rơi lả lướt cũng
có tiếng sét đánh bùm một cái. Cái này người ta gọi là sét ái tình. He he.
Thế rồi họ yêu nhau. Lúc vui thì hai người ôm hôn nhau trong
mưa (dù ngày mai hai đứa cùng mua thuốc trị cảm cúm). Lúc giận hờn hay là lúc mới
chia tay nhau thì hễ nhìn thấy mưa, viết ngay “anh/em có nhớ không, ngày có cơn
mua ấy...chúng ta đã quen nhau”. Thế nên văn chương thơ phú cứ thế là tuôn ra
khỏi ngòi bút của các tay viết. Mưa là đề tài muôn thuở của thi ca bác nhỉ? Ai
nói không? Mình nghỉ chơi với người ấy ba ngày.
Lại lan man rồi. Đi thẳng vấn đề về mưa Tây Nguyên nhé. Mưa
Tây Nguyên xuất hiện chập chờn sau những ngày tháng ba tương đối là nóng bỏng.
Những cơn mưa thậm thụt, chớp nhoáng ấy đã làm cho cây cỏ hoa lá bừng tỉnh sau
một mùa khô dài thườn thượt. Cỏ cây ở Tây Nguyên hay lắm. Nó chấp nhận bị cháy
hết lá. Nó tích tụ nước dưới rễ và một phần ở thân. Nằm trơ trơ trên đất như chết
rồi. Nhưng mà hễ có mưa một cái là nó ngóc đầu dậy. Như thế muốn hút cạn cả một
cơn mưa. Gớm chưa? Cây cỏ còn thế. Huống chi là người. Lý do trai gái Tây
Nguyên mạnh mẽ là vì học tập cây cối đấy. Mình nói phét đấy. Các bạn đừng tin
he he.
Vào đầu tháng tư dương lịch, mưa vẫn còn rải rác nhưng sang
tháng sáu tháng bảy thì bắt đầu mưa dầm dề. Trời chỉ có màu trắng khi mới mưa
xong tức thì thôi. Còn nữa, lúc nào cũng thấy một bầu trời mây đen mọng nước.
Đường sá cứ ướt át như bờ mi của người con gái khóc nhớ người thương. Cây cối cứ
thoải mái xanh. Sâu non cứ thoải mái nhâm nhi lá. Đêm đêm rầm rập những đội
quân ốc sên chiếm đóng những vườn rau. Các con dế nhảy tong tóc trong sân vườn
và kêu chí chóe vì nước ngập hết tổ của chúng.
Tây Nguyên bốn mùa đều có ve kêu các bạn nhé. Bình thường
khoảng vào thời gian chập tối thì bao giờ cũng có tiếng ve kêu. Tiếng kêu oe oe
oe lúc ngân cao đến điếc tai. Nhưng có khi nhẹ nhàng lắm. Muốn nghe ve kêu vào
ban ngày thì chỉ có những ngày cuối mùa khô thôi. Bình thường chúng tập trung
kêu ra rả vào khoảng từ 17h30 đến 19h mỗi ngày. Sau 19h thì không còn tiếng ve
kêu nữa.
Vì có mưa nên cây cối xanh tốt, đâm ra “mắn đẻ”. Cho nên mùa
mưa là mùa trái cây Tây Nguyên. Mẵng cầu, bơ, thanh long, sầu riêng, mít....bán
rẻ như cho ở đất Tây Nguyên. Mùa mưa là mùa các trại cây giống đắt khách. Người
ta trồng cây vào mùa này thì nhanh bén rễ nhất. Đi ra đường, thấp thoáng những
chiếc xe công nông của người trồng cà phê, hồ tiêu, cao su đang chở những bầu
cây giống.
Riêng những nhà trồng cà phê như gia đính bọn mình ấy mà.
Mùa này vất vả lắm. Cuốc cỏ hôm nay. Mai mưa nó lai mọc. Bón phân để nâng cao
chất lượng quả cà phê. Cà phê no phân thì sinh ra mắn đẻ, nảy chồi liên tục. Cứ
khoảng mười lăm ngày thì lo đi đánh (bẻ) chồi con. Phải đi chặt những cây che
bóng cà phê. Rồi thì ghép những chồi của cây có năng suất cao và cây có năng suất
thấp. Loanh qoanh thế mà mãi đến mùa thu hoạch cà phê thì mới được coi là hết
việc chăm sóc, chỉ lo thu hái đấy.
Mùa mưa Tây Nguyên qua mắt của con nhà nông nó thế đấy các bạn
ạ. Mình không có khiếu viết văn nên câu chữ có hơi lủng củng. Hi hi. Nghĩ sao
viết vậy.
Buôn Ma Thuột, 2/8/2013
Tây Nguyên Xanh
Bận rộn mà vui !
ReplyDeleteĐúng vậy anh ạ
Delete