Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, August 25, 2013

XOÁY SÂU TÂM TƯỞNG, HỨNG TRỌN NIỀM TIN

August 25, 2013

Share it Please
Tác giả ảnh:  Thiên Hà

   Đã lâu rồi thị không viết cái gì cả. Thị vào mạng xã hội để đọc văn của người ta thôi. Thị đang trong giai đoạn ớn viết và ớn chơi. Thị cứ co ro ở một góc nhà và suy nghĩ mông lung về chuyện đời chuyện nghề. Đến hôm nay, thị thừa nhận thị cũng có tố chất viết lách đấy. Thị có quyền tự mãn về điều ấy vì như thế có nghĩa là đầu óc thị phát triển tương đối là toàn diện. Thì học ngành tự nhiên mà vẫn có thể lêu lổng với dân ngành xã hội thì còn gì bằng. Tất nhiên khi đi chơi với họ, thị phải lấy chuyện văn ra để nói chứ ai lại đem mấy cái công thức chuyên ngành tự nhiên ra mà nói. Thị vẫn có những phút tự mãn như thế.
   Một ngày, thị chào buổi sáng bằng cái nhìn mơ màng như một kẻ nhìn đời sau cơn mê. Thị đủng đỉnh dậy đánh răng rửa mặt. Chỉ khi giọt nước được chòa vào mặt thì thị mới ý thức được mình đã ngủ dậy. Thị thay quần áo, lên gác và thắp hương...
    Thị là một con người có tín ngưỡng. Sáng nào thị cũng thắp hương trên bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên. Thị cảm nhận rằng cái hơi ấm của nhang đèn sẽ tạo cảm giác trang nghiêm, khiến cho khách vào nhà sẽ giữ chữ “lễ” khi nói năng và cử chỉ. Cũng là một cách để thể hiện sự gia giáo. Mà cũng phải thôi, không có gì lạ cả. Sáng nào thị cũng hướng về ông bà tổ tiên trước khi làm việc và trước khi ăn cơm tối bao giờ thị cũng thắp một tuần hương thì chứng tỏ thị có nguồn có cội, chứng tỏ thị cũng tương đối giữ chữ lễ. Sau này thị lấy chồng, thị cũng muốn con cái của thị cũng có cái nếp sống như vậy. Chúng có hướng về nguồn thì sau này thị về già mới nhờ cậy chúng nó được. Bây giờ giới trẻ cho bố mẹ ở trại dưỡng lão đầy. Thất kinh!
    Thị cầm tinh con ngựa. Người ta nói tuổi ngựa là có căn tu cho nên thị cũng ráng sống nhẹ lòng để mà tu rồi còn trả nghiệp nữa. Thị nghĩ tuổi ngựa mà lại dính vào cái kiếp đàn bà con gái thì chỉ có khổ trời ơi cho nên thị muốn tu sớm, tỉnh ngộ sớm để thanh thản đứng trước sóng gió của cuộc đời thị. Thị mới có 23 tuổi chứ mấy. Nhưng mà thị nghĩ gì mà lắm thứ như bà già thế. Người ta bảo thị như bà cụ non. Còn thị tự hào mình có cái tầm cao hơn cái tâm thực tại thôi. Chỉ vì cái tầm cao và xa quá nên cái tâm luôn đau đáu., ray tứt vì những chuyện linh tinh về thế sự. Thị bờm thế. Nghĩ gì lắm thế cho trán sớm có nếp nhăn.
    Nói về trán mới để ý, thị có vầng trán cao và trông bướng bỉnh lắm. Mỗi lúc thị suy nghĩ một điều gì thì cái vầng trán ấy nóng lên, như muốn căng ra. Cả một ngày thị lúc nào cũng khao khát ngủ vì chỉ có ngủ thì cái vầng trán của thị mới thôi nóng ran, cái não của thị mới được nghỉ ngơi phần nào. Hễ thị làm việc gì đó thì thôi chứ nếu ngồi một mình thì lúc nào thị cũng hình dung ra một cái cuộc cãi vã nào đó về một câu nói một lĩnh vực nào đó. Cái não của thị phải bắt kịp cuộc nói chuyện đó để chuẩn bị lời thoại cho các nhân vật trong cuộc.. Mỗi một lần tưởng tượng ra một cuộc cãi vã như thế. Dù bộ não của thị phải làm việc hết công suất để xào nấu lên những lời thoại điêu ngoa sinh động nhưng thị luôn cảm thấy tê tê mê mê, khoan khoái lạ thường. Cứ đối cực bên này vừa có một câu nói làm đau đối cực kia thì thị cười xách mé, ánh mắt khinh miệt và đắc ý lộ rõ. Và rồi khi cuộc cãi vã trong bộ não ấy kết thúc thì thị “vỡ chữ”. Bất giác thị ngửa lòng bàn tay ra trong trạng thái như đang nâng đỡ một cái bát cơm. Trông giống như thị đang hứng chữ, hứng những tri thức mới vừa ngộ ra. Thị hứng chứ thị không nắm tay lại. Vì thị sợ cái cảm giác trống trải của lòng bàn tay khi nắm.
   Lúc ấy lòng bàn tay như nóng ran lên, một lượng khí lan đều và tỏa nhẹ trên lòng bàn tay. Nóng quá nên thị phải ngửa tay cho nhiệt thoát ra. Nhưng thị tuyệt nhiên không ngửa căng bàn tay ra cho nhiệt tỏa nhanh. Vì thị sợ nhiệt ra nhanh quá. Thị lạnh bàn tay.
   Có một nhà thơ đọc tản văn của thị, bảo văn của thị khá cứng cựa rồi nên viết truyện ngắn đi. Thị phởn! Thị ngồi hý hoáy viết truyện ngắn như thật. Nhưng rồi thị xóa hết. Có viết mới biết truyện ngắn là cái đỉnh cao sau cùng của ngành viết. Thị nhận tự vạch ra con đường với văn chương thế này. Thị sẽ khởi nghiệp bằng việc viết tản văn và bút ký. Trong tản văn thì thị sẽ tập trung hai mảng đó là những chiêm nghiệm về những lát cắt của đời sống muôn màu và thể loại tản văn gợi cảm lãng mạn. Trong bút ký thì thị phải viết làm sao cho toát lên được đời sống của thị trong một giai đoạn xã hội nào đó. Làm sao thể hiện được sự biến chuyển của cuộc đời thị gắn liền với sự đổi thay của thế giới quan bên ngoài thị. Viết một cái bút ký để gửi báo thì dễ nhưng viết bút để đời thì cực khó. Người ta đọc báo vì nhu cầu thông tin, thời thế thay đổi thì thông tin thay đổi. Nhưng bút ký thì trường tồn vì đó là tư liệu lịch sử.
   Khi tản văn và bút ký chín muồi thì thị bắt đầu xả thân vào làm phóng sự. Lúc này thị phải có một thu nhập kha khá rồi, tương đối ổn định rồi để thị có thời gian hóng hớt chuyện. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh nói rất đúng. Một người viết phóng sự giỏi là một người biết nghe và thậm chí phải chịu mang danh kẻ chuyên hóng hớt. Bởi vì anh có chịu khó lắng nghe thì người ta mới nói hết ruột gan cho anh biết được. Nắm được “ruột” họ thì mới viết có thần được. Khác với bút ký, bút ký viết chủ yếu về những biến chuyển xung quanh mình, còn phóng sự là viết về người khác, phải đứng trên lập trường của kẻ khác. Phóng sự cũng có thể là bút ký nên nó viết về chính bản thân người làm phóng sự.
   Khi thị đã có vài ba cái phóng sự vừa ý thì thị nghĩ lúc ấy đã tương đối hiểu đời một chút rồi. Thị có kha khá tư liệu cảm xúc biểu hiện của con người trong cuộc sống rồi thì khi ấy thị mới bắt đầu manh nha viết tiểu thuyết. Ở tiểu thuyết thì thị có quyền nói rộng dài để đón chờ một kịch tính, giải quyết kịch tính rồi lại rông dài đi đến một kịch tính mới cho đến hết cuốn. Viết tiểu thuyết chính là sắp xếp kịch tính theo một chiều văn chương nhất định và đi giải quyết chúng một cách thỏa đáng thì được đánh giá là tiểu thuyết hay.
    Từ kinh nghiệm viết tiểu thuyết, thị mới hình thành lối viết truyện ngắn. Người ta cho rằng cắt một đoạn kịch tính trong tiểu thuyết ra rồi thêm phần đầu phần đuôi nữa là một truyện ngắn. Không....Thị không nghĩ như vậy. Tiểu thuyết có thể “câu giờ” để đón chờ kịch tính. Nhưng truyện ngắn mà “câu giờ” thì truyện ấy dở. Thị cho rằng tay viết truyện ngắn cừ khôi ắc hẳn là một “tên lừa đảo” cảm xúc người đọc thứ thiệt.
    Chiếu theo cái luồng suy nghĩ đó thì thị tự biết mình chưa thể viết truyện ngắn được. Vì thị còn thật thà quá, còn thật như đếm khi phơi bày hết mọi cảm xúc của mình trong trang viết thì người ta nắm “ruột” của mình rồi chứ thị còn “lừa đảo” được ai mà đòi “dụ dỗ” người ta theo dõi truyện ngắn của mình. Là thị cứ suy nghĩ thế thôi. Chứ bây giờ thị phải tập trung cho chuyên ngành được đào tạo cái đã. Văn chương thì phải xếp sau vì thị cần tiền để xây dựng sự nghiệp. Văn chương chỉ là một phút trải lòng của thị. Thị cũng chẳng ham cướp cơm của những nhà văn, nhà báo đang sống nhờ chữ nghĩa. Vậy đấy. Thị ngồi nghĩ mông lung và viết mấy dòng như thế đấy.
Buôn Ma Thuột, 25/8/2013
Tây Nguyên Xanh

8 comments:

  1. Chị Ngựa bóc tem vàng rồi mới nhâm nhi...

    ReplyDelete
    Replies
    1. chà chà. lâu lắm bác Ngựa mới lại ghé nhà em. lại còn được nhận tem nữa cơ chứ. phởn thế

      Delete
  2. Đúng như một bà cụ non, Thị à...Văn của thị - mới 23 mùa lá vàng bay chứ mấy, mà đọc nghe như của bà lão 50...
    Không biết có nên chúc mừng Tây Nguyên Xanh không đây????

    ReplyDelete
  3. Thị vừa là bà già, vừa là đứa trẻ con. Quan niệm của Thị về các thể loại nghe lớp lang nhưng sai toét. Có thể viết truyện ngắn rất hay khi còn rất trẻ. Ai đời lần lượt tản văn, bút kí, phóng sự...tiểu thuyết rồi truyện ngắn. Có thể đúng với Thị nhưng chẳng đúng với ai. Mà ngay với Thị cũng chả có căn cứ nào. Phóng sự miêu tả các sự việc xã hội, nó cũng gần với ghi chép hoặc bút kí. Nhưng phóng sự muốn chính xác, thuyết phục thì phải có căn cứ ( nên nó thường kèm với điều tra)..
    Thôi chả mất công giảng làm gì. Thị thích thì Thị cứ viết. Viết đại đi. Nhà văn không bao giờ tìm hiểu lí thuyết này nọ đâu. Chúc Thị thành công!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế nhà cháu nghĩ sai thật hả bác? May có bác Nho đính chính cho. Chứ không thì Thị cứ u u tịch tịch mãi. Cháu cảm ơn bác Nho nhé.

      Delete
  4. Ơn với Huệ cái gì. Thị cứ viết phứa đi. Như kiểu mấy cái chuyện của Nhí Nhố, Hạ Xanh,cô Tây, chú Ếch...
    Sau sẽ làm tư liệu cho tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa...
    Chúc Thị thành công với ước mơ viết lách!
    Không quên làm cô giáo Hóa kiếm tiền chắp cánh ước mơ!

    ReplyDelete