Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, September 25, 2013

ÔNG NỘI TÔI

September 25, 2013

Share it Please
    Tôi nghe tiếng xe công nông xình xịch chạy về, thấy lạ vì xưa nay hiếm khi ba má tôi đi làm về trước bốn giờ chiều. Ba tôi chạy xe vào nhà kho, vừa dứt tiếng máy nổ thì tôi nghe Má tôi khóc thét “ Ua, cha ơi, răng thương ra rứa cha hề”. Tôi hiểu ngay sự tình và toàn thân run rẩy. Ông nội tôi đã vinh viễn ra đi vào khoảng 14h45’ chiều ngày hai mươi tháng tám năm Quý Tỵ (24/9/2013 Tây lịch).

***
   Năm 1930, trong căn nhà bé nhỏ tại xã Nam Yên (nay là Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An, có một đứa trẻ khóc oe oe chào đời. Cậu bé ấy ôm bầu sữa và cứ thế lớn lên trong vòng tay mẹ. Sống trong những năm đất nước còn xâm lược nên từ nhỏ, đứa bé ấy nghe được những câu chuyện như: “Có một thằng lính Pháp hỏi xách mé người trong làng rằng “Ê, ông kia”. Người nông dân ấy trả lời: “Ông Kia ở bên Nam Anh chớ ở đây không có ông Kia”. Mẫu hội thoại trên ngụ ý rằng người xứ Nghệ khôn ngoan và lắm lý lẽ. Xã Nam Yên và Nam Anh được phân ranh giới bởi rú (quả đồi) Anh. Sáng sớm, cậu bé lon ton cùng mẹ đi chợ Tro, chiều về chạy theo anh cả sang Nam Anh đi chợ Chùa. Thật là may mắn khi cả gia đình đều gắng gượng thoát chết nạn đói năm 1945. Sau năm ấy cậu bé bắt đầu có dáng dấp của chàng thanh niên. Hình dáng thấp bé nhưng rắn rỏi và bàn tay thoăn thoắt làm việc. Da cánh tay và khuôn mặt nhuốm màu mật mía vì nắng cháy, nhưng lồng ngực thì trắng trẻo “lắm em mê”. Nhưng con nhà nghèo nên anh chàng không dám yêu đương vội.

   Đến cái tuổi ong đi tìm hoa, chàng trai đã phải lòng một cô gái hát ví Phường Vải trong đêm hội giao lưu giữa các làng. Bờ môi hình trái tim cùng khuôn mặt trắng trẻo mịn hồng của cô gái đã làm chàng trai mất ngủ nhiều đêm, chỉ mong trời sáng thật nhanh để chạy sang làng bên ấy...ngắm nàng. Nàng đỏng đảnh, vùng vẫy, nói em nỏ lấy anh mô (Em không lấy anh đâu). Nhưng càng nghe “em nỏ lấy anh mô” thì chàng càng nói “anh nỏ bỏ em mô”. Ong cứ thế vờn quanh hoa, hoa cứ thế đỏng đành chòng chành theo ngọn gió, nhưng sau cùng ong cũng được đậu trên cánh hoa mềm.

   Từ ngày chàng trai ấy có vợ, chàng lo lắng vun vén cho tổ ấm xinh xinh của mình. Năm 1959 chàng được làm cha và đến năm 1972 đã là cha của ba cô con gái và bốn cậu con trai. Người cha ấy bám ruộng nuôi con, buổi nông nhàn thì đi hái và thái thuốc lào cho người ta. Ông nào có biết đó là nguyên nhân của căn bệnh tràn dịch màng phổi sau này. Miễn sao có tiền đem về nuôi vợ nuôi con là được. Người chồng ấy thương vợ lắm, trọn một đời không để cho vợ phải nhúng tay giặt quần áo cho mình.

   Năm tháng trôi đi, các con của ông dần khôn lớn. Trưởng nữ lấy chồng, trưởng nam lấy vợ. Trước phong trào “cuốn chiếu vào Nam làm kinh tế mới”, có một người con trai thứ xin Cha Mẹ cho phép vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thương con, ông đã không cho đi. Nhưng con thương Cha Mẹ túng thiếu cho nên quyết ra đi để nhà đỡ một miệng ăn và mong có thể tự lập. Đứa con trai ấy đi làm thuê cho một chủ hộ cà phê của nông trường thuộc tỉnh Dak Lak. Một lần đi ăn cưới người đồng hương, cậu ấy đã bị hớp hồn bởi nét duyên dáng của cô phù dâu. Rong ruổi với chiếc xe đạp cả năm trời cậu mới được nàng gật đầu cho rước về làm vợ. Đọc thư con trai gửi, người cha bán lúa, mua một cái chum và một cái nồi để đem vào cho con. Rồi đem cau trầu xuống xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An để xin dâu. Gọi là xin dâu thế thôi chứ con cái của hai gia đình đều ở trong Tây Nguyên cả. Lúc đó, ở Dak Lak con trai ông và con dâu đã ra mắt tổ chức và có bữa tiệc ngọt nho nhỏ gọi là đám cưới. Ngày xưa gửi thư về quê rất lâu thấu địa chỉ và lo một khoản tiền để vào Tây Nguyên không phải dễ. Cho nên ai nấy đều biên thư về thông báo rồi tự ra mắt cơ quan đoàn thể trong này thôi.

  Lần đầu tiên, người cha ấy bước chân lên đất Tây Nguyên, màu đất đỏ thắm chứ không đỏ gạch như đất Nam Đàn quê ông. Hỏi thăm đường sá, người ta dẫn ông đến một nơi có người phụ nữ trẻ đang quét sân:

     - Cô ơi, cho tui hỏi đây có phải là khu tập thể không?
Người phụ nữ ấy buông tay khỏi cái chổi, chạy vô nhà, hét lên:

     - Anh ơi, có phải cha đây không anh?

  Chồng cô ấy vùng dậy khỏi giường, bước ra cửa. Cha con ôm nhau khóc. Đã mấy năm rồi cha con không gặp nhau. Tết nhất mong được sum vầy cũng chẳng thấy con về. Người cha vừa khóc vừa hỏi trong niềm tự hào:

     - Nhà của các con to ri à?

     - Nỏ phải mô cha ơi. Họ phân cho ở tạm đó cha à. Người ta phân cho vợ chồng con một mảnh đất nhưng mà năm nay chồng con không được tuổi làm nhà.

     - Rứa thì cha đứng tên chủ nhà cho. Cha mẹ mua cho hai đứa một cái chum, một cái nồi. Xe cộ khó khăn nên nỏ mang vại (cái chum) vô được. Có cấy (cái) nồi đây, các con lấy mà nấu.

   Thế là ba cha con cùng nhau bắt tay làm tạm cái nhà gỗ. Gỗ có được là do ngườ con trai lên rừng chặt về. Ở gần được một năm thì ngoài Nghệ An có chuyện nên người cha phải về giải quyết. Lúc ấy con dâu đã mang bầu, ông thương hai vợ chồng bơ vơ nơi xứ Ngườilắm nhưng đành phải về. Trước khi lên xe ông dặn:

     - Cha giờ phải về, nỏ chờ được đến khi đẻ cháu. Khi mô đẻ, nếu là con trai thì đặt tên Nam vì hắn được sinh ở miền Nam. Nếu là con gái thì đặt tên là Phê vì sinh ra ở xã Ea Phê. Nha con! Cha về nha. Khi mô có điều kiện, cha lại vô nữa nha.

***
   Người cha ấy chính là ông nội tôi. Còn con trai và con dâu tất nhiên là bố mẹ tôi. Còn đứa bé đáng lẽ có cái tên Trần Thị Phê ấy là tôi. Tôi là con ngọc con ngà của Ba tôi cho nên Ba đặt tên cho tôi nghe mỹ miều lắm.

    Năm 1992, mẹ sinh em trai tôi. Ông vào và lần này thì quyết đặt tên em trai tôi với ý nghĩa là thành công thành đạt. Hai chị em tôi sinh ra trên đất khách, xa ông bà nội ngoại nên được dòng họ cưng chiều hơn. Sống được ít tháng với gia đình tôi thì ông lại về quê để cày bừa. Hồi ấy gia đình chúng tôi sống với người Quảng Nam. Tôi gọi Ba Má thay vì Cha Mẹ là vì vậy. Ba Má tôi là người Nghệ An, thân cô thế cô sống với người quê khác. Chúng tôi đã có những người hàng xóm khác gốc gác tốt bụng lắm. Nhưng đôi lúc vẫn chạnh lòng vì ai đó nhại giọng xứ Nghệ. Người ta bảo chửi cha không bằng pha tiếng mà.

    Năm 1993 ba tôi xin làm công nhân trồng cà phê và từ đó chúng tôi chuyển nhà lên sống với người cùng làng cùng xã với ba tôi lúc còn ở quê. Sống với người cùng quê có cái lợi vô cùng đó là lâu lâu có hàng xóm về thăm quê thì chúng tôi có thể gửi cho ông bà nội ngoại một gói mì chính hoặc là một lon hạt Tiêu. Rồi đến khi hàng xóm trở vào thì có thể cập nhật tình hình sức khỏe của ông bà. Và ông bà cũng có thể gửi can tương Nam Đàn hoặc một gói kẹo Cu Đơ cho chúng tôi ăn. Ngọn khoai lang luộc mà chấm với tương Nam Đàn thì ngon hết sảy.

   Tết Nguyên Đán năm 1997, Bà ngoại tôi ốm nặng, ba mẹ con tôi về để nhìn mặt lần cuối nhưng may mắn bà khỏe lại và sống đến năm 2006 mới qua đời. Năm 1997 là lần đầu tiên tôi được về thăm quê cha đất mẹ Nghệ An. Hồi đó tôi còn bé quá, mới học lớp một nên giờ chẳng nhớ kỷ niệm nào nữa cả. Tôi cứ ước mãi được ăn tết tại Nghệ An thêm một lần nữa. Năm ấy ông nội theo ba mẹ tôi vào Dak Lak vì thương Ba Má tô i mới bị trộm hết toàn bộ tài sản. Với lại ông muốn vào xem nơi ở mới của gia đình tôi. Ông muốn ra thăm lô cà phê của gia đình tôi. Và hơn thế nữa ông muốn đỡ đần ba má tôi chút ít công việc chăm sóc cà phê. Năm ấy ba tôi “liều mạng” xây nhà. Đem giấy tờ xe và chứng minh nhân dân cắm dưới nhà chủ vật liệu xây dựng. Ba tôi tự thiết kế bản vẽ căn nhà, ký nợ toàn bộ vật liệu và hứa là cuối mùa cà phê sẽ bán sản phẩm lấy tiền đem trả. Ông nội tôi thêm một lần phụ hồ và làm tất cả mọi việc từ bé đến lớn giúp con ở nhà quán xuyến việc xây nhà. Ba má tôi yên tâm đi thu hoạch cà phê và nộp sản lượng cho công ty. Làm nhà vào mùa thu hái cà phê là điều vạn bất đắc dĩ đối với dân làm cà phê. Cuối năm 1997 ông về Nghệ An để đón xuân 1998. Lòng ông rất vui vì năm ấy ba tôi làm nhà mà giá cà phê lên, chỉ một mùa cà đã trả đủ số nợ.

    Hè năm 1999, chồng cô ruột tôi vào Dak Lak ăn cưới cháu họ. Ba má cho tôi theo dượng về Nghệ An thăm ông bà nôi ngoại. Ông nội tôi thương tôi lắm, tôi mới về dưới bà ngoại có ít hôm mà ông nhớ tôi chịu không nổi. Năm đó tôi đã chín tuổi rồi nên cũng nhớ được nhiều kỷ niệm rồi. Mãi đến hè năm 2007 tôi mới được về Nghệ An lần thứ ba. Thăm ông, lúc ấy tóc ông đã bạc nhiều rồi. Lúc ba cha con tôi vào thì ông muốn đi theo lắm nhưng sức ông hơi yếu. Mà ông thương con cháu lắm. Hồi ở trong này với gia đình chúng tôi, mỗi khi trái gió trở trời, ông bị cảm cùm nhức mỏi, ông đều đòi về quê gấp. Bởi vì là ba tôi một mình ở trong này, lỡ ông có bề gì thì ông biết ba má tôi lo không xuể. Còn sáu đứa con còn lại của ông phải rủ nhau chạy vào Dak Lak chịu tang thì tốn kém cho họ. Và hơn thế nữa, ông nội tôi muốn trút hơi thở cuối cùng ở quê nhà

   Năm 2008, tôi đỗ đại học Quy Nhơn. Ông phấn khởi vì có đứa cháu đầu tiên trong dòng tộc đỗ đại học. Dù đã ở tuổi bảy mươi tám, sức đã yếu nhưng ông vẫn chịu khó ngồi một ngày một đêm vào Dak Lak dự tiệc ăn mừng đậu đại học của tôi. Sáng hôm tôi lên xe đi nhập học, tôi chào tạm biệt ông. Chẳng ngờ đó là lần cuối tôi được thấy mặt ông nội.
***
   Chiều hôm qua, ông lên cơn tấn thở. Và lịm đi trong tiếng gọi “Cha ơi” của cô ruột tôi. Sau đó anh em họ hàng quy tụ về nhà chú út của tôi. Có một người bác (con của anh trai ông nội tôi) gọi điến báo cho ba má tôi biết chuyện. Lúc đó ba má đang hái dở một cây cà phê. Má tôi òa khóc, còn Ba tôi điềm tĩnh đến lạ lùng, kéo lưới và hất tất cả lên moóc xe công nông rồi chạy về nhà. Tôi nghe mẹ òa khóc và một lát sau định tâm thì chuẩn bi vài bộ quần áo cho ba tôi về quê gấp. Tôi không được về cùng vì trong năm nhà tôi đã có nhiều lần đi vào đi ra chăm sóc ông ốm nên nói thật là tiền bạc không còn nhiều. Hơn nữa nếu tôi mà về thì má tôi không thể một mình ở nhà đối phó với bọn trộm cướp cà phê được. Tôi phải ở nhà trông nom sân cà đang phơi. Còn mẹ tôi phải ra lô cà phê canh gác chống trộm. Làm cà phê, sợ nhất là có người thân mất giữa mùa thu hái hoặc đang đợt tưới nước cà phê vào mùa khô. Mùa cà phê đến, bọn trộm cướp chỉ chờ chực xem nhà ai có chuyện để nhảy ùa vào bẻ trộm cành trái cà phê. Chúng cạy cửa nhà để ăn trộm tiền. Chúng biết nhà nào cũng phải có sẵn tiền để thuê nhân công hái cà phê. Nếu cả gia đình chúng tôi cùng về Nghệ An để tiễn đưa ông nội thì tôi không biết lúc vào, chúng tôi sẽ có số nợ là bao nhiêu. Ôi chữ tiền nó đang nặng hơn chữ hiếu?!?

   Những ngày nhà tôi còn đói khổ thì ông đỡ đần, đến ngày gia cảnh nhà tôi có thể phụng dưỡng ông đầy đủ hơn thì ông lại qua đời. Đại gia đình chúng tôi thương ông mà thương ở chỗ đó. Ôi một kiếp người đã qua!

    Nếu như đứng trên khía cạnh tâm linh thì Ông nội tôi đã thương con cháu nên đã ra đi vào ngày tốt. Ông gắng gượng chờ con cô ruột tôi cưới chồng rồi mới mất, ông biết mùa cà phê chín rộ thì ba má gần như phải lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tiền  nên đã ra đi vào đầu mùa. Lòng tôi càng quặn thắt hơn khi nghe người ta nói nếu sang năm ông mất thì là năm xấu. Đến lúc chết, ông vẫn phải hy sinh vì con cháu. Thương ông lắm. Ông nội của cháu ơi. Một chút nữa thôi ông sẽ mãi nằm tại rú Anh. Cháu gái bất hiếu không về tiễn đưa được. Cháu có lỗi. Ôi bi kịch của lập nghiệp xa quê! Cầu mong cho hương linh ông nội tôi được siêu thoát! Nam Mô A Di Đà Phật!

    Buôn Ma Thuột, 25/9/2013. Viết trước lễ di quan và an táng ông nội. Gửi về xứ Nghệ nỗi đau khôn tả.

Tây Nguyên Xanh

6 comments:

  1. Cô xin chia buồn cùng N và gia đình. Ông là người hi sinh hết lòng cho con cháu. Nhất định ông sẽ vãng sanh nơi Cực lạc. Nam Mô A Di Đà Phật.

    ReplyDelete
  2. Ông nội cả đến khi mất cũng chọn thời điểm, hy sinh vì con cháu. Linh hồn ông sẽ siêu thoát miền cực lạc. Nếu ông đọc những dòng này, ông sẽ vuốt râu, mỉm cười vì có đứa cháu ngoan!

    ReplyDelete