Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, October 22, 2013

CHẤM LỬNG – 3

October 22, 2013

Share it Please
Ảnh: Trần Đại
   Cứ tối thứ hai là cúng tuần cho ông nội. Thật đúng là khi sống thì năm rộng tháng dài mà chết thì con cháu kể tháng kể ngày cúng cơm. Vẫn biết rằng chẳng ai sống mãi với thời gian, nhưng cái quy luật nghiệt ngã ấy sao mà như cứa vào đâu đó trong lồng ngực thế. Ngồi đọc kinh cầu siêu mà nước mắt chảy vì nhìn di ảnh của ông trên bàn thờ. Sáng trưa tối cúng cơm cho ông nhưng hình như trong tâm thức vẫn nghĩ ông đang sống ở Nam Đàn chứ không nghĩ cũng có thể là cố tính đánh lạc hướng suy nghĩ rằng ông đã mất.
   Chẳng biết từ bao giờ người ta tự cho mình cái quyền thấy người tắt thở thì nghĩ người đó đã có thể đi mây về gió rồi nên bắt đầu cầu xin “sống khôn thác thiêng về phù hộ độ trì cho...” Trong dấu ba chấm đó là một tràng giang đại hải những điều chưa đạt được. Cái sự cầu nguyện ấy có thể thông cảm được nhưng có nên thực hiện khi ai đó mất chưa được bốn mươi chín ngày không? Trong bốn chín ngày, hương linh đó phải vũng vẫy, chuyển mình để được về nơi cội nguồn giải thoát. Nên cúng cho đầy đủ để họ không bị đói, chứ nếu bị đói thì họ dễ bị ăn “cháo lú”. Một thứ cháo mà khi ăn vào rồi sẽ bị lú lẫn, nghe theo kẻ khác xúi giục về “bắt” người thân. Phải đồng thanh kêu gọi tất cả trong bốn cõi mười phương phóng quang tiếp dẫn cho hương linh ai đó được về nơi cội nguồn giải thoát. Họ có không lưu luyến trần tục thì mới thoát được. Vậy hà cớ chi chưa được bốn chín ngày mà đã xin cầu nguyện cái này cái kia khiến họ thêm nặng lòng với người sống. Hãy cầu cho họ được siêu sanh. Bấy nhiêu thôi mà đã thấy mình như hạt cát giữa bể Đông rồi.
    Lại nói đến chuyện cúng kính. Ừ, đã cúng thì phải có hoa, quả, nhang, đèn. Chuyện sắp đồ cúng và chuyện hạ đồ cúng cũng lắm chuyện bi hài. Có hôm mua chuối xanh và nhãn về cúng. Chưa cúng mà đã hằm hè chùm nhãn. Thế nên quyết định chuối để trong một đĩa và nhãn để riêng ra đĩa khác. Thắp hương rồi, hai ngày sau bắt đầu “bốc’ đồ cúng. Đã hạ thì hạ cho hết luôn nhưng đằng này lạy mấy lạy rồi xin cái đĩa nhãn trước, chuối chưa chín thì còn để đó. Bao giờ chín mới hạ xuống. Lắm khi thấy bàn thờ như cái giá để đồ, ớn cho cái sự hiếu kính của người sống thật.
   Có những hôm không tiến sát bàn thờ được, thế là bố mẹ phải thay con cúng cơm cho ông nội. Con bắt phải đổ nước của cái ly này rồi thêm nước trắng từ trong cái bình kia vô. Phải tráng cái ly trước khi rót nước chè xanh. Đũa phải lấy ở đâu, cơm phải bới như thế nào, lấy khay gì để thay mâm. Bố mẹ bị con quay như chong chóng. Những cái đó con nhìn bố làm có một lần rồi học theo nhưng lắm khi bố mẹ xuề xòa nên con nhắc cho nhớ. Bố mẹ than sao mày kĩ tính thế.  Đành cười trừa chứ chẳng nói gì. Quan trọng là sau đó thấy ánh mắt mãn nguyện của bố mẹ.  Đó là điều con muốn nhắm đến. Con bắt bố mẹ làm hết cái này cái nọ để bố biết rằng lúc bố hái cà phê ngoài rẫy, con ở nhà đã hành sự như thế như thế. Cũng chu dáo ra trò cho bố mẹ yên lòng. Và bố mẹ tự hiểu, nếu mai này họ có “trăm tuổi” thì con cháu sẽ như thế như thế không khác bây giờ. Càng về già, người ta càng sợ bị hời hợt. Trong sâu thẳm những đôi mắt ấy hình như đang có điều gì...

BMT-22/10/2013-Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment