Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, December 20, 2013

CHẤM LỬNG - 8

December 20, 2013

Share it Please
   Thằng em dưới Quy Nhơn lên Dak Lak thăm bà con mấy ngày, xe gần đến nơi nó gọi điện báo: “em không ghé Buôn Ma Thuột được”. Thấy tiếc và nhớ nó. Cả năm trời hai chị em chưa gặp nhau còn gì. Nó “hối” rằng viết nhanh lên kẻo Tết đến bây giờ. Ả ngước cổ lên nhìn cái trần nhà, tự thú:
Trên trần mạng nhện đầy tơ
Còn ta cũng lắm ước mơ trong đầu
Ước rằng tết đến thật lâu
Để mà ngắm ngía hiểu sâu viết nhiều.
    Ờ thì lâu lâu ả cũng dênh dang với con chữ, rồi ả cũng mở hòm thư điện tử để gửi cái ước nguyện “chờ-nhuận-bút’. Nhưng mà ả viết dở thật, chẳng có báo nào đăng. Nói nghiêm túc đấy. Văn ả không đầu không đuôi, ở giữa có hơi mị dân một tí, nội dung lúc thì dồn cục, lúc thì khuấy mãi mới thấy được một... ý văn. Câu chữ thì như người nói cà lăm. Đọc một tí là thấy cặp đôi “tuy...nhưng” hoặc chữ “thì” nhảy tưng tưng trên đoạn viết. Nói thật là ả có chỉnh. Nhưng chỉnh kiểu gì cũng thấy thế là ổn vì ả mắc bệnh nghiên-văn-mình. Chết chửa? “Văn mình, vợ người” – cái đề tài như chưa hề cũ. Èo! Ả đang vướng cái ấy. Đành trả lời thằng em rằng chờ chị cai nghiện đã em nhé. Cộng thêm lý do nữa là mạng 3G chạy chậm đến nỗi không thể gửi được thư điện tử. Rõ chán!
   Ả đã bị bệnh nghiện-văn-mình rồi còn mắc chứng thùng-rỗng-kêu-to. Viết chẳng ra gì nhưng tự xướng cái khẩu hiệu “Chữ đỗi chữ, chữ đối lấy tách cà phê và chữ đổi lấy niềm đam mê nhiếp ảnh”. Tạm hiểu câu khẩu hiệu vớ vẩn này là nếu ả được đăng một tản văn thì ả lấy nhuận bút bài ấy đi mua một cuốn sách tản văn về đọc. Nghĩa là lấy chữ của ả đổi lấy chữ của người khác nhờ nhuận bút. Tương tự, ả sẽ lấy truyện của ả đổi truyện, lấy bài cảm nhận ảnh để tích cóp tiền mua máy ảnh về đi chụp cho thỏa thích. Nhuận bút lặt vặt để kiếm tách cà phê. buổi sáng. Nói chung được đăng món gì thì tiêu xài cho món ấy. Gớm! Ả làm như mình ngon lắm á. Viết thì dở ẹt. Mấy tháng trước, ả được đăng một bài trên Chư Yang Sin mà ả run run chạy ra bưu điện nhận đồng tiền đầu tiên do ả làm ra. Rồi khoe ầm lên trên mạng xã hội. Làm như ả giỏi lắm ấy. Mãi về sau này có thấy bài của ả được đăng nữa đâu. Nếu như nhà văn là những người có một bụng văn. Họ chỉ cần lôi chữ ra, ghép thành câu thế là thành bài hay. Thì ả là một tên “sưu tầm văn”. Ả cứ đọc của một người này một tí. Thấy hay quá, ả thuộc một ít. Người kia cũng hay. ả lại thuộc một ít. Thế rồi ả lấy râu ông này, cắm cằm bà kia. Nên những thứ ả viết nghiêm túc thì không lúc trầm lúc  bổng, chẳng du dương mà cũng chẳng mượt mà. Thấy ớn! Căn bản là ả tự phụ, lười nhác nữa.
Đến Chúa Sơn Lâm cũng bị gò. Ảnh: Tang A Pau
   Nói đến cái nghiện của ả thì tốn giấy mực lắm. Ả nghiện blog. nghiện Facebook và nghiện ...trai. Ả chưa cai được cái nào. Đã thế lại còn có dấu hiệu “tăng độ” nghiện. Nhưng mấy hôm nay ả phải đóng cửa phòng, tắt máy tính, chẳng í ới với trai để ôn...Chẳng biết ả ôn để thi cái gì nhưng đại để là ả có vẻ nghiêm túc chấp hành mọi điều kiện để có kết quả tốt. Với cơ hội lần này, ả vui cũng đúng mà không vui cũng chả ai dám cãi. Ả vui vì những người thân của ả sẽ không phải lo lắng cho ả nữa. Nhưng ả sẽ mãi mãi bước vào một môi trường mà ả không có cảm giác “yêu”. Sẽ là một sự hành trình đầy trách nhiệm đang chờ ả. Mặt ả buồn rười rượi vì không có lối thoát êm đềm cho tất cả. Ả chịu đau một tí để bảo toàn cục diện. Ả không biết sẽ sống ra sao trong môi trường thanh cao ấy vì ả vốn là kẻ không thích làm hình mẫu cho ai cả. Tự do muôn năm! Nếu cho ả nói một câu về cái sự ôn trong lúc này, ả sẽ nói “ôn lằn!”. Ả có cớ để nói câu ấy vì cần cù chưa hẳn đã bù được thông minh. Và thông minh chưa hẳn đã chiến thắng.
   Chiều nay ngó sang nhà ả, thấy cái mông ả nhổng lên, chân nhích từng bước nhỏ, tay thó từng hạt cà phê ở mọi ngóc ngách trước sân. Ồ! Thế là cái sân nhà ả lại sạch bong như ngày nào. Khiếp! Có hai tháng mùa cà phê mà nom nhà ả như bước qua một cuộc chiến sinh tử. Mọi thứ cứ rối tinh lên, bẩn hui hủi. Không những nhà à mà đâu đâu trên đất Tây Nguyên đều như đang “kiến thiết” lại “dinh thự” sau một mùa thu hái hay sao ấy. Họ sống nhờ vào nông sản nên họ nguyện cống hiến sự sạch thơm cô hữu của mình cho nông sản. Họ sẵn sàng chịu lấm lem, ăn cơm chan nước mưa đầy đất đỏ, mồ hôi ướt áo. Lắm khi đang “thăng hoa” thì sờ trúng mấy hạt cà phê trên giường mà bối rối: “nhà mình giàu thế ư? Cà hết chỗ chứa nên chạy lên giường nằm?!?”. Thế đấy. Nông sản luôn dõi theo người nông dân Tây Nguyên.
   Ả nhớ mạng xã hội, nhớ báo chí quá. Ả ghé thăm một tẹo. Eo ôi! Giáng Sinh đến nhanh như chong chóng. Đâu đâu cũng đăng đầy hình ảnh Giáng Sinh. Giáng Sinh không còn là của riêng những người theo Ki-tô giáo nữa rồi. Tưởng niệm Chúa chào đời gần như là cái cớ để con người ta muốn sum vầy, muốn gửi cho nhau những lời chúc như tết cổ truyền của người Á Đông. Ả trân trọng những giá trị nhân văn có trong Kinh Thánh. Nhưng dường như ả bàng quan với các dịp liên quan đến những câu chúc. Ả ghét bị/được chúc. Vì chúc làm gì cho sáo rỗng ra,. Lâu lâu ả vẫn chúc ai đó vì ả không hiểu họ, ả chúc để “rút lui trong êm đẹp”. Lời chúc là một hình thức trung tính nhất trong giao tiếp. Thế nên đôi khi nhận được lời chúc trong một dịp gì đó (kể cả họ chúc sinh nhật mình) ả vẫn cảm ơn họ vì biết đâu lời chúc là cái cớ để mà bạn bè nhớ đến nhau. Nếu ai chơi lâu bền với ả thì sẽ né phát âm chữ “chúc” khi nói với ả. Giáng Sinh ư? Ả mong rằng đừng có ai “tag” lời chúc trên Facebook cho ả, đừng ai nhắn tin chúc ả. Năm mới cũng thế, hay tết cổ truyền cũng im lặng dùm ả. Cái gì đến thì ắt nó phải hiện diện thôi. Vui thú gì.
   Trời không phải se se lạnh cho vừa nhớ nhung như ai đã từng nói cho ả nghe nữa. Mà trời lạnh thật. Lạnh ù tai, tê tay, thấu xương và lạnh đang cấu vào lòng ả một vết xước mơ hồ. Ả sợ mọi thứ. Nhưng trước tiên ả sợ lạnh...
Buôn Ma Thuột, 20/12/2013
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment