Sáng nay đi chợ với mẹ, tự dưng cụm từ "chợ quê' cứ lởn
vởn trong đầu. Ờ thì chợ ở nơi cắt rún hay được gọi là chợ quê nhỉ? Lấy khái niệm
ấy để gán cho chợ quê nhé, chứ chữ 'quê" cũng lắm lời giải thích òm. Trong
văn thơ thì người ta vẽ cảnh chợ quê bằng lời sao mà hay ho thế. Còn chợ ở Dak
Lak quê mình có gì nhỉ? Thử làm "họa sĩ lắm mồm" (Vẽ xấu nên phải đấu
mồm để tranh mình được công nhận có giá trị) xem nào....
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo |
Cách chợ một khoảng xa xa là có mấy mí (mẹ) người Ê Đê mặc
váy đen ống đứng, cõng gùi trên vai. Hình ảnh này cũng chẳng khác người Kinh
ngày xưa mặc váy quảy quang gánh đi chợ là mấy. Những bộ váy áo mà các bạn thấy
trong các thước phim tài liệu hay ảnh nghệ thuật chỉ được mặc trong dịp lễ tết
thôi. Thường phục của họ là váy đen ống đứng và dài phủ mắt cá chân. Thời tiết
Tây Nguyên buổi sáng thường se se lạnh nên các mí mặc áo choàng. Thành ra ít
khi biết được hoa văn của vải áo thường phục như thế nào. Nhà có mấy trái bơ, bắp,
dâu da hay vài chùm chôm chôm ngon thì các mí hái xuống, gùi ra chợ bán lấy tiền
mua nhu yếu phẩm khác.
Lại gần cổng chợ hơn tí nữa là hình ảnh các con buôn chạy
theo "xin như ép” các mí bán lại cho họ những thứ có trên gùi. Họ mua rẻ của
người đồng bào rồi bán đắt cho người đi chợ. Những con buôn ấy tìm cách ép giá
và bủa vây các mí vì sợ người đi chợ nẫng tay trên mất. Người Kinh ở Dak Lak
thích mua bán với người Ê Đê lắm. Nói một cách miệt thị thì họ khoái "hàng
Tộc" - một loại hàng hóa vừa rẻ lại vừa ngon. Mua được rồi họ còn dương
dương tự đắc rằng "Tộc ngu bỏ mẹ, trả rẻ thế mà vẫn bán". Có đứa
"họa sĩ lắm mồm" biết không thể đánh võ miệng với các con buôn để giành
công bằng cho các mí nên đành nuốt buồn bước nhanh ra khỏi nơi tràn ngập sự ức
hiếp ấy.
Vào trong chợ, tất nhiên rồi, la liệt hàng quán, tiếng bán
mua, tiếng gà vịt kêu, tiếng chặt xương xắt thịt có đủ. Chợ ở xứ tứ phương hội
tụ nên đặc sản miền nào cũng có bán. Những người xa quê thèm hương vị quê nhà
nên không sợ ế. Cơ mà yếu tố độc hại thì có lẽ chợ trên cả nước này đều có chứ
chẳng riêng gì cái chợ quê này. Những cảnh báo trên tivi khiến người ta chuộng hàng
“Tộc” nhiều hơn. Có câu chuyện như này, cô giáo nọ muốn mua một con gà “tộc” về
ăn nhưng năn nỉ thế nào cũng không làm các a mí, a ma đồng ý bán. May mà cô ấy
là giáo viên chủ nhiệm của con gái chủ nhà, nhờ con bé tác động nên mới mua được
con gà đấy. Vì ở chợ họ bị ức hiếp nên họ ghét người Kinh lắm. Người đồng bào ở
Tây Nguyên họ rất nhạy cảm. Họ luôn bị ràng buộc với ý nghĩ dân tộc mình là thiểu
số nên họ hay bị tổn thương vì những điều mà người Kinh thấy bình thường. Các
thế lực thù địch nắm được chuyện này nên đã đi sâu vào lòng của đồng bào ta.
Người Kinh ở Tây Nguyên nếu không thay đổi trong cách nhìn nhận miệt thị về người
đồng bào thì coi chừng bị trả giá đắt giữa “chợ đời”.
Có một “bộ tộc” khiến người Kinh ở chợ quê mình ngại giao
thương, ấy là “Tộc Cao Bằng”. Tộc danh này là do người Kinh tự đặt cho những
người dân tộc thiểu số từ các vùng núi phía Bắc di cư vào Tây Nguyên sống. Từ
xưa đến giờ vẫn có người đồn rằng các dân tộc ở phía Bắc có ma gà, bùa ngải nhiều
nên sợ tiếp xúc. Mình nhớ là có người dặn rằng nếu gặp rổ trứng ngon thì đừng
khen đẹp kẻo dính bùa ngay lập tức. Thực ra “Tộc Cao Bằng”, họ ý thức được phải
kiên cường mới sống được ở xứ Người nên hơi gai góc một chút. Tuy nhiên, do thiểu
số nên họ phải dùng sự đồn đại về bùa ngải như là vỏ bọc bảo vệ thôi.
Mình muốn biết cái chợ “thuần Kinh” như thế nào nên ngay sau
khi nhập học ở Quy Nhơn hơn một tháng thì mò về xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước,
tỉnh Bình Định chỉ để ăn sáng bên gánh hàng giữa chợ quê nơi ấy. Sau này đi bất
cứ nơi đâu thì mình đều đi chợ cho biết. Nhưng cuối cùng vẫn thích đứng giữa
cái chợ nhốn nháo phức tạp ở Dak Lak quê nhà. Lạ ghê!
***
Buôn Ma Thuột, 30/6/2014
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment