Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, July 1, 2014

MÙA CỦI

July 01, 2014

Share it Please
   Ở Tây Nguyên, mỗi năm có hai mùa củi lớn, ấy là mùa củi cà phê ở cuối mùa khô và mùa củi Muồng Đen hay còn là muồng Xiêm (do sự nhầm lẫn với muồng Hoàng Yến – quốc hoa của Thái Lan) ở giữa mùa mưa. Sau mỗi mùa thu hái cà phê thì những cây kém chất lượng thường hay bị nhổ gốc để mùa mưa tái canh, vì vậy hình thành mùa củi cà phê. Những gốc có thâm niên trên hai mươi năm, dáng hình nhiều ụ nổi thì được các nhà xưởng điêu khắc săn lùng với giá 300 000đ/gốc. Còn lại thì chủ yếu để đốt thành than thương phẩm. Than củi cà phê chắc, cháy lâu và đượm, nhiệt lượng lớn nên được chuộng hơn các loại than củi khác.
   Lúc cây cà phê mới được trồng tái canh, người ta trồng cây hoa Muồng Vàng để chắn gió. Khi cây được khoảng ba năm tuổi trở lên, những rặng Muồng Vàng yếu ớt không thể che gió cho chúng được nữa thì người ta thay thế Muồng Vàng bằng Muồng Đen. Chúng cùng họ muồng và màu hoa đều vàng như muồng Hoàng Yến nhưng chỉ khác về hình dáng của cụm hoa thôi. Vào mùa mưa hằng năm, nhờ có nước thương xuyên mà Muồng Đen phát triển tán rộng, che bóng của cà phê nên nông dân phải đi chặt ngọn, tỉa cảnh muồng (ở đây người ta quen dùng thuật ngữ “đi rong muồng”.) Mùa củi muồng phát sinh là vì thế. Những gia đình không có rẫy hay mua củi muồng về đun bếp cho cả năm. Than củi muồng dễ vụn nên hầu như ít được chế làm thương phẩm.
    Mấy hôm nay, dân trồng cà phê í ới nhau mượn thang, mượn cái ngoèo, dao đăn để đi rong muồng. Chuyện bị té thang, dao rớt hay cành muồng rơi trúng người không phải hiếm. Sáng có người mượn thang, tối về làng xóm gọi nhau đi thăm người mượn thang ấy là vì thế. Ngoài rong muồng thì những ngày này, chủ rẫy cà phê phải đi cào lá khô dưới gốc để bón phân mùa mưa. Đào “hố ép xanh” cho cà trồng dặm, hoặc cày rãnh để bón phân hữu cơ. Hố ép xanh là những cái hố được đào rồi sau đó người ta chặt cành lá cây Dã Quỳ hoặc cây Bơm Bớp (cây cộng sản) nhét ép xuống hố đó. Sau nhiều ngày mưa thì lá cành mục nát tạo thành phân hữu cơ. Những hố như thế này đặc biệt hữu hiệu cho những cây cà trồng dặm. Cà trồng dặm là những cây trồng thế chỗ cho những cây năng suất thấp đã bị nhổ sau mùa thu hoạch.
    Trong bức ảnh dưới đây là “bãi chiến trường” sau một hồi chủ rẫy rong muồng. Cây nhìn trống troảng vì bị cặt cành, mặt đất đầy lá khô và cảnh nhỏ, có mấy chú bò của mấy em bé từ hai buôn Bu và buôn Cang thuộc xã Ea Knech, huyện Krong Pak, tỉnh Dak Lak dắt đến. Củi được tập kết thành một đống để chờ xe công nông đến chở. Tây Nguyên Xanh cập nhật hình ảnh và tin tức nóng hổi tại “mặt trận sản xuất” ở Tây Nguyên. Không biết tình hình biển đảo ra răng? Lạy trời, đừng có suốt ngày đăng tải những hình ảnh tàu ta bị đâm nát mà người già Tây Nguyên muốn đứng trên đỉnh núi bắn đạn ra tận biển Đông cho tàu của Trung Quốc nát bét, trẻ con muốn đứng trên đỉnh núi bắt chim đái ướt mặt quân xâm lược ngoài biển.
    Sầu riêng rụng, Tây đi nhặt quả đây! Thật đúng là sầu riêng! Ăn vào, đứa nào đứa nấy buồn tê tái vì mụn nổi đầy mặt. Thượng Đế đặt cho cái tên như thế là không oan đâu Vui Chung ạ!

Buôn Ma Thuột, 1/7/2014
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment