Tác giả ảnh: Đen Trắng |
Bên tách cà phê sáng, chị thợ may giải thích với bạn rằng bữa giờ đầu tắt mặt tối, không lết nổi ra đường vì phải may cho khách kịp lấy đồ trước tháng bảy. Phải rồi, tháng cô hồn mà, có ai lấy đồ may đâu, chỉ khi bị lỡ thì người ta mới phải lấy đồ về cho chó mặc trước rồi người dùng sau. Có anh chàng đang múa mép, tay chém gió với bạn bè, bỗng nhăn mặt vì bị mẹ gọi về chở đi chùa lễ Phật. Cô gái ngồi bàn bên cạnh anh ta cũng như được nhắc nhở điều gì đó, ý nhị nói với bạn rằng phải về chở “mẹ của anh ấy” đi chợ mua đồ khô chuẩn bị cho mười lăm ngày trường chay đầu tháng bảy. Phải rồi, con dâu tương lai mà, chắc đang muốn lấy lòng. Chắc hết tháng bảy này nàng về ở hẳn nhà ấy thôi. Bên ngoài đường phố đông hơn mọi ngày. Mỗi người mỗi lý do rời khổi quán.
Quán vắng dần, chỉ còn ta với sách và ly cà phê đang rã đá. Ta không mê sách như người khác nhưng cũng chẳng nỡ ngồi lên sách. Đôi khi ta đọc sách chỉ vì cái thằng ở cơ quan nọ bắt ta phải chờ đợi rất lâu mới lấy được giấy tờ. Ta ghét cái bộ mặt nhơn nhơn của nó đối lập với sự vội vã của ta. Dường như đọc sách giúp thời gian ngắn lại và để chứng tỏ sự bất cần của ta. Đôi khi đọc sách vì hai người trên chuyến xe buýt cãi nhau về một chi tiết có trong cuốn tiểu thuyết nào đó làm ta tò mò. Và có đôi lúc đọc để chứng tỏ ta cũng là người bụng-đầy-kinh-luân-luôn-tuân-theo-lẽ-phải (âm mưu của lưu manh giả danh trí thức đó mà). Lại có đôi lúc chẳng biết đọc để làm gì.
Cách đây một tháng ta bắt đầu đọc năm cuốn tiểu thuyết Mùa Hè Giá Buốt, Thế Giới Xô Lêch, Đêm Sài Gòn Không Ngủ, Đất Thở và Xuân Lộc. Năm cuốn đều viết về chiến tranh và những hệ lụy của nó. Phải cảm ơn các nhà văn đã tái hiện lại quá khứ bằng ngòi bút. Ta còn trẻ, lúc nào cũng than đời nhạt nhẽo, muốn chết đi cho rồi. Nhưng có tìm hiểu về chiến tranh ta mới thấy ý chí con người là không ai có thể tưởng tượng hết. Người chết gieo mầm hy vọng sống cho người ở lại. Chính trong giây phút tàn khốc nhất của chiến tranh, người ta nảy sinh những ý tưởng lãng mạn mà không ướt át. Nói như các chính trị gia thì chiến tranh dạy cho con người ta yêu sự sống. Sự hy sinh của một tử sĩ có thể bị/được khuếch trương tầm ảnh hưởng theo một mục đích nào đó của ai đó, nhưng hàng trăm nghìn bộ hài cốt của tử sĩ thì không ai có thể nói sai khác đi được. Đó là cái giá của hòa bình! Vì vậy họ đáng được có một ngày của riêng mình. 27/7 – ngày của nỗi nhớ về máu và nước mắt. Ta không dám thốt lên lời biết ơn vì họ hy sinh nhiều quá, biết đâu bàn chân ta hằng ngày vẫn dẫm lên một phần máu thịt của họ trên quê hương ta. Hãy tưởng tưởng nếu sắp xếp xác của liệt sĩ rải theo đường ranh giới quốc gia, ta sẽ có được bao nhiêu chữ S như thế? Ta không dám tính và cũng không muốn tính.
Có lẽ nhờ tháng bảy mà ta sống đằm thắm hơn?
Buôn Ma Thuột, 27/7/2014
Tây Nguyên Xanh
Tháng bảy âm còn là tháng cô hồn đó nghe
ReplyDeleteTháng 7 âm còn là tháng cô hồn đó nghe
ReplyDeleteĐúng rồi. Tháng cô hồn
Delete