Người vẽ: Phạm Văn Tư |
“Do làng đang trong buổi công nghệ hóa nên chúng ta cũng phải uống nước chè trực tuyến cho phù hợp với thời đại. Ai lại ngồi lê đôi mách ở dưới cây đa, còn ra cái thể thống gì nữa. Chặt cây đa đi để lấy đất làm cái ga Mẹ Trồ (các mẹ nhìn thấy đều trầm trồ khen ngợi). Cái chợ của làng mình họp chả biết mấy đời rồi nhưng chúng ta phải giải thể để xây một khu mua sắm mới, sầm uất hơn, sạch sẽ hơn. Ở đó không còn mùi tanh của cá, mùi ôi của thịt, mùi thối của rau, chẳng còn cãi nhau về giá. Văn minh lịch sự như bên làng anh Mũi Lõ kia kìa”.
Anh Văn đọc tờ bố cáo, cưởi khẩy bảo phen này các bác sống bằng “cội nguồn của thi ca” thể nào cũng có bài hoài niệm về cái chợ quê, cây đa bến nước sân đình đây. Anh Giáo chép miệng than, kiểu này thì chẳng dám ra đề tập làm văn bảo em hãy tả cái chợ làng em nữa rồi. Anh Khỏe thì lo lắng cái nắng sẽ khiến anh ốm yếu, chặt cây đi rồi thì lấy oxi đâu mà thở. Anh ấy bảo làng của thằng Mũi Lõ đang hò nhau trồng cây bên ấy, vậy mà anh Tham lại đi chặt. Còn ở công sở, người ta vẫn thờ ơ làm việc với tâm niệm, kệ nó, cố ít năm làm lụng nữa rồi về dưỡng già trong cái hang hốc hoặc nông trại nào đó cho thanh nhàn. Làng sắp lên phố rồi. Mà phố thì muôn đời là phái nữ cho các đại gia thử nghiệm các bộ váy mới may. Phố cứ như con điếm, chả ai thích ở với điếm cả đời.
Mọi người nhìn sang thấy cái dáng xộc xệch của anh Tham. Hình như anh ấy vừa mới chen lấn để mua cho được bộ ấm chén người ta bán xả hàng trước lúc trả mặt bằng. Anh ấy đang mơ về tách trà mà nước được đun bằng gỗ cây đa cổ thụ. Chắc là ngon lắm!
KHƯƠNG THỊ ƯƠNG NGẠNH
0 comments:
Post a Comment