Lời: Tây Nguyên Xanh
Tác quyền ảnh: Tuấn Dũng
(Đây không phải chấp bút cho tác giả ảnh. Vui lòng không
phát sinh những suy nghĩ không đáng có về tác giả ảnh)
***
Tôi là một gã đàn ông bình thường, thích thưởng thức nghệ
thuật. Nói đúng hơn là tôn trọng các loại hình nghệ thuật chứ chưa chắc đã hiểu
hết để mà thích. Người ta vẫn nghĩ một gã ít nói, cộc cằn và bất cần như tôi
thì biết gì về nghệ thuật đâu. Tiếc rằng họ đã lầm. Tôi cũng có những khoảng lặng
và muốn nói lên nỗi buồn sâu kín của mình nhưng tôi không đủ kiên nhẫn để ngồi hàng
giờ mà gõ ra những lời tâm sự của mình. Tôi thích đọc hơn viết. Tôi thầm ngưỡng
mộ các nhà văn nhà thơ vì họ sao mà khéo giấu tâm sự của mình vào văn đến thế. Đôi
lúc tôi chẳng biết giấu buồn vào đâu cho đến một ngày nọ...
Tôi gặp các em gái đang lấy nước bên bờ suối. Bọt nước làm nền
cho màu áo các em nổi lên, lung linh trong nắng. Lòng tôi bỗng chung chiêng
theo từng tiếng khỏa nước bởi bàn tay thiếu nữ có nước da mặn mòi. Không rõ vì
yêu khoảnh khắc ấy hay yêu cái điều mơ hồ nào đó nhưng tôi biết từ giây phút ấy
tôi đã say. Tôi say sưa lưu trữ những cái nhìn của mình bằng nhiếp ảnh. Tôi đi
nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, chụp nhiều hơn và hình như tôi cũng bớt buồn nhiều
hơn.
Tây Nguyên (cái nơi tôi thấy quá đỗi bình thường nhưng lại
thân thương với lữ khách) là nơi gã người Kinh trong tôi sinh ra và lớn lên.
Cái nơi mà người Kinh tồn tại trong ánh hào quang có từ cổ đại của các đồng bào
dân tộc thiểu số anh em. Người ta đến với Tây Nguyên để nghiên cứu văn hóa, để
được say men rượu cần, say nước da ngăm, say hàm răng trắng ẩn sau làn môi đỏ
như hoa Pơ Lang của người bản địa. Người Kinh ở dưới ánh hào quang ấy và giàu
lên bằng cách khai thác tiềm năng du lịch, còn người mang ánh hào quang vẫn đói
như ngày nào, là sao? Tôi nói quá lên thế thôi chứ người đồng bào nay đã có mức
sống khác xưa nhiều rồi nhưng bảo họ đã sướng ngang bằng người Kinh thì không
phải. Nhiều khi tôi thấy họ đang bị co cụm, cô lập bởi người Kinh. Tôi quý họ, muốn dựng lại cảnh sống của ông bà bố mẹ họ
vào trong ảnh.
Tôi thích nghe tiếng giã dạo. Tôi đi tìm hình ảnh chàng Đam San huyền thoại
Lắm lúc mệt mỏi vì sự xô bồ nơi phố thị....
...tôi ước có một gia
đình nho nhỏ...
... có hai đứa con thơ...
... chiều chiều trẻ nhỏ ra con thác nô đùa...
... đuổi ong bắt bướm. Chúng thương nhau như....
....ngày xưa chị em tôi thương nhau.
Tôi sợ con tôi có tâm hồn phẳng như màn hình máy tỉnh bảng.
Cái mà người ta đang định “thí điểm đại trà” ở trường học của thành phố xa xôi
nào đó.
Mê cái thứ ấy rồi, chúng sẽ chẳng biết mình đang sống trên núi hay đồng bằng, chúng chỉ biết
vị trí của những nhân vật của trò chơi được hiển thị trên màn hình. Vì ham máy
tính quá mà chúng không ra ngoài cửa, không biết ngọn gió, màu nắng, giọt mưa
Tây Nguyên.
Để rồi chúng ngây ngô khi nhìn mọi vật xung quanh.
Đến mùa lễ hội, tôi cố gắng thu xếp dẫn các con đi xem lễ hội
– nơi mà ngày nay người ta dùng để giao lưu giữa các tộc người là chính. Lễ hội
không còn của riêng bất kỳ tộc người nào nữa, nó là di sản chung của cả nhân loại
tiến bộ. Lễ hội thì ở đâu cũng là bình cũ rượu mới. Vậy nên người ta cố gắng tạo
cho được loại rượu không sai khác so với rượu cũ.
Muốn thế, người ta phải dạy
trẻ từ lúc uống sữa mẹ. Nếu không thì còn ai đoái hoài bình rượu nữa? Chợt lo khi nhìn ánh mắt trẻ thơ...
Buôn Ma Thuột, ngày 27/8/2014
***
Chủ trang Tây Nguyên Xanh chỉ chịu trách nhiệm phần lời, không chịu trách nhiệm về ảnh. Nếu các bạn tải ảnh về sử dụng lại thì vui lòng ghi tên tác giả ảnh là Tuấn Dũng
0 comments:
Post a Comment