Hôm nọ, cái Cúc cùng lớp bình luận dưới một bài viết rằng
sao Tây không kể chuyện mất đồ vì đi xe hồi năm nhất. Ừ thì giờ kể. Hồi đó, đi
xe từ Dak Lak xuống Bình Định, đến PleiKu thì bị sang xe. Hành lý đương nhiên
là chuyển không sót. Nhưng khi ngồi đến An Khê thì xe bị một một người lái xe
máy đâm sầm vào và nằm ngay đơ ra. Báo hại mình phải đón xe thứ ba mới xuống bến
Quy Nhơn an toàn. Mừng húm! Hí hửng lấy đồ thì mới hay có anh chàng hay cô gái
phải gió nào đã xách cái va-li sách vở và giấy tờ của mình ra đi. Để lại cái
va-li của họ chỉ nhõn cái quần đùi và áo phông. Hai cái có độ nặng nhẹ khác
nhau, dáng vé mới cũ không khớp nhau mà sao họ vẫn bưng đi được. Chả có nhẽ họ
nghĩ mình là con buôn chứa vàng trong ấy? Sẽ chẳng hoảng hốt nếu như đợt ấy
không phải thi học kỳ hai của năm nhất. Năm ấy bọn nguyện vọng một về nghỉ hè để
ôn thi học kỳ, bọn nguyện vọng hai và ba thì ở lại vừa học quân sự vừa ôn thi.
Thành ra mới có chuyện mang sách vở về nhà ôn rồi ôm trở lại trường. Hậu quả là
phải mượn sách mượn vở của chúng bạn đi sao lưu. Khổ ghê gớm.
Tác giả ảnh: Leszek Bujnowski |
Nhưng khổ ấy không bằng khổ của cái Cham tổ mình. Chẳng nhớ
là năm thứ mấy nhưng năm đó cũng tầm chừng giờ là nó ủi mặt vào nhà ga Diêu Trì
(huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) để mua vé về Hà Nội trước tết vài tháng..
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu một ngày đẹp trời, nó về đến cửa phòng kí túc. Cả
phòng hồ hởi nhận hàng (đã nhờ nó mua ở chợ) từ tay nó. Ăn uống no say, cả thảy
lăn kềnh ra chuẩn bị ngủ thì có đứa hỏi Châm ơi, hết bao nhiêu tiền để tao gửi.
Chẳng biết nó ngồi trong tấm ri-đô ấy làm gì mà không trả lời. Lát sau, nó mếu
máo, bảo chúng mày ơi, tao mất ví, mất nốt vé tàu rồi.
Mười hai đứa con gái mặt xanh như mông nhái. Cái đứa mất vé
thì nhợt mặt đã đành nhưng những đứa không mất thì nghĩ đến viễn cảnh bạn đào
đâu ra vé tàu để mà mua trong buổi cận tết ấy là cũng đủ máu ngừng chảy rồi. Úi
giùi! Lúc ấy đứa thì góp lời an ủi, đứa thì góp chân chạy đến từng nơi nó đã
ghé trong ngày đó để tìm vé, số còn lại giúp nó cắt cái bảng tin tìm ví rồi dán
tùm lum chỗ. Bẵng đi vài ngày yên ắng bỗng anh bảo vệ xe đạp gọi báo Châm ơi,
xuống lấy ví. Hơ hời! Nó mừng vui lắm. Giấy tờ còn nguyên, tất nhiên là tiền đã
được ai đó tiêu dùm, nhưng cái vé tàu thì không có. Nó lại thêm một lần khóc
sưng mắt. Lần này thì cả bọn chỉ có thể góp mồm trấn an thôi. Sau đấy, nó đành
xác định tư tưởng là sẽ ra đón xe khách Bắc Nam để về với Thủ Đô.
Cơ mà cái sự mất mát này hồi hộp phết. Vài ngày sau nữa, tự
dưng nó reo lên như cô đồng gặp ma, bảo tao thấy vé rồi, thì ra tao nhét nó ở
dưới đáy cái rương chúng mày ạ, lâu nay tao tưởng ở trong ví. Nhìn ánh mắt nó
lúc ấy mà thương những đứa đi học xa.
Mình cũng học xa nhà nhưng khoảng cách không đến nỗi xa như
nó. Chỉ mất 7 tiếng đồng hồ (tốc độ vừa) ngồi xe khách chạy hết tuyến Buôn Ma
Thuột – Quy Nhơn theo quốc lộ 14 rẽ xuống quốc lộ 19. Nếu đi theo đường quốc lộ
26, rồi rẽ sang quốc lộ 29 chạy qua huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên và xuôi xuống
quốc lộ 1A, hướng ra Bắc thì cũng chỉ mất khoảng 8 tiếng để hết tuyến trên. Căn
bản là không có tàu hỏa lên Tây Nguyên nên chẳng phải lo lắng như các bạn ở bên
kia đèo Hải Vân. Dân Tây Nguyên xuống Quy Nhơn học rất đông cho nên các hãng xe
đón khách ở bất cứ nơi nào của phố biển. Chỉ cần hôm nay gọi thì sáng mai có chỗ.
Sướng!
Nhưng làm sao sướng bằng một vài bạn đi máy bay. Các bạn này
thường là con nhà có điều kiện. Và có điểm chung là thường học ở khối các ngoài
sư phạm. Bố mẹ các bạn làm nghề có thu nhập cao. Ngày xưa các bạn thi rớt ở Sài
Gòn hoặc Hà Nội nên học nguyện vọng 2 và 3 ở Quy Nhơn để tránh (cái tiếng) phải
học các trường dân lập. Sau này ra trường thì có việc sẵn rồi, không phải xin nữa.
Cái Tết năm thứ nhất là thấy nhiều bạn đi máy bay nhất vì sang năm thứ hai, một
vài bạn học hệ liên kết đào tạo được bố mẹ chuyển ra trường chính học, thế là không
phải ra sân bay Phù Cát nữa.
Sinh viên Quy Nhơn chủ yếu là dân Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng
Nam, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa và một số ít ở Bắc Giang, Hà Tây cũ, Thanh
Hóa, Thái Bình, Bình Thuận, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Rất hiếm gặp
các bạn ở các vùng còn lại. Cá biệt, khóa của mình có một bạn ở huyện đảo Phú
Quốc và một bạn ở miền Tây Nam bộ. Vậy nên sinh viên Quy Nhơn chủ yếu là đi xe
khách. Là mình “nghe hơi nồi chõ” sau vài lần ăn chè đêm với các bạn xóm trọ chứ
không rõ thực hư ra sao.
Tóm lại rằng học xa, lấy chồng xa có một cái hãnh diện, ấy
là góp phần vào sự phát triển cho các ngành viên thông và giao thông!
Buôn Ama Thuột, 24/10/2014
Tây Nguyên Xanh
Bởi các ghế quan chức đâu đến được người tài giỏi nên xã hội cứ thụt lùi dân ,chắc dzi !
ReplyDeleteHihi. chắc vậy he he
Delete