Thành phố hình bán nguyệt Quy Nhơn tọa lạc trên bán đảo Phương Mai nhìn từ đèo Cù Mông. Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa |
Bác hàng xóm sang nhờ tải bài hát Đường Và Chân để về dạy
cho các cháu mầm-chồi-lá. Nghe câu mở đầu
“đường và chân là đôi bạn thân” mà lòng mình tự dưng vui đến lạ. Cảm giác như
tìm ra một chân lý nào đó. Phải chăng nó đơn giản đến độ bình thường nên không
để ý nhỉ? Nhớ những ngày sinh viên Quy Nhơn quá.
Thời ấy, có những buổi trưa, một mình đội nắng lang thang phố
phường, nấp mình ở trong một cái nhà sách nào đó. Phát ghiền khi đứng trước kệ
sách tập tô của các bé mầm-tiểu. Những lúc buồn mà lôi vở tập tô ra phết những
gam màu theo hình mẫu một cách không suy nghĩ thì thư giãn vô cùng. Cái đầu lưỡi
cứ rà lên môi theo từng nét tô sợ bị nhem ra ngoài mới ý vị làm sao.
Những ngày trời mưa trong mùa bão, đội ô lên quầy văn phòng
phẩm để lật giở từng cây bút chì trong ống. Mắt tóe niềm vui khi chợt thấy cây bút
chì của Đức. Nhìn nó hao giống hàng Việt sao đắt khiếp thế, cái nào cũng trên
20 000đ/cây. Hít hà một hồi mới biết bút nước bạn không nghe mùi gỗ, còn bút xứ
Việt ta cầm nhẹ hơn và có mùi rất đặc trưng. Nhớ luôn cái kỷ niệm cầm nhầm tay
anh bán hàng ở lầu 2 của Fahasha Quy Nhơn. Mắt dán vào các mẫu bút mực, tay phải
chỉ mẫu bút, với tay trái lên để cầm bút anh ấy đưa. Thế quái nào cầm trúng bàn
tay anh ấy. Tự dưng thấy ấm ấm, quả tim chợt rung như có luồng điện chạy qua. Ửng
hồng hết cả da mặt. Báo hại phải đền anh ấy một chầu cà phê chém gió. Tất nhiên
là anh ấy trả tiền, hí hí
Nghe nói hệ thống siêu thị Metro ở Việt Nam được san nhượng
để mai mốt trở thành siêu thị bán lẻ. Lại nhớ kệ văn phòng phẩm của Metro Quy
Nhơn. Ở đó lâu lâu xuất hiện những lô hàng bút bi của Mỹ và Ấn Độ trong khi
Fahasha và hệ thống nhà sách văn hóa Gia Lai tại Quy Nhơn chuộng hàng của Nhật,
Đài Loan và Trung Quốc. Anh quản lý biết cái tính thích dùng thử của khách nên
dán kỹ bao bì và để ý mọi nhẽ thế mà mình vẫn làm cái trò thử bút được. Anh ấy
bắt gặp, mình vội cười toe toét và giở giọng the thé ra bảo anh ơi, tính tiền
cho em cái hộp này. Thế mà cái hộp bút Ấn Độ ấy dùng mãi đến giờ chưa hết. Thứ
nhất là do mình ít viết, thứ hai là do nó rất chất lượng. Mình chỉ dùng khi phải
viết ở đám đông, kiểu dáng không lẫn vào đâu được nên khó mất và khó phiền lòng
bạn vì những sự nhầm nhọt.
Những buổi trưa và xế chiều dạo phố Quy Nhơn đã để lại “di
chứng nhớ thương” trong lòng mình. Nhớ như nhớ quê nhà. Thương như thương người
yêu cũ. Đôi khi tự hào vì Bình Định được giới thiệu trên báo, đài. Có nhiều đâu
cơ chứ, chỉ bốn năm sống và học tập. Khen ai khéo viết câu thơ “khi ta đi, đất
bỗng hóa tâm hồn”...
Buôn Ma Thuột, 16/10/2014
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment