Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, June 18, 2014

NGHE CÂU QUAN HỌ GIỮA NGÀY MƯA BAN MÊ

Tác giả ảnh: Xuân Trường
  Trước lúc lên máy bay sang Malaysia, từ phi trường bạn gọi, nói lời tạm biệt. Quá sốc, chẳng biết nói gì. Đáng lẽ kẻ ở tặng người đi. Đằng này tự dưng kẻ ở bắt người đi hát khúc quan họ mời trầu. Cái gì mà trầu này trầu của em têm, anh xơimột miếng càng thêm mặn nồng. Cái gì mà trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta. Nghe sao nao lòng buổi chia ly đến thế. Chừng nào nghe lòng thảng thốt nhớ dân ca thì về bạn nhé.
   Lúc này đây, trời Tây Nguyên đang mưa. Tiếng mưa rơi như tiếng người con gái đang học rung hạt nhả lời trong buổi đầu tập hát quan họ, gợi niềm thương nhớ một miền quan họ xa xăm. Tôi yêu cái hờn tủi trong quan họ vì nó chẳng gợi sự ghét bỏ người thương. Tôi quý người hát quan họ vì họ có cái nhìn mời mọc vừa đủ để người nghe đắm chìm trong câu hát. Tôi thích đến những miền quê có hát quan họ vì tò mò nguồn nước nơi ấy có gì mà sản sinh ra chất "quan họ" đậm đà đến thế.
   Vì miếng cơm manh áo mà nhiều người con của quê hương quan họ đến với Tây Nguyên. Có những tối họ quây quần bên nhau như muốn ôm nhau, khóc với nhau và nói với nhau rằng nhớ điệu quan họ quê mình quá. Họ đã tự hát cho nhau nghe trong những ngày mưa buồn ảm đạm. Nhạc sĩ Vũ Thiết đã sáng tác bài Nghe Câu Quan Họ Trên Cao Nguyên với những ca từ đầu bài như thế này: "Nghe câu quan họ trên cao nguyên. Ngỡ con sông Cầu dập dềnh trước mặt...". Đúng rồi, họ đang muốn vẽ lại hình ảnh con sông quê vào trong câu hát. Họ hát bằng nước mắt nhớ quê hương. Hát hay đến độ "xôn xao...ứ...hừ... một vùng đất đổ". Ai xui họ gặp giữa cao nguyên lộng gió "mà gặp quê hương trên mọi quê hương"....
   Có một lần tôi ghé thăm căn nhà vừa mới có người sinh nở. Người mẹ trẻ được sinh ra ở Tây Nguyên như tôi nên chỉ có thể giữ gốc gác quê hương trong giọng nói chứ không biết hát quan họ để ru con nữa. Ông bà của cháu bé mở bài hát "bèo dạt mây trôi" thay cho lời ru của mẹ.Hình như trong thâm tâm họ những thế hệ con cháu thứ hai rồi thứ ba ở trên đất này sẽ quên lãng những khúc hát quê hương.
   Có một người con sinh ra ở Tây Nguyên, cả buổi sáng mưa rơi trắng trời, nghe hai nghệ sĩ Thúy Hường và Quang Vinh hát bài "sông cầu nước chảy lơ thơ" và cứ thế ngẩn ngơ thương về miền quan họ....
   Quan họ có gì mà khiến nhiều người si mê đến thế?

Buôn Ma Thuột, sáng 18/6/2014
Tây Nguyên Xanha
4 comments

THÈM MỘT GÓI XÔI

Tác giả ảnh: Phạm Tuấn Vũ
   Thèm gói xôi được bán ngay vị trí của người cầm máy chụp bức ảnh này quá. Nhập học vào những ngày cuối thu 2008, bữa sáng đầu tiên phải tự trả tiền là ăn ở nơi này. Còn nhớ từ vị trí bấm máy tiến về cổng chính có thứ tự các hàng Hủ Tiếu, hàng xôi của hai vợ chồng trung niên, hàng xôi của hai mẹ con gái nhà nọ, lâu lâu có một cụ già xách một thúng bánh bột lọc và bánh bèo ngồi chen giữa hai hàng xôi. rồi sau đấy không lâu có một hàng bánh canh của một chị tròn trịa ngồi cùng. Thế là hành lang vỉa hè cực xôm trò. Đi lùi về phía sau lưng người chụp là quán bánh canh nép ở con hẽm nhỏ hướng ra biển bên cạnh khách sạn Hải Âu. Sinh viên trường cao đẳng nghề hay ghé ăn vì gần trường ấy hơn. Cho đến trước tháng 4/2011 thì hầu như các hàng quán buổi sáng đều ở bên tay trái của người đang đứng trước cổng chính trường đại học Quy Nhơn. Tự dưng sau chuyến đi thực tế sản xuất ở Đồng Nai về, hầu như các hàng phải chạy sang bên tay phải để bán. Lúc đầu không hiểu sao nhưng sau để ý thì thấy đội bảo vệ trật tự thành phố thường chạy từ phía khách sạn Hải Âu tới nên các hàng rong thụt vô hẻm Vy Vy hoặc dọt xuống Ngô Mây cho lẹ. Từ đó, có thêm anh bán chè nói giọng miền Tây ngọt lừ. Ở Quy Nhơn, mình mới gặp được hai người miền Tây Nam Bộ đó là sư phụ trách bếp núc ở chùa Hiển Nam và anh bán chè ấy. Thích mỗi cách phát âm chữ "đó" mà cứ ra mua chè và vãn cảnh chùa hoài à. 

   Cô hai vợ chồng bán xôi tư dưng bỏ gánh xôi mà chuyển sang bán trái cây và bánh mì. Chỉ còn hai mẹ con nhà kia là vẫn cần mẫn sáng nào cũng bán xôi đậu vào buổi sáng. Có một xe bán xôi bắp bán vào xẩm tối rồi từ lúc nào họ cũng kiếm chỗ bán buổi sáng nữa. Ít lâu lại phát sinh thêm hai hàng bánh mì bán cạnh nhau. Nhưng hàng bánh mì làm mình nhớ nhất có lẽ là của cô ở đầu đường Ngô Mây chuyên bán buổi tối gần chỗ sửa xe đạp ấy.
   Nghe nói bây giờ hàng quán cũng thay đổi lắm rồi. Hôm nay huyết áp tăng, mặt phễ, nhăn nhó như khỉ ăn gừng nên kể đến đây thôi. Ốm rồi, các cụ ợ! Ốm nên nhõng nhẽo bằng cách bảo thích và nhớ cái này cái nọ để được chiều. Mượn cớ thèm xôi để về Quy Nhơn ăn được không nhỉ?

Buôn Ma Thuột, 17/6/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, June 15, 2014

NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH – 17

    Thế giới hướng cái nhìn vào Guôn Cúp, cư dân thành phố Thất Nghiệp nói riêng và tỉnh Nhàn Cư nói chung cũng không ngoại lệ. Chúng em hồi hộp từng phút chờ đến giờ trái bóng lăn để hăng hái cổ vũ. Thế nhưng có chuyện này, không biết em có nên nói ra hay không. Thôi, nói nhé! Ấy là em có cảm tưởng dân bên thành phố Hữu Nghiệp là con trong váy, còn chúng em (dân thành phố Thất Nghiệp) là con ngoài váy của đài truyền hình Nhàn Cư Television (NCT). Chẳng hiểu sao cứ đến giờ khai trận bóng thì cái tivi của chúng em bị cắt sóng, còn bên Hữu Nghiệp cứ hò hét ầm ầm. Đây là chiêu trò nhem thèm để kích thích nhu cầu lắp đặt truyền hình cáp vệ tinh chuẩn HD. Dân bên Hữu Nghiệp, chúng nó giàu nên mới lắp được chứ chúng em nghề ngỗng không có, lẽo đẽo theo người khác xin bát cơm hằng ngày thì tiền đâu mà lắp. Chúng nó ngày nào cũng chiếu phóng sự giới thiệu văn hóa này nọ mà hành động của chúng vô văn hóa phản giáo dục phát khiếp. Chẳng khác gì con buôn đã vượt qua ngưỡng cần tiền và chuyển sang ngưỡng khát tiền rồi ấy.
Tác giả ảnh: Sỹ Minh
   Hẹn giờ thức dậy xem bóng đá nhưng không có để coi, ngủ lại thì khó, các cặp đôi lâm vào trạng thái hừng hực nằm bên nhau. Báo hại sáng sớm, mấy chú bên phòng Dân Số gõ cửa xin hội ý với em về việc tuyên truyền chống tăng trẻ sơ sinh sau mùa bóng đá. Chưa hết, em phải họp gấp ban chỉ đạo bảo vệ an ninh trật tự trong mùa bóng vì dân Thất Nghiệp hay được mấy thằng thắng cá độ bên Hữu Nghiệp thuê đi trấn lột nhà cửa của những thằng thua. Dây dưa rầy rà lắm, công an bên ấy bắt tội phạm hay sang điều tra lý lịch nơi em. Bảo không biết, sang cơ quan cùng cấp mà hỏi thì chúng nó chửi chủ tịch đếch gì mà lý lịch của dân cũng nắm không rõ. Có đứa chửi thẳng mặt là đồ quan liêu. Eo ôi, làm chủ tịch mệt lắm đấy nhé.
   Em có thằng bồ, gái gú thấy ớn, được cái đẹp trai nên cố giữ bên cạnh cho xứng tầm người yêu của chủ tịch. Buổi tối hắn đi ôm gái mà nhắn tin bảo đang xem bóng đá thì em đành chịu. Thế là em kiểm tra sự thật thà của hắn bằng cách hỏi tình tiết trận đấu. Vốn không mê bóng đá nhưng mà hàng tối phải chạy ra quán cà phê ở bên Hữu Nghiệp để xem là vì vậy. Ối ồi ôi, nhà Đài của tỉnh Nhàn Cư kiếm đâu ra anh chàng Tấn Biên Nhu làm bình luận viên khéo thế. Khéo ở đây là khéo khoe trình độ, khéo đưa những câu nói làm gián đoạn cái sự nhìn của em khi xem. Cứ anh ấy nói là em ôm bụng cười nghiêng ngả. Em mà đã cưới thì mắt híp lại, thấy gì đâu. Có nhiều người đưa ra sáng kiến rằng tắt tiếng của tivi, và bật cái đài lên để nghe bình luận viên của đài phát thanh Nhàn Cư Radio (NCR). Nếu mà giữa hình và tiếng không bị lệch nhau thì có lẽ đó là phương án tối ưu trong mùa giải này đấy.
   Em kể lể các bác thế thôi, giờ em phải ngủ để rạng sáng chiến đấu với Guôn Cúp. Nói nhỏ nhé, em đi ngắm trai là chính chứ ít xem bóng đá. Trưa nay, thằng bồ bỗng hảo sảng mời em đi ăn, hắn hỏi tình tiết trận đấu. Em mặt ngơ như bò đội nón, mặc dù tối lúc gần sáng hắn gọi điện nghe thấy tiếng hò hét cuồng nhiệt của những người xung quanh, Hắn hằm hè, nghi ngờ em rồi. Gậy ông đập lưng ông mất rồi. Phen này thì phải tàn phai nhan sắc vì thức đêm xem bóng mất thôi. Hu hu là hu hu...
Buôn Ma Thuột, 15/6/2014
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào chuyên mục GÓC CƯỜI để xem những phần trước của nhật ký vui NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH nhé
2 comments