Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, July 10, 2014

NHỚ NHỮNG NGÀY MƯA QUY NHƠN

Hạn hán ở Ethiopia - Ảnh: Randy Olson
   Mấy lâu nay trời Tây Nguyên mưa thâu đêm, xem thời sự thấy đưa tin hạn hán ở Bình Định nặng nề. Hôm nay hỏi thăm một bạn Facebook dưới đó, nói có mưa rồi. Thấy nhẹ lòng hẳn. Bỗng nhớ mưa Quy Nhơn. Nói ra câu đó, gã người yêu lại bảo nhớ người chứ nhớ gì mưa rồi hắn ghen thì khổ. Nhưng mà nhớ mưa thật. Mình cũng lãng mạn thấy ớn đó chớ.
   Quy Nhơn ít mưa, nhưng mưa rồi thì dai dẳng, lâm thâm, âm thanh da diết như lời trai Bình Định tán gái vậy á. Thiệt luôn! Cỡ tháng mười là bắt đầu có mưa nhiều. Sinh viên chủ yếu dùng dù. Mình đi học lắm khi không đem dù để có lý do “chung ô với chàng” hã hã. Cứ ôm khư khư mấy cuốn vở, bặm cái môi như kiểu lạnh lắm, mắt nhìn xa xăm, ắt sẽ có bạn hỏi thăm ở trọ hay ký túc xá. Thẻ thọt bảo Tây ở ký túc đằng ấy à, nhưng mà giờ đi mua cơm. Thế là chung đường, rồi đưa chuyện, còn tình duyên tiến triển như nào thì tùy vào hoàn cảnh. He he. Gớm, đã được nắm tay ai trong thuở sinh viên đâu. Đến giờ Tây chưa có mảnh tình nào vắt vai đấy. Thiệt á.
   Hồi sinh viên, cứ trời mưa là Tây thèm ăn hủ tiếu ở hành lang giao giữa Ngô Mây và An Dương Vương. Hai ông bà già chủ quán có một cuộc sống đúng nghĩa một túp lều tranh hai trái tim vàng. Họ đến từ Quảng Ngãi, ngụ cư dưới tấm bạt che mưa nắng, có một chiếc xe máy cũ mèm dùng để chở nhau hồi hương khi có giỗ chạp. Sinh viên Quy Nhơn mà nói chưa ăn ở đây thì điêu dễ sợ. Ngồi ăn tô hủ hiếu cay nồng, cảm nhận hơi nóng phà vào qua khe áo làm ấm lồng ngực, nghe bài hát Chiếc Khăn Gió Ấm, mắt lơ đểnh ngắm mưa, thấy nhớ nhà điên dại. Báo hại đứa nào cũng cố gắng sắm người yêu trong thuở sinh viên là vì rứa.
   Có những tối, mình đi bộ từ tầng sáu của ký túc đến cuối đường Ngô Mây chỉ để ăn một tô bún thịt nướng trong mưa. Trời mưa, ít khách, ngồi ở quán đó hay hóng được chuyện các khu ổ chuột của những người tạm cư buôn bán. Ăn ở cái quán lúp xúp như thế mà đôi khi ngon hơn bún Bà Tám (nổi tiếng đắt đỏ) ở Nguyễn Thái Học.
   Đứng ở hành lang ký túc ngắm mưa và dây dưa nhắn tin với bạn bè ở xa là một cái thú đấy. Nhắn tin “anh ơi, trời mưa, buồn quá”. Đằng kia nhắn lại “giá mà ở bên em lúc này nhỉ”. Cứ thế mà ngân khố của bố mẹ vơi dần vì xin tiền nạp card hã hã. Chỉ tại mưa.
   Mưa Quy Nhơn không đủ sức níu chân ai ở lại nhưng đủ để lữ khách chợt nhớ khi ngắm mưa xứ khác. Mưa Quy Nhơn được hòa vào dòng chảy thi ca của dân xứ Nẫu. Hình như hồi ở đó, mình có hai câu như này:
Đêm mưa ngắm phố ngắm phường
Ngắm đường ngắm chợ nhớ thương một người

Cho đến giờ vẫn tịt, không biết viết thêm như nào cả.
Buôn Ma Thuột, tối 10/7/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, July 9, 2014

MÙA THI NĂM ẤY

Tác giả ảnh: Võ Triều Hải
    Nhắc đến Huế, thi sĩ tưởng tượng ra cảnh mắt nhắm nghiền, đầu lắc lư, miệng ngâm thơ bên bờ sông Hương, người có tín ngưỡng thì ước ra phường Đúc mua một bộ đồ đồng trưng lên bàn thờ tổ tiên, những người ái mộ tranh thêu lại muốn về Huế thăm cái nôi của tranh thêu khu vực Bình Trị Thiên và Tây Nguyên. người thích sưu tầm nhạc cụ muốn tìm hiểu làm thế nào điều khiển hai cái chén đập vào nhau kêu canh cách nhịp nhàng khi hòa tấu ca Huế cổ truyền. Có một người thích cái nơi được thoải mái nói “chi, mô, tê, răng, rứa, hỷ” mà không sợ ai nhại giọng nên ghi hồ sơ thi đại học ngoài ấy.
   Đến phố Huế trong đêm, náu mình trong một ngôi nhà cuối cái kiệt của đường Bùi Thị Xuân. Hai ngày đầu tiên, cô đã được sống như người Huế ở ven bờ sông Hương. Sáng sớm úp mặt vào nước sông, trưa ăn cơm xong, đèo một thúng chén đũa ra sông rửa, chiều tắm rồi ra sông giặt đồ, vui ra sông cười và buồn cũng lặng nhìn dòng sông trôi.
    Cận ngày thi, cô men theo dòng chảy của sông Hương, cô rẽ hướng theo nhánh của nó, đó là con sông Như Ý nhỏ nhắn nhưng có ích cho người ven đô. Chủ một lò mổ ở đó mời trọ miễn phí. Năm nào họ cũng có nghĩa cử ấy trong mùa thi. Cô lại tò mò, hỏi han hàng quán. Sáng sớm cô ăn một tô bánh canh đúng hương vị Huế, chiều lại ra sông ngắm....người. Hình như cô yêu Huế quá nên lơ đểnh trong lúc làm bài thi, đánh nhầm phương án trắc nghiệm. Tình yêu nào cũng có sự ....mù quáng mà. (Cô vẫn hay biện hộ như thế cho sự dốt của mình)
    Không đỗ ở Huế, cô “cất bước sang ngang” về làm....sinh viên đại học Quy Nhơn. Bốn năm sau, hết học, cô trở lại Huế. Nạp tài khoản cho điện thoại để lỡ lạc đường thì gọi 1080 xong rồi một mình lững thững trên phố Huế. Kiếm một chỗ ngồi trong quán lụp xụp, ăn một tô bún bò Huế làm kỷ niệm. Bước lên cầu Trường Tiền, thả kỷ vật vào dòng sông Hương, trả cho Huế mọi vấn vương ao ước thuở học trò, từ đó thôi đành an phận.
   Cô mỉm cười, nghĩ gã nhạc sĩ nào đó “điêu” thế. Huế mênh mông dênh dang thế mà vẫn ôm được Huế vào lòng. Ơ, thế chẳng điêu là gì.

   Cô ấy ngốc nhỉ? Cứ phải lãng mạn như thế cho đỡ xa xôi chứ....
Buôn Ma Thuột, 9/7/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, July 6, 2014

CHẤM LỬNG -14

   
Tác giả ảnh: Bùi Duy Lộc
   Đã lâu rồi con bé ấy không viết kiểu như nhật ký. Cỗ nửa muốn có người đọc lại nửa muốn không, nên quăng cái này vào mục Ghi Chép. Bởi cái mục này có đôi lúc bị hệ thống Facebook lãng quên khi cập nhật trên trang chủ, hơn nữa người xem thấy bài viết dạng ghi chép thì đoán ngay nó dài nên không xem. Thành ra mục Ghi Chép của Facebook như một cuốn nhật ký khép hờ. Chả hiểu sao cỗ lại ưa cái sự nửa vời ngớ ngẩn ấy.
    Mấy lâu nay cỗ ngẫm một lời thoại trong bộ phim cổ trang Hàn   Quốc rằng “Hoảng Sợ có hai biểu hiện đó là Bỏ Chạy hoặc Nổi Giận”. Cỗ thấy đúng cho toàn bộ xã hội Việt Nam trong những ngày này quá. Từ khi giàn khoan 981 đâm vào lòng mẹ Biển, tàu chóp bu của nó đâm nát tàu cá ta. Làng báo chí như vỡ òa vì được chỉ đích danh cái bọn phá hoại, bởi trước đó họ phải dùng thuật ngữ “tàu lạ”. Mạng xã hội thì thôi rồi, một màu đỏ tươi tràn ngập. Có những người không đăng bài. không bấm nút thích hay bình luận cho ai cả. Có thể họ đăng nhưng chỉ là những trạng thái nhắc nhở bóng gió. Những người đó “bị” đánh giá là “nhút nhát” trước thời cuộc (trong đó có cỗ) Nhưng ngược lại, có rất nhiều người lồng lộn lên, chửi đổng, phê bình phân tích này nọ. Ồ, cỗ lại đánh giá họ đang sợ hãi. Đúng rồi, ai cũng sợ chiến tranh. Nếu ai nói không sợ, e là lời nói láo. Nhưng có một người lính từng tham chiến ở Campuchia, đánh Phun-rô ở Tây Nguyên nói với cỗ như vầy: “Ai cũng sợ chết hết cháu à. Nhưng khi chứng kiến đồng đội mình hy sinh thì không còn biết sợ nữa”. Thì ra là vậy. Lòng hận thù sẽ giúp lấn át nỗi sợ hãi.
   Chừng này năm ngoái thì cả xóm bói không ra một trái bơ. Nhưng năm nay lại có ăn. Cô hàng xóm nói năm nay không có ai mua, bơ rụng đầy gốc. Nghe nói hoa trái các nơi cũng không khá khẩm hơn. Nông sản xuống giá mất hồn. Tiền tiêu không có nhưng thấy mấy cô trong xóm lò dò đến từng nhà xin khuyên quyên góp cho Trường Sa, Hoàng Sa. Ai cũng vui vẻ đóng tiền hết. Cô dì chú bác có bữa chửi “thằng chó Trung Quốc” đã đời. Bác hàng xóm kế bên nhà không cho vợ con coi thời sự nữa. Ỗng nỏi chừng nào nghe giang hồ đồn là ngoái đó nổ súng bắn bọn Trung Quốc thì coi, chứ giờ coi điểm tin tàu bị đâm thủng, nát lòng quá.
   Còn cỗ? Cỗ đang nợ ngôn ngữ ấy một câu trả lời. Tía Má cỗ hằn học khi thấy cái điện thoại cỗ để chế độ ngôn ngữ đó. Cỗ không chịu nổi cái cảm giác ngồi học từ vựng trong tiếng lằm bằm của Tía Má cỗ phát ra do xem thời sự về Biển Đông. Hai tháng rồi cỗ không “đành” đụng vô tuyển tập truyện ngắn do một người thầy tặng để tập dịch. Dẫu biết rằng ngôn ngữ không có tội, văn hóa những người sử dụng ngôn ngữ ấy đẹp nhưng cỗ vẫn thấy có lỗi. Tẩy chay ngôn ngữ, tẩy chay văn hóa thì con người ấy không bao giờ có được cái nhìn tổng thể trên mọi vấn đề. Nhưng...cảm giác này giống như khi biết người mình yêu là con của kẻ thù.

    Không cần nói thì hình như ai cũng rõ câu trời của cỗ rồi. Có gì ngăn cản được tình yêu? Nhưng trước hết cỗ phải gặm hết 5 cuốn tiểu thuyết viết về Mậu Thân 1968 đã. Nhà thơ Lê Minh Quốc nói đúng, tác phẩm bị lãng quên không phải do nhà văn mà do người đọc. Nhà văn viết xong tác phẩm là đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của họ rồi. Độc giả phải có trách nhiệm tìm đọc để so sánh xem tình yêu qua các thời đại có gì giống và khác nhau.
2 comments