Mình có một cái tật không sửa được, ấy là khi nói chuyện với
bạn trên mạng, dù trai hay gái thì đều gọi Bác xưng Em. Đến khi thấy ảnh thật của
họ, nếu tóc còn đen ngòm thì gọi Anh gọi Chị xưng em, tóc muối tiêu thì gọi bằng
Chú bằng Cô xưng cháu, tóc bạc trắng thì gọi Bác xưng cháu. Tuyệt nhiên không gọi
ai bằng ông bằng bà. À có chứ, nhưng ấy là lúc buông lời lếu láo tếu táo trêu
ai đó khá thân. Sau vài ba tháng tương đối thông thuộc cách chơi và thấy “hợp
Gu” thì rón rén chát chít với nhau vì một sự kiện gì đó. Sau cuộc chát khơi
mào, hai bên bắt đầu hỏi tuổi tác của nhau để tiện xưng hô cho đúng mực. Lắm
khi dở khóc dở cười khi biết thông tin thật của nhau. Thế rồi méo miệng sửa lại
mọi thứ, có khi để im luôn.
Tác giả ảnh: Trần Kim Oanh |
Quen nhau trên Facebook – cái nơi mà người ta vẫn bảo ảo nhiều
hơn thật. Hơn sáu tháng đọc văn và xem ảnh của nhau rồi mới đủ độ tin tưởng
chát chít với nhau. Ban đầu gọi Chị ơi ngọt như nước dừa, đến khi biết “chị” có
cậu con trai bằng tuổi mình thì lật đật chữa lại là Cô ơi. Mấy ngày nghỉ lễ này,
cô có dịp “phượt” Buôn Ma Thuột cùng gia đình. Thế là gặp nhau. Cảm động lắm
luôn. Đã không có điều kiện đón cô ở sân bay Hòa Bình (thích cái tên cũ này
hơn) rồi lại còn để cô phải tự thuê xe tìm đường xuống huyện uống cà phê với
mình. Dẫu biết rằng cô đã phượt thì chuyện đi lại không thành vấn đề nhưng...cứ
thấy áy náy thế nào ấy.
Tác giả ảnh: Trần Kim Oanh |
Được người thủ đô đến tận nơi xa phủ xa tỉnh thăm mình đã là
cảm động lắm rồi. Đằng này lại còn được hai túi quà to uỳnh nữa chứ. Cô đã phải
năn nỉ suýt gãy lưỡi thì người bạn của cô mới chịu cho cuốn Những Cây Thuốc Và
Vị Thuốc Việt Nam do giáo sư Đỗ Tất Lợi viết. Đúng như thể loại sách mà mình ao
ước. Lâu lâu đau bụng nhức đầu, các cụ già hay phán uống cây này lá nọ chứ thuốc
Tây mà làm gì. Đọc cuốn này không mong sẽ trở thành thầy lang, chỉ mong có cơ sở
để cãi lời các cụ. He he. Tây Chống Đối mà lị. Đọc 15 trang đầu tiên mà thấy
ưng cái bụng lắm luôn. Sách nói tỉ mỉ về từng cây thuốc dưới lập luận của y học
hiện đại. Đọc sách với tinh thần tìm hiểu thành tựu của sự giao thoa giữa Đông
Y và Tây Y thì hoàn toàn có thể hiểu được. Đọc để thêm mến những loài mang lại
màu xanh cho trái đất và là bạn đời của nhân loại.
Cô trao tận tay cả những cuốn văn học cổ điển phương Tây và văn của những tác giả nổi tiếng ở Việt Nam mà
mình nghĩ từ từ mai này công việc ổn định sẽ tìm đọc sau. Mình cũng như nhiều
người khác luôn biến mình thành “thợ kiếm tiền” và chỉ đọc những cuốn sách nào
phục vụ cho công cuộc mưu sinh, sách văn học là dành riêng cho mấy gã làm chính
trị cần đọc để có vốn sống mà nắn gân thiên hạ thôi. Không nghĩ rằng đọc sách văn học cũng là một hình thức hưởng thụ cuộc sống. Hình như vì những đứa như
mình mà ngành xuất bản phải loay hoay tìm xu hướng thị hiếu của công chúng, người
tham gia lễ hội truyền thống chủ yếu là...các nhiếp ảnh gia. Sau khi gặp cô,
càng thấm câu nói của nhà báo Lê Minh Quốc rằng: “Sách bị lãng quên không phải
do lỗi của nhà văn mà do người đọc. Viết xong một tác phẩm thì nhà văn đã làm xong sứ mệnh lịch sử của họ rồi. Độc giả phải tìm đọc những tác phẩm văn học
cổ điển để biết người xưa yêu nhau như thế nào. Tình yêu thì muôn đời vẫn vậy
nhưng ở những điều kiện sống khác nhau thì có những bi hài kịch khác nhau”. Nhờ
có cô mà cháu có dịp sửa cái sai mà nhà báo Lê Minh Quốc đã chỉ ra.
Hai ngày cô đến, trời Buôn Ma Thuột không chiều lòng người
nên có lẽ cô không chụp được nhiều ảnh ưng ý. Hẹn gặp lại cô nhé. Cô cháu mình
sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh đẹp hơn cô nhé. Cảm ơn người Hà Nội lặn tội đến với
cháu gái Tây Nguyên Xanh nhé.
Viết khi đang ăn bánh cốm cô đem từ Hà Nội vào và uống nước
chè xanh trồng trên đất Tây Nguyên.
Dak Lak, 3/1/2015
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment