Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, January 5, 2015

TIÊU ĐỎ, TIÊU TRẮNG, TIÊU ĐEN, TIÊU CHỢ VÀ TIÊU THUỐC SÚNG

January 05, 2015

Share it Please
Nguồn ảnh: Báo Đất Việt
   Sau mùa cà phê là đến mùa tiêu Tây Nguyên. Thời điểm này tiêu bắt đầu già, Nhà mình cũng có tiêu nhưng chỉ lẹt phẹt mấy trụ trồng cho vui để làm quà gửi ra Nghệ An thôi. Quanh năm ăn lạc và tương từ Nam Đàn gửi vào nên khi ai đó về Nghệ thì gửi tiêu ra. Cả nội cả ngoại, hàng xóm bốn góc nương của ông bà và cả gia đình người mình nhờ chuyển nữa thì phải cần khoảng 10 lon đong bằng ống sữa bò. Ở chỗ mình nằm trong vùng quy hoạch diện tích cây cà phê của Việt Nam nên chỉ có thể trồng tiêu trong vườn hoặc bám theo hàng muồng chắn gió ở ngoài bìa lô cà phê. Không được phép trồng sâu vào xen canh với cà phê trên rẫy. Huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai mới đúng là khu quy hoạch chuyên canh Hồ Tiêu của Tây Nguyên. Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi viết ở trang 480 trong cuốn Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật, 1995) thì Tiêu có nghĩa là cay. Cây cho quả có vị cay, sinh sản ở nước Hồ nên gọi là Hồ Tiêu.
   Tiêu có giá gấp đôi gấp ba cà phê nên trộm tiêu còn kinh hoàng hơn cả trộm cà phê nữa. Chúng nó (cái bọn trộm) chặt dưới gốc rôi cứ thế lôi tuột xuống cả cành lá quả nhét vào bao rồi chuồn. Ai sống nhờ cây tiêu mà nhìn cảnh ấy thì tự tử sướng hơn sống. Nghĩ đến cảnh ấy nên bố mẹ mình thẩm nhủ non trong nhà còn hơn già ngoài đồng, hái hết đem về nhà phơi. Vừa rồi trời mưa xầm xì, trái lại non nữa nên bị dộp hết. Dộp là trạng thái rỗng ruột của quả tiêu khô đấy. Mình cứ tưởng chẳng ai thèm mua, Hầu như hạt nào cũng cũng vỡ vụn khi bị bóp, thế mà vẫn bán được 80 000đ/kg. Hỏi ra mới biết họ mua về làm Tiêu Chợ (tiêu bán ở chợ). Các bạn có công nhận mua tiêu bột ở chợ về thấy có mùi tiêu nhưng ăn không cay không. Là vì tiêu non bị loại ra phơi riêng trong quá trình thu hái trộn với một ít tiêu chất lượng đấy.
   Ban đầu mình tưởng người ta dùng tiêu dộp ấy để sản xuất đạn hơi cay phục vụ cho công tác an ninh quốc phòng. Cô tiểu thương bảo tiêu thuốc súng phải là loại tiêu chắc, đạt trên 80 dzem cơ. Cân Dzem là một thiết bị để đo độ ẩm của tiêu. Người ta đổ tiêu cần mua vào một cái ống có dung tích của một kilogam tiêu chuẩn độ ẩm. Người ta dùng cả cái cần gạt riêng của cân để gạt ngang miệng của ống đong. Dựa vào khối lượng hiển thị trên cân mà phán tiêu khô hay còn ẩm. Cái máy đo độ ẩm cà phê còn được bảo quản bằng hàng rào thép gai, dây xích cỡ bự và có chó cảnh vệ nữa kìa. Giá của cân này đắt lắm mà  Hôm nào kể chuyện đi bán cà phê cho các bạn biết chút chơi. He he.
   Nhà mình chỉ bán tiêu Đen. Loại này chiếm 80% sản lượng tiêu của cả nước. Thực tế thì thước đo trình độ sản xuất Hồ Tiêu của một quốc gia là sản lượng tiêu Trắng (tiêu sọ) và tiêu Đỏ hằng năm. Tiêu Trắng chính là sọ của tiêu sau khi tách vỏ. Khi người ta cần độ cay nhất của tiêu và không thích mùi hắc (do vỏ mang lại) thì họ dùng tiêu Trắng. Lấy phương diện gia vị cho dễ hiểu, các món ăn biến từ thực phẩm có mùi tanh thì người ta chuộng tiêu trắng hơn là đen. Tiêu trắng được tạo ra bằng cách ngâm quả tiêu xanh vừa mới thu hoạch từ cây, sau hơn năm ngày thì tiến hành tách vỏ. Quá trình này đòi hỏi phải có trình độ khoa học kỹ thuật cao mới làm ra thành phẩm có giá trị được nên các chuyên gia luôn khuyến cáo nhân dân không nên sản xuất tiêu trắng một cách tự phát. Còn tiêu Đỏ chính là quả tiêu chín muồi, có màu đỏ rực, được phơi như thế nào đấy để vẫn giữ được màu đỏ trên vỏ khi khô. Các bạn đừng có truy vấn công dụng của tiêu đỏ, khiến cho Tây Nguyên Xanh ú ớ ngọng mồm. Tây mà ngượng thì lần sau chỉ đăng status than nhớ người yêu chứ không thèm kể chuyện nông sản nữa đâu. He he.
   Công dụng của tiêu thì các bạn gõ Google là ra đấy. Nói chung là phải như thế nào thì giá của nó lúc nào cũng trên dưới 140 000đ/kg chứ nhỉ. Năm ngoái có thời điểm giá lên 190 000đ/kg. Giàu chưa? Giàu cái con khỉ ấy. Tiền nào của ấy, cái gì cũng có giá của nó. Hôm nào hóng được nỗi khổ người trồng tiêu thì kể cho. Tóm lại là đừng dại mà khen dân làm nông sản lưu niên giàu. Ăn đấm như chơi đấy. He he.
Buôn Ama Thuột, 5/1/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment