Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, January 8, 2015

PHỐ

January 08, 2015

Share it Please
Tác giả ảnh: Du Muc
   Lâu lắm rồi không ra khỏi nhà, “may mà ốm” để được đi Phố. Thuở nhỏ cho đến bây giờ ý nghĩa của câu nói ấy không khác nhau mấy. Nhà cách Buôn Ama Thuột có 20 cây số mà mỗi lần được lên đó luôn là một sự kiện trọng đại. Chỉ khi sốt khi đau mới được lên phố để....khám. Đầu năm học mới cần mua sách tham khảo nhưng ngay ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 trẻ con đứa nào cũng nài nỉ bố mẹ cho đi Phố chơi với lý do rất ưng tai đó là nốt công đi mua sách. Con cái chăm học thế cơ mà (!?) Cái gì của Phố cũng ngon. Ai mua được mẫu đậu khuôn ở trên Phố về ăn rồi miêu tả độ béo ngậy khiến dân huyện đổ xô lên Phố kiếm vài miếng. Cũng cái kiểu áo ấy mà mua ở chợ Phố thì được cho là bền hơn mua ở chợ huyện. Đầu mùa cà phê, cứ phải lên Phố mua bạt lưới mới tin tưởng được độ chắc chắn của nó. Dù cho các tỉnh khác gọi thành phố Buôn Ma Thuột là Ban Mê Thuật, Ban Mê Thuột, Buôn Ma Thuật, Buôn Mê hay Ban Mê gì đi nữa thì trước cửa miệng của mỗi con dân tỉnh Dak Lak chỉ có một từ mà thôi. Phố! 
   Không khí ấm dần lên trên con đường tiến gần về Phố. Nó đúng cả về khí hậu lẫn lòng người. Phố có thể thay đổi từng ngày nhưng chỉ ít một thôi, có đến nỗi đột ngột đâu mà mỗi lần ngồi trên xe cứ hình dung Phố sẽ như này như nọ. Mọi ý nghĩ mới cứ như phủ định ý nghĩ cũ để rồi chợt thở phào khi thấy Phố vẫn thế sau bao lâu không gặp. Phố ơi...
   Chạy ngang hiệu ảnh Sơn Nữ, tự dưng nhớ thời kỳ “Anh Xin Được Bù Đắp Cho Em”. Cái thời ấy, hình như là những năm đầu của thế kỷ 21. Rộ lên cái phong trào các cặp vợ chồng rủ nhau đi chụp lại ảnh cưới. Trước đó rất lâu, nhiều lắm, những anh chàng bỏ ruộng vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Một ngày nọ họ bị nụ cười tỏa nắng của ai đó làm cho mê mẩn. Họ viết thư về xin (thực ra là báo cáo) bố mẹ cho phép được lấy nàng nhưng trong lúc chờ hồi âm, họ đã mua vài gói kẹo, mấy điếu thuốc lá gọi là ra mắt cơ quan coi như lễ cưới. Họ biết rằng bố mẹ nghèo, có tiền vào đây đã là khó lắm rồi chứ đừng nói bày mâm cơm đãi khách. Mấy năm sau, khi cà phê, cao su, tiêu, điều....có thu hoạch rồi chàng mới có điều kiện dắt ‘cả trâu lẫn nghé” về thăm quê, thắp nén hương lên bàn thờ gia tộc báo cáo cái chuyện “ăn đời ở kiếp”. Mãi gần mười lăm năm sau họ mới có điều kiện bù đắp sự thiệt thòi cho vợ bằng việc chụp ảnh và trao nhẫn cưới. Ôi một thời những ông bố bà mẹ thẹn thùng trốn con cái dạo đại lộ Nguyễn Tất Thành để ghé Sơn Nữ. Nghĩ đến lại thấy thương thương tội tội.
   Vào đến bệnh viện, thấy những đôi dép tổ ong lượn qua lượn lại và những cái dáng cũ kỹ vì nắng mưa trong bộ quần áo mới toanh. Màu áo phản ánh cơ hội mà chủ nhân mặc nó là rất ít. Vâng, đó là những ông bố, bà mẹ làm nông ở huyện phải bồng con đi khám trên Phố. Tất cả đều muốn con mình được chăm sóc ở nơi có tiện nghi tốt nhất để chúng nó khỏe mà vươn cao vươn xa...
   Chào Buôn Ama Thuột với cái nhìn mông lung hướng về người đàn bà đang phì phèo với điếu thuốc trên tay. Hình ảnh ấy khó quên quá....Một cái nhìn không gợi lên ý nghĩ gì cả, sao vẫn neo mắt vào?
Buôn Ama Thuột, 8/1/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment