Một góc cảnh xuân Ất Mùi ở Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Loc Tran Ba Van |
Có một người bố chở con gái đi chợ. Con cùng cháu ngoại từ
Quảng Nam về ăn tết. Khi xưa đất Quảng cống hiến cho Tây Nguyên một người con
ưu tú để hôm nay Tây Nguyên gửi lại đất Quảng một đứa con dâu thảo hiền. Xa
quê, sinh con đẻ cái và dạy cho chúng mọi nếp sống quê cha đất tổ để rồi lúc đi
học xa, chúng cũng nhanh chóng phải lòng người nói giọng cùng quê với bố mẹ. Vẫn
có nhiều chiếc lá rụng về cội theo chiều gió như vậy. Ông bố dường như sợ thời
gian trôi, ông muốn ở gần con cháu nhiều hơn một chút.
Có một bà mẹ cùng con gái đi chợ. Tháng chạp, gia đình “người
dưng” đến đánh tiếng xin ra giêng ngày lành tháng tốt bứng con gái về làm dâu.
Tết này là cái tết sau cùng mẹ được ăn trọn vẹn cùng con gái. Những tết sau có
chăng chỉ là sự ghé thăm “nhà ngoại”. Nhà chỉ một trai một gái, quanh năm mẹ đi
chợ. Con gái không biết phân biệt đâu là cá trắm cá mè, đâu là thịt bê thịt
bò... Còn mấy ngày chợ tết, mẹ tranh thủ dạy đủ điều. Nói mãi mà sao mẹ cứ thấy
cuống quýt, thiếu sót. Mẹ sợ rằng cũng số tiền ấy mà trong giỏ của con dâu nhà
khác nhiều đồ hơn thì con mình bị mẹ chồng phân bì.
Có ông bố, một mình đi chợ chỉ để mua năm lạng tôm. Ông bố ấy
cùng vợ bồng bế con từ Nam Định vào đất này những năm bảy tám bảy chín, khai
hoang đất rồi trồng cà phê. Nay con cái làm ăn xa. Tết này, đứa làm than ngoài
Quảng Ninh vào, hai đứa làm rẫy bên Gia Lai sang, Không muốn con cháu phải lăn
tăn chuyện chợ búa nên bố đích thân đi hai cái chợ mới mua được tôm về cho đại
gia đình ăn lẩu. Cuối năm đi mượn xe máy “cùi bắp” của bạn bè để cho con cái đủ
xe du xuân.
Có mấy cậu thanh niên chở mẹ đi chợ. Trong khi chờ đợi, ngồi
tán gẫu với nhau. Một cô bé mặc choàng rõ là dày nhưng váy lại ngắn đủ che mông
đi ngang qua. Các cậu nháy mắt nhau, trêu em ấy. Em qua một đỗi đường rồi mới
bình phẩm cặp giò, gò má...Thấy chiếc xe ô tô nào phóng qua, các cậu bàn về giá
cả. Có cậu phết vào đùi một phát, tấm tắc khen cái xe ấy đẹp, dễ chừng cả tỉ bạc
chứ chẳng đùa.
Có chàng trai chở vợ trẻ đi chợ, nghe bọn nhỏ hơn mình bàn về
gái. Cậu chợt mỉm cười, thẩm nhủ ngày xưa tao cũng như chúng mày. Tết cứ tong tẩy
đi chợ chứ không biết lượng tiền cần phải có cho một cái tết. Kệ mẹ tất. Nay
thì hỡi ôi, nhà thiếu cành mai, chậu quất cũng phải tự lấy tiền đi mua cho vợ
con sướng mắt. Khéo già vì tết mất thôi các cu cậu ạ.
Có những Ama, Amí người Ê Đê đi chợ trong không khí tết của
người Kinh. Họ thấy khó mua bán hơn hằng ngày. Họ hiểu những ngày này quan trọng
với người Kinh lắm. Họ có lễ hội của riêng họ. Họ không có tết Nguyên Đán như
người Kinh nên thú vị làm sao, giữa biển người lao xao vì tết, ta vẫn tìm được
những nét mặt bình thản với xuân. Có họ để mà thấy nên sống chậm một chút.
Chợ tết đông, phát sinh dịch vụ giữ xe với giá cao ngất ngưỡng
nên có đứa con gái sáng nào cũng đi chợ để trông xe cho mẹ ở mé đường. Ánh mắt
cô ngắm chợ kỹ một chút như thể lưu luyến vô vàn. Biết đâu tết này đi chợ ở đây
nhưng tết sau đã bán mua ở cái chợ xa lắc nào đó gần nhà chồng. Người dưng ấy
ơi...
Buôn Ama Thuột, 27 tết Ất Mùi 2015
Tây Nguyên Xanh
Có Chủ tịch thành phố Thất nghiệp đi vi hành, nhòm hết các loại người đi chợ rồi về hí hoáy gõ và đưa lên trang của mình bài : GHI VỤN Ở CHỢ TẾT...
ReplyDeleteChúc nhiều niềm vui và may mắn nhân năm mới Ất Mùi nha...
Cháu cảm ơn bác Nho nhé. Năm mới cháu chúc bác và gia đình vui khỏe nhé
Delete