Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, February 21, 2015

HÁT BỘI

February 21, 2015

Share it Please
Tác giả ảnh: Việt Quốc
   Thấy tấm ảnh này, tự dưng thèm cái cảm giác ngồi giữa đồng. rơm đâm xót đít, há mồm xem hát mà dãi rơi khi nào không biết. Cái gọi là văn nghệ dân gian thì phải xem như thế mới phê được. Trong các loại hình hát hò, có lẽ mình ngại nghe hát Bội nhất. Chẳng hiểu vì sao nữa. Nghe chưa quen, cứ phải có không gian như lúc nãy kể thì may ra yêu hơn một tí được. Như kiểu đi uống cà phê ấy mà, mình có uống cà phê đâu, toàn uống Ca Cao Đá hoặc Lipton Nóng. Căn bản là ưa cái không gian hưởng thụ là chính. Đi xem hát cũng thế, thấy người ta ghiền thì mình cũng tự hỏi vì sao ta lại không đam mê. Thành ra mình tin chắc là văn hóa dân gian xưa nay vẫn truyền cảm hứng theo kiểu như thế. Vấn đề của hôm nay trong công cuộc bảo tồn văn hóa hình như chỉ là không gian nghệ thuật.
   Các nhà chuyên môn đang thèm quay trở lại những năm ba mươi. Tết nhất như thế này, các gánh hát bội chu du khắp miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng để hát phục vụ nhân dân. Nghe nói thời xưa, hát Bội là một nhu cầu không thể thiếu trong những ngày tết. Nhà giáu còn mời riêng gánh hát về nhà nữa cơ. Cứ như thể người xưa, ngừng tay làm là phải nghe hát ấy. Thích nhỉ?
   Mình vốn sinh ở khu vực toàn là dân Quảng Nam di trú vào đây sống. Dân đó ghiền hát Bội thôi rồi. Hồi mình bi bô tập nói, mình nói giọng Quảng đấy nhé. Giờ lên trên này với người Nghệ mới biết nói tiếng Nghệ. Cứ rằm tháng bảy á hả, dân quy tụ về cây cổ thụ lớn nhất của xóm để tổ chức hát Bội. Họ cúng cô hồn dưới cái cây đó rồi hát. Cả xóm đi nghe luôn. Mấy ông bà già còn khóc sụt sịt vì thương cho nhân vật nữa kìa. Mình thì chịu, lâu lâu mở tivi thấy có hát Bội. Người ta bảo xem hát bội là vừa nghe hát vừa xem vũ đạo. Hình như mình chưa đủ cái tầm và kiến thức để yêu hay sao ấy. Không ưng nổi. Các bạn đừng có đồn tin này ra kẻo các nghệ sĩ hát Bội oánh mông Tây. He he.
   Có một dạo mình thích đọc tạp chí Hồn Việt, tác giả Phan Phụng có biết một bài gợi lại những cuộc cãi vã về danh dưng của hát Bội: “Từ trước năm 1945 và liên tiếp về sau đã có nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu để xác định danh xưng cho bộ môn sân khấu này. Một số người ở miền Bắc thì gọi là hát tuồng còn một số người ở miền Nam thì nhất quyết gọi là hát bội, vì trải qua trên trăm năm lịch sử của miền Nam, người ta chỉ nghe gọi loại hình sân khấu này là “hát bội” và “tuồng” đối với họ thì chỉ có nghĩa là một vở diễn mà thôi.
   Tiếng “bội” là do tiếng “bài” đọc trại ra, nhưng lập luận này không được nhiều người chấp nhận. Sau năm 1945, có một thời người ta gọi là hát bộ. Theo họ giải thích thì loại hình sân khấu này có lối diễn xuất chủ yếu là vũ bộ, tay chân phải múa máy theo tiếng kèn nhịp trống. Lối giải thích này có vẻ khiên cưỡng quá nên cũng chỉ sau một thời gian ngắn, hát bộ cũng vẫn được gọi là hát bội.
Trong những cuộc hội thảo gần đây, người ta đã nhất trí gọi bộ môn sân khấu này là hát tuồng”. Cái link bài đó đây http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/3884-hat-tuong-hay-hat-boi.aspx
   Hồi học đại học ở Quy Nhơn, về Tuy Phước thăm lại cô chú chủ nhà trọ thuở làm bài thi. Mỗi lần ngồi xe buýt từ Quy Nhơn về đó (cái đường đi Gò Bồi, Cát Tiến của huyện Phù Cát để vãn cảnh chùa Ông Núi á), đi đến đâu xã Phước Thuận thì có một tấm biển chỉ dẫn mộ Đào Tấn cách đó mấy kilomet.  Tò mò gõ Google nên biết cụ Đào Tấn là ai.
   Thế rồi một chiều yên ả xuân hạ năm 2012, mình cũng một người bạn lọ mọ leo núi thăm mộ cụ cho biết. Leo cũng mỏi chân phết đấy. Núi cũng cao lắm. Ồ, quả như người ta khen. Đứng trên đỉnh núi nhìn toàn cảnh đẹp lắm. Mình không rõ về phong thủy nhưng thấy rất thư thái khi viếng mộ. Cái lúc về, được ăn bánh chính hiệu xứ Nẫu vùng lam lũ. Phải nói là có khi nhờ Đào Tấn, nhờ hát Bội mà mình được đến gần hơn với miền thôn quê của Bình Định.
   Nói chung, với hát Bội thì mình tôn trọng là chính chứ đạt đến ngưỡng ưng thì cứ phải từ từ. he he. Năm mới năm me, hướng tí lòng về văn nghệ dân gian cho nó đắm đuối với quê hương, nhể. Hã hã
Buôn Ama Thuột, 21/2/2015 (mồng 3 tết Ất Mùi)
Tây Nguyên Xanh

1 comments:

  1. Chèo miền Bắc, Tuồng miền Trung, Cải lương miền Nam. Ba loại hình sân khấu này mình đều mê cả. Không ghiền, nhưng nghe hay và thấy công phu của diễn viên. Ngoài bắc vẫn có Đoàn cải lương, rồi Đoàn tuồng Bắc trung ương. Chỉ nghe chứ ít có dịp vào rạp để xem. Xem các trích đoạn tiêu biểu trên TV...cũng thấy thú vị.

    ReplyDelete