Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, March 18, 2015

DUYÊN TA NHƯ RỨA... BUỒN KHÔNG HỠI NGƯỜI?

March 18, 2015

Share it Please
Sông Lam - Tác giả ảnh: Quốc Đàn
   Vì cái câu kết ấy của bài hát Thương Về Xứ Nghệ mà mình đã có những ngày nghỉ lễ thang thang khắp Quy Nhơn để nghe cái tiếng “rứa” đậm chất Bắc Miền Trung. Những hôm đó, mình ra cây ATM rút tờ tiền mệnh giá 100 000 đồng và xài cho bằng hết. Không bao giờ đưa về dù chỉ là một nghìn lẻ.

   Khởi đầu ngày nghỉ lễ luôn ăn sáng ở quán bún trong con hẻm Vy Vy (bên hông đại học Quy Nhơn, tên do sinh viên tự đặt) Hẻm này có vài ba người Nghệ sống. Có một cụ già rồi, chuyên ăn sáng ở đó. Nghe cái tiếng chi mô tê răng rứa của ông cụ mà sướng lỗ tai ghê. Hồi ấy chưa có máy tính, thích tải nhạc nổi trội của tháng trên trang Zing nên ăn sáng xong thì vào quán internet của một chú nói giọng Nghệ để truy cập. Cũng trong con kiệt (hẻm) ấy luôn.
Sông ở Huế - Tác giả ảnh: Nguyễn Đức Liêm
   Trưa ăn ở quán Bánh Canh Bà O, vào đó để được ăn và được nghe cái giọng Bình Trị Thiên êm êm dịu dịu.giữa đất trời Quy Nhơn. Cũng với chi mô tê răng rứa mà nghe hắn ngọt hơn giọng Nghệ của mình. Ăn xong lại đạp xe về cổng phụ chùa Minh Tịnh để uống nước mía do một người phụ nữ Hà Tĩnh bán. Cái xưởng gỗ chuyên tiện nạng và gậy chống ngay trước cửa chùa ấy là của đôi vợ chồng người Hà Tĩnh ấy. Hồi xưa cô chú theo lệnh chuyển công tác vào đất Quy Nhơn này. Hỏi cô rằng người Nghệ mình ở Quy Nhơn có nhiều không cô. Cô nói nhiều lắm, hội người Nghệ ở xứ Nẫu thường họp mặt vào lễ 2/9 hằng năm.
Hồ ở Bình Định - Tác giả ảnh: Phong Thanh Dương
   Uống nước xong, mình vòng vèo quanh thành phố. Lên đường Trần Hưng Đạo ghé nhà sách Đại Chúng. Hiệu này có thâm niên 50 năm cung cấp nghiên mực thư pháp cho dân chơi tranh, chữ ở thành phố. Hiệu do một người gốc Bình Trị Thiên mở. Bình thường muốn mua bút mực danh tiếng của thế giới thì hình như người Quy Nhơn tìm về hiệu này đặt hàng trước tiên. Cái hay của hiệu là vẫn có người nói giọng Bình Trị Thiên để chào khách. Thích tai nên mình mua cái gì đó cho vui. Cái hộp bút của mình có đủ loại văn phòng phẩm là vì thế.
   Chiều tối, đói bụng rồi. Mình ghé quán bún trên đường Lê Lai. Quán này không có ai nói giọng Nghệ hay Bình Trị Thiên nhưng gốc gác tổ tiên của ông chồng ở Nghệ An. Bà chủ quán khoe là cha chồng và má chồng còn nói giọng Nghệ rặt ri luôn á. Hình như họ vào đây sau biến cố năm 1954. Ăn xong, còn bao nhiêu tiền nữa thì hình như ra ngoài bờ biển, mua mấy lát xoài hoặc cóc chấm muối ớt rồi vừa ăn vừa hóng gió. Ôi biển, giá mà cái câu “Tây Nguyên gần biển, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy hải sản” là đúng. Hu hu, nhớ!
   Hôm nay xem người ta phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng về hoàn cảnh ra đời bài hát Thương Về Xứ Nghệ. Nhạc sĩ bảo bài hát được viết lần đầu tiên vào năm 2000, viết được đôi câu và ông cứ để thế. Mãi sau này, khi người ta có ý định làm một tuyển tập những bài hát về xứ Nghệ, ông mới viết tiếp và có tác phẩm cho hôm nay chúng ta nghe.
   Mình “ghét” nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng quá đi. Nhạc sĩ nỡ để cho chàng trai ra xa xứ khi trở về tìm người yêu thì nàng đã đi lấy chồng. Đồng ý là văn nghệ thì phải có tí buồn, tí đau mới làm nên chút lắng đọng. Nhưng mà nghe mấy câu cuối: “Ngày về, nàng đã vu quy. Duyên ta như rứa, buồn không hỡi người” khiến mình nao lòng quá. Nghe cứ như phận gái bọn mình không kiên nhẫn được. Chờ không nổi nên lấy chồng. Đùa chứ đoạn kết ấy đã tôn vinh niềm đau đáu và tình yêu quê hương trường tồn với thời gian. Nhớ quê hương như nhớ người yêu cũ. Buồn lắm, nhớ lắm nhưng không trách cứ gì cả. Không có quê hương bản quán, ta biết giấu buồn và nước mắt vào đâu?
Buôn Ama Thuột, 18/3/2015
Tây Nguyên Xanh


2 comments:

  1. Nhớ quê nàng lại tìm đường thăm quê!
    Nếu mà không đủ tiền về
    Nàng lên Phây ...khóc dầm dề gió mưa!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hã hã. Bác nho hiểu quá nhỉ . nàng thất nghiệp nên hem có tiền về . kết quả là lướt Phây than nhớ he he

      Delete