Ngày ấy, mẹ sinh hắn khi đã có một đứa con gái rồi. Thời đại
bị ép kế hoạch hóa lại vẫn ảnh hưởng tư tưởng phải có con trai nên hắn là niềm
hy vọng cho hạnh phúc dài lâu của mẹ. Thời ấy làm gì có chuyện đi siêu âm để biết
trai hay gái, chỉ đến lúc đẻ rồi mới biết thôi. Thấy người ta bị kỷ luật nặng nề,
bị bêu rếu mọi lúc mọi nơi vì sinh đứa thứ ba để kiếm con trai khiến mẹ hắn thấp
thỏm trong chín tháng mang thai. Ngày trở dạ, hắn đạp bụng mẹ ghê lắm. Mẹ hắn oằn
mình chịu đau và cố cho hắn được thấy ánh bình minh. Thế rồi hắn cũng khóc oa
oa chào đời. Người mẹ ấy cố gượng dậy, thấy cái đùm đen đen giữa bẹn của hắn mà
tựa như vừa uống một liều thuốc tiên vậy. Mọi cảm giác đau đớn, sợ hãi không
còn nữa. Mẹ hắn thiếp đi trong hạnh phúc.
Tác giả ảnh: Trần Khánh |
Hắn được nuôi trong điều kiện tốt nhất, được cưng nhất nhì
và hắn cũng là đứa khiến mẹ phải khản cổ vì nhắc nhở nhất. Vào học lớp một, cô
giáo dạy hắn viết bút bơm mực. Hắn viết thì ít mà cứ suốt ngày bơm mực. Quần
áo, giày dép, cặp sách đều có vết mực. Mẹ trở thành “chuyên gia giặt đồ” cho hắn.
Đến lúc được kết nạp vào Đội Thiếu Niên Tiền Phong, hắn được
mẹ mua cho cái khăn quàng đỏ mới tinh. Nhưng vài ngày sau hắn làm mất. Mẹ lại
mua cái mới và hắn lại làm mất thêm nhiều cái nữa. Bút và khăn quàng đỏ là hai
thứ hắn khiến mẹ tốn tiền nhiều nhất. Ấy thế mà ngày Quốc Tế Phụ Nữ hắn giả vờ
xin tiền mua cái gì đó cho việc học nhưng thực ra là mua cà tặng cho cô bé cùng
lớp có má đỏ hây hây, làn da mướt mát đã trao cho hắn nụ cười rạng rỡ.
Ngày thi đại học, mẹ đích thân dắt hắn đi thi. Hắn đỗ. Ngày
nhập học cũng vẫn mẹ mua cho hắn đủ thứ nhu yếu phẩm để hai bố con hắn đến trường
học. Đêm trước khi lên xe, mẹ hắn dặn con trai mà cứ như dặn con gái phải giữ
gìn ấy. Mẹ sợ hắn xa nhà, dễ phải lòng cô nàng nào đấy. Một hôm trời giông gió,
hai đứa ướt nhẹp, trú cùng phòng trọ và rồi bỗng một ngày hắn dắt cô bé “vác ba
lô lộn ngược” về xin cưới khi đang học thì hỏng hết cả tương lai. Người mẹ nào
cũng mê tín mà. Sợ rằng lỡ chúng nó dại dột phá đi rồi sau này hắn lấy người
khác bị phạt không có con thì khốn.
Hắn nghe lời mẹ lắm. Hết bốn năm đại học mà không thấy ò í e
gì nên mẹ hắn mừng thầm. Hắn lại xin được việc làm ngon trớn. Mẹ hắn thở phào
nhẹ nhõm tự hào rằng con mình chẳng mất tiền “mua” việc. Bỗng một ngày đẹp trời,
hắn cùng với một con bé nữa đến nhà và thông báo là đã trót dại với nhau. Nghe
nói con bé kia chưa xin được việc khiến mẹ hắn không ưng bụng. Nhưng lỡ rồi
không thể chạy làng được. Thế rồi cái đám cưới cũng diễn ra.
Thời đại này mà một mình chồng đi làm kiếm tiền nuôi vợ con
thì nhọc nhằn lắm. Mẹ hắn thương con trai nên tự nhủ rằng thôi thì con dâu cũng
như con gái. May mắn không phải mất tiền chạy việc cho con trai nhưng trời an
bài phải dùng chạy cho con dâu thì đành chịu. Vất cả mối lái khắp nơi đủ chỗ,
cuối cùng, mẹ cũng xin được việc cho vợ hắn.
Tưởng đâu thế là ổn đến già. Ai ngờ lâu lâu con dâu lại thút
thít ăn vạ mẹ chồng vì thấy chồng tình tứ với cô gái lạ. Mẹ hắn phải hết lời
khuyên nhủ, dàn xếp mọi nhẽ. Mà có gì đâu, vợ hắn ghen vu vơ rồi đổ vạ lên mẹ hắn
thôi. Ờ thì công việc của hắn cũng thường xuyên phải đi với gái đẹp để tiếp ông
này bà nọ. Mẹ trở thành cố vấn tâm lý bất đắc dĩ cho hai vợ chồng hắn.
Hắn sinh con đẻ cái. Mẹ trở thành “vú em” cho hai vợ chồng hắn
đi làm. Chăm con thì sai cái là có thể cầm roi đánh một phát vào đít nhưng cháu
thì phải khéo kẻo bố mẹ chúng nghĩ bà ngược đãi cháu. Ấy thế mà khi hắn đánh
con, mẹ hắn khóc sưng húp mắt vì thương cháu nội.
Bình thường mẹ cưng hắn lắm. Tự dưng một năm trước khi mẹ hắn
đổ bệnh, hai mẹ con ghét nhau như ghét hủi. Chuyện tâm linh không ai giải thích
được rõ ràng. Chỉ hiểu mang máng rằng trời tạo cái điềm như thế để giây phút âm
dương cách biệt không quá lâm ly, người sống bớt nuối tiếc và linh hồn người chết
nhanh được siêu thoát.
Mẹ hắn chỉ có một trai và một gái. Gái lớn theo chồng. Khối
tài sản của mẹ để lại hết cho con trai. Bà cụ không phải vướng bận gì hết. Ước
nguyện sau cùng của cụ là được hỏa thiêu thân xác và tro cốt được rải trên dòng
sông quê hương. Cụ dặn con cháu rằng bao giờ nhớ bà nhớ mẹ thì về úp mặt vào
dòng sông quê, hãy xem bốn bể là nhà, tận hiến khắp muôn nơi, đừng quá coi trọng
hình thức địa táng. Còn địa táng là còn làm con rối cho các chính trị gia.
Chỉ khi rơi nước mắt vì sự ra đi của mẹ. Hắn mới biết giá trị
của hai tiếng “mẹ ơi!”
***
Kính tặng tất cả những ai đã, đang và sắp làm Mẹ nhân ngày
8/3 dương lịch hằng năm
Buôn Ama Thuột, 7/3/2015
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment