Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, March 26, 2015

MÙA PHÂN BÒ

March 26, 2015

Share it Please
   Thôn bên cạnh sắp có đám cưới, thiệp mời có in hình đôi uyên ương cũng có tràn sang bên thôn mình vài cái. Thế là cả hai thôn cùng xì xào chuyện anh chàng kia lấy cô vợ là người Ê Đê. Thôi thì đủ các thể loại câu nói kiểu như là “Ơ, thằng ấy không có tiền hay sao mà phải lấy Tộc” hoặc “thằng này ưng ở rể rồi” hay một câu gọn lỏn rằng “nó lấy Tộc à?”. Tuyệt nhiên chẳng thấy ai nghĩ họ yêu nhau nên kết hôn.
   Ở cái xứ này, người Kinh tự cho mình là người đi khai sáng cho anh em dân tộc thiểu số. Họ vẫn còn thói quen chẳng coi dân Mọi (người miền núi) ra gì. Dù rằng họ đang “lấn sân” của anh em dân tộc bản địa để sống. Chợt thương cô gái Ê Đê kia, nhỡ một ngày nọ, đôi vợ chồng trẻ cãi nhau. Liệu cô ấy có bị chồng chửi “cái đồ Tộc thì biết gì mà nói” không nhỉ? Rồi anh chồng người Kinh bị dèm pha quá nên bỏ vợ để lấy cô người Kinh khác không? Trời phú cho con gái Ê Đê có đôi mắt trong veo, đôi chân mày rậm và lông mi dài. Trang điểm vài thao tác đã nổi lên vẻ đẹp của nàng rồi. Mong nàng ấy hạnh phúc.
Tác giả ảnh: Trần Khánh
   Ừ thì người Kinh và Ê Đê có phong tục cưới hỏi khác nhau. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên gái lớn đi “bắt chồng”. Ô, mình không đồng ý với cái từ “bắt chồng” mà người Kinh gán cho việc cưới chồng của các cô gái Ê Đê đâu. Nghe như kiểu con gái Tây Nguyên mạnh mẽ lắm, họ dùng vũ lực để bắt trai về làm chồng không bằng á. Hãy nên hiểu từ “bắt chồng” ấy là chỉ cho việc con gái phải chủ động ngỏ lời trước như con trai người Kinh phải ngỏ lời trước vậy đó. Đám cưới này, coi vậy mà ngộ ghê. Đằng gái không phải mất bò để làm sính lễ rước rể. Còn đằng trai cũng chẳng phải mệt mỏi trong chuyện lo sắm cỗ rước dâu. Chẳng hiểu họ sẽ cưới như thế nào. Tò mò quá!
   Chẳng biết tục lệ của người Ê Đê như thế nào, chỉ thấy các a mí, a ma ngày ngày vẫn đi chăm đàn bò của họ. Bò ấy có được là do con dâu khi lấy con trai của họ thì phải cho họ mấy con bò. Họ nuôi luôn hoặc nuôi đến khi bò đẻ bê con thì trả bò mẹ cho con dâu theo một cách nào đó. Mình thấy mí Tiệp (cô giáo dạy tiếng Ê Đê của mình) nói thế. Những con bò mà các a mí, a ma nuôi ấy được dùng để cưới chồng cho con gái, việc riêng của gia đình hoặc góp với làng làm gì đó. Nhờ vậy mà người Kinh có lượng phân hữu cơ đáng kể để mua về bón cho cây nông sản.
   Người Kinh đến tận các buôn làng mua phân của bò vào khoảng thời gian này hằng năm và bán cho nông dân trồng cây nông sản. Tây Nguyên đang trong mùa phân bò. Những người trồng cà phê ráo riết mua phân bò về ủ với vôi và trấu cà để đến khi mưa xuống, rạch đất, rải phân rồi cào lá khô lấp cho đầy rãnh. Hai năm bón phân bò một lần.
   Nhưng năm nay nhà mình mua phân tự đi xúc giữa đường của nhà họ hàng xa. Người này ở bên nông trường cao su Phú Xuân huyện Cư M’gar. Là người Nam Đàn (Nghệ An) nhà mình luôn nhưng khác xã. Người xã Xuân Hòa nhà mình cùng nhau làm cà phê, còn cộng đồng người xã Nam Diên thì làm cao su bên đó. Hồi xưa, những ai không phải con trưởng thì theo lệnh cuốn chiếu giãn dân vào Tây Nguyên hết. Vào đây họ sống túm thành một cụm nên dễ hiểu tại sao đi hết một ngày một đêm từ Nghệ An vào Dak Lak mà tự dưng anh phụ xe hỏi có ai xuống ở “Ngã ba Nam Đàn không?”. Ngã ba này ở quốc lộ 14, đoạn từ Gia Lai sang Dak Lak.
   Lại nói chuyện bán phân của người họ hàng kia. Người đó là công nhân cạo mủ cao su đã về hưu rồi. Sau nhiều năm hiểu địa bàn chăn bò của anh em người Ê Đê. Người đó biết giờ nào bò hay ỉa nhất nên cứ vào khoảng thời gian nào đó là cầm bao đi xúc phân. Vậy mà năm ngoái họ bán được hai mươi ba triệu tiền phân bò đấy. Mỗi bao tải phân được bán với giá sáu mươi lăm nghìn đồng. Một héc ta nhà mình thì cần khoảng một trăm bao mới đủ. Nay thì nghe đâu cả cái nông trường ấy rủ nhau đi xúc phân bò.
   Ở xứ Tây Nguyên này, cái gì cũng đáng mua. Chỉ có sự tôn trọng của người Kinh đối với người dân tộc thiểu số là còn phải vận động...sở hữu!
Buôn Ama Thuột, 26/3/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment