Trong hộp đất Quê
Hương của mình có một nắm đất Bến Tre. Đương nhiên là do người Bến Tre tặng
rồi. Đáng lẽ có một chai nước giếng của vùng đất ấy nữa nhưng bạn quên gửi cùng.
Hồi đó, ngoài nắm đất, người bạn ấy còn gửi cho mình hai bịch kẹo dừa và hai
gói bánh phồng. Kẹo dừa trộn với sầu riêng và kẹo dừa trộn với đậu phộng (lạc)
thì các bạn chắc đã biết rồi còn bánh phồng chắc ít người từ miền Trung trở ra
biết nhỉ. Bánh phồng không phải là bánh phồng tôm đâu. Nó giống cái bánh tráng
chúng ta dùng cuốn chả ram để chiên ấy. Bánh phồng có hình tròn như thế và dẻo
như thế nhưng độ dày thì gấp đôi và có màu trắng, vị ngọt như nước cốt dừa.
Không biết miền
khác gọi loại bánh này là gì chứ ngày bé, mình gọi nó là Giẻ Rách. Xin lỗi các
bạn Bến Tre. Không phải mình xúc phạm đặc sản của các bạn. Cái bánh Giẻ Rách có
trong tuổi thơ của mình là loại bánh tráng mỏng được ngào mật mía, bán phổ biến
vào những năm cuối của thế kỷ 20. Giờ hầu như không thấy bán Giẻ Rách nữa. Ngày
đó, bọn mình cũng không biết nó tên gì. Mỗi lần thèm ăn, bọn mình lấy tăm hoặc
cái ngoáy tai của bố đút vào mông con heo đất rồi lôi tờ tiền ra. Trong khi bố
mẹ đi làm, con chị ở nhà coi nhà, còn thằng em chui qua hàng rào lon ton chạy
đi mua bánh này về ăn chung. Họ bán nguyên bánh là một nghìn đồng một cái thì
phải. Bọn mình mua chỉ năm trăm đồng nên họ xé ra một nửa. Về nhà, hai chị em
chia nhau lại xé ra tiếp. Nom cái bánh y xì miếng giẻ rách nên gọi như vậy.
Bạn của mình nói
là mai mốt có về Bến Tre đừng có cười khi nghe người ta gọi Bến Te nha. Người
xứ Dừa phát âm Tr thành T đó. Nghe bạn nói mà ưng cái bụng về lắm rồi á nha.
Quê bạn đang có lễ hội Dừa. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh những sản vật làm từ cây dừa. Thân dừa làm đũa, cơm dừa làm nên những thứ ăn được còn vỏ dùng làm gáo múc nước và các
sản phẩm mỹ nghệ khác, đến xơ dừa cũng được tận dụng làm bao đựng nông sản đi
xuất khẩu. Ví dụ như hạt cà phê chẳng hạn. Nhà mình hái và đem phơi, xay ra nhân
thô rồi đựng trong bao đan bằng sợi nilon nhưng khi xuống cảng Sài Gòn thì
thương lái đã chuyển hết vào bao đan bằng xơ dừa, Bao ấy bền hơn, bốc vác nhiều
lần không bị rách còn các loại bao khác nhanh bục lắm.
Các lễ hội Dừa của
những năm trước thì mình không theo dõi ảnh. Năm nay lưu tâm một chút thì thấy
các bạn Bến Tre đã may những trang phục làm bằng xơ dừa cho các người mẫu nhí
bước lên sân khấu biểu diễn. Rất đẹp, rất lạ và rất Bến Tre! Có người đã hỏi
Tây yêu trai miền nào nhất. Mình chịu thôi, không biết trả lời như thế nào cả. Trai
miền nào cũng cho mình cảm nhận chút hương đồng gió nội của miền ấy và nhất là
tấm chân tình của họ nên trai miền nào cũng khiến Tây yêu cả. Thế mới có biệt
danh Tây Lẳng Lơ. He he.
Trên đây là các hình ảnh về lễ hội Dừa Bến Tre 2015. Mình sưu tầm để dành cho những ai không có điều kiện tham dự như mình được chiêm ngưỡng. Chúc các bạn vui!
Buôn Ama Thuột, 11/4/2015
Lời:Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Đặng Hữu Vinh
0 comments:
Post a Comment