Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, May 14, 2015

MÙA RẾT BÒ

May 14, 2015

Share it Please
   Có bốn loài côn trùng đại diện cho lượng mưa ở Tây Nguyên. Ấy là Kiến, Cuốn Chiếu, Rết ( còn gọi là rít, tít) và Dế. Vào cuối mùa khô, Kiến chuyển tổ lên cao để ấu trùng không bị úng trong mùa mưa. Khi con Cuốn Chiếu lên cây trú ẩn thì bắt đầu có mưa đầu mùa. Khi Rết bò nhiều trên mặt đất vào buổi tối nghĩa là mưa bắt đầu thường xuyên hơn. Phải đến lúc mưa dầm thì mới có vài con Dế nhảy tong tóc trong nhà. Khi nào thấy Kiến di chuyển xuống gần mặt đất hơn thì dân nhiếp ảnh ở Tây Nguyên sửa soạn ống máy đi chụp hoa Dã Quỳ. Quỳ nở nghĩa là đã chớm mùa khô.
Chim Sả Rừng ăn thịt Rết - Tác giả ảnh: Sam Thuong Dang Ngoc
   Hôm qua xuất hiện con Rết đầu tiên dạo chơi trên sân nhà Tây rồi. Rết là cái con đang bị chim Sả Rừng kẹp ở mỏ đấy. Đó là mặt dưới của nó, mặt trên có màu hung đỏ. Mùa này, anh nào mà đến tán Tây thì đừng có lợi dụng phút sợ hãi thấy Rết bò ngoằn ngoèo trong nhà mà ôm Tây nhá. Hã hã. Thời điểm này, chả mấy khi Tây dám chạm chân trần dưới mặt đất vì sợ Rết “hôn”. He he. Nói không phải điêu chứ hồi phổ thông, có lần đang ôn thi. Tự nhiên thấy như có cái gì sượt qua da mình, cúi xuống nhìn một phát. Xanh mặt luôn! Một con Rết đang ở nơi góc tường. Nói chung là năm nào như năm nấy, phải thấy Rết ở trong nhà mới là người Tây Nguyên. He he.
   Rết cũng là “hung thần”  đối với người nông dân trồng cà phê. Thời điểm này, người ta cày đất ở vùng giao tán giữa hai cây cà phê để đổ phân hữu cơ. Thường thì hai năm phải bón phân bò hoặc phân vi sinh một lần. Cày đất lên thành rãnh to rồi đổ phân vào và cào lá khô rụng ở gốc lấp lại. Mùa mưa có ba đợt bón phân vô cơ dưới gốc nữa nên đằng nào cũng phải cào lá ra. Khổ nhất là bón phân mà tối hôm đó trời không mưa. Hôm sau chủ rẫy phải đi cào lá lại khoả tấp gốc để phân không bị bốc hơi. Tâm lý của nông dân sợ mất phân như thế chứ ngày xưa bọn Tây đốt lửa hừng hực các loại muối trong ống nghiệm mà chúng nó có chịu bay lên trời cho đâu (chỉ biết đổi sang  khác chất khác. He he) Nói ra vậy cho các cụ yên lòng mà các cụ không tin. Cứ đi cào lá lấp cho khổ xác thịt.
   Lại nói đến chuyện cày đất, các cụ nông dân lái máy nổ xình xịch, hùng hục xới đất. Mấy con Rết bị xới vỡ ổ, nó nò toán loạn lên mặt đất. Nhỡ một con bị văng bám vào chân thì ui cha là vẫy với lắc cho nó rớt. Sợ nó bò lên cắn lắm. Nó mà cắn thì thôi chớ, ứa nước mắt vì đau nhức đến lúc gà gáy sáng mới đỡ. Bố của Tây ngày xưa cũng có một ẻm bám lên ống quần. Ông cụ mặc kệ cho máy muốn húc vào đâu thì húc, dãy nảy cho nó rớt cái đã. Sau nhòm lại, thở phào nhẹ nhõm vì con ấy bị xén mất cái đầu rồi. Phần thân bị văng và bám theo quán tính thôi.
   Khi Tây gõ bài viết này thì xác của con Rết bị đập chết tối qua đang bị Kiến vùi. Bọn Kiến cố nhấc toàn thân nó nhưng khó quá. Thế là chúng rỉa từng cái chân cho nhẹ bớt. Gõ đến đây là nhớ cái bài thơ gì gì của cụ Trần Đăng Khoa ấy nhể? À, Đám Ma Bác Giun. Hiện trạng của con Rết giống như thế lắm. Muốn biết bài thơ như nào thì các bạn hỏi thăm bác Gú Gồ nhé. He he.
Buôn Ama Thuột, 14/5/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment