Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, June 18, 2015

HÒ ĐƯA LINH TRONG ĐÁM TANG XƯA CỦA NGƯỜI BÌNH TRỊ THIÊN

June 18, 2015

Share it Please
   Trong kho tàng phong phú của hò khoan Lệ Thủy có một lối hò rất đặc biệt, đó là hò đưa linh. Cho đến nay, lối hò này đã mai một và gần như thất truyền. Những nghệ nhân biết hò thể loại này chỉ còn vài người và đã ngoài tám mươi.
   
   Hò khoan có mặt rất nhiều ở cá tỉnh miền trung. Riêng hò đưa linh hầu như chỉ có ở Bình Trị Thiên, mà cội nguồn xuất xứ có lẽ ở Lệ Thủy. Điều xét đoán này dựa trên mấy yếu tố. Một là, nó xuất hiện rất đậm đặc ở các xã ven sông Kiến Giang. Thứ hai, dựa vào tập quán lâu đời về tục an táng ở Lệ Thủy. Vùng chiêm trũng Lệ Thủy thường bị lũ lụt liên miên hàng năm, mỗi đợt kéo dài nhiều ngày. Bỡi vậy, cư dân ở đây thường đưa linh cữu người thân lên núi để an táng. Khi đi, người ta kết thuyền, đặt quan tài lên, chèo ngược dòng Kiến Giang. Chèo suốt đêm đến gần sáng, để kịp hạ huyệt khi mặt trời chưa ló rạng. Việc của cõi âm thì phải vào ban đêm nên tùy theo đoạn đường ngắn dài mà chọn giờ khởi sự. Suốt chặng đường dài đó chỉ có tiếng phèng la, trống điểm và tiếng hò khoan.
Tác giả ảnh: Trần Chí Công

   Hò đưa linh là lối hò phục vụ đám tang, nó diễn ra suốt thời gian tang gia từ khi người chết đã được khâm liệm, phát tang, cho đến khi chôn cất xong. Thông thường, hò đưa linh chỉ diễn ra trong những đám tang người già đã qua tuổi lão (xưa các cụ đến tuổi 50 là cáo lão). Hò khoan là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian để tạo niềm vui trong lao động. Nhưng hò đưa linh, một lối hò khoan lại được hò trong đám tang. Hò vừa để chia buồn nhưng hò cũng là để thưởng thức văn hóa. Người ta đến đó, ngoài việc chia buồn, còn để thưởng thức giọng hò hay, ngôn hay ý đẹp. Bỡi theo các cụ, người cao tuổi mất đi được coi như đã hưởng phúc trời, lộc đất nên không có gì phải đau buồn lắm. Xưa, còn có lễ mừng thọ, mừng thượng thọ, đại thọ. Vào ngày đó, con cháu còn làm lễ tế sống cho cha mẹ. Ở những nhà khá giã, người ta còn thuê thầy làm một bài văn ai, kể lại cuộc đời, công ơn của người đã mất đối với con cháu, làng xóm dưới dạng lục bát để hò. Ở một số vùng văn hóa khác, trong đám tang người ta cũng có hình thức “khóc mướn”. Người khóc mướn là một thành viên trong phường bát âm, khi nhận được thông tin về quan hệ thứ bậc của người nhờ khóc với người chết (chú, bác, cô, dì…) là người ta sẽ khóc một đoạn kể kễ với linh hồn người chết thay cho người đến viếng. Người khóc có thể tự sáng tạo tức thì lời lẽ mà không bị ràng buộc bỡi cấu tứ, giai điệu của âm nhạc. Hò đưa linh không cho phép như thế, nó phải nằm trong khuôn phép của làn điệu, của hình thức diễn xướng. Câu hò phải là lục bát, song thất lục bát hoặc biến thể của nó.

   Hò đưa linh thường là do các nghệ nhân làm “hò cái”, đội “âm công” là “hò con”, đế xố, diễn xướng. Vai trò các nghệ nhân dân gian trong hò đưa linh là rất quan trọng. Bỡi, trong một không gian lễ nghi đượm chất buồn đau ấy thì người hò cái phải “thuộc bài”. Không thể lấy những bài hò có nội dung vui vẻ, lả lướt như khi hò giã gạo được. Không những thế, người hò cái còn phải biết lựa chọn các mái hò sao cho âm hưởng của nó phù hợp với khung cảnh. Người hò con là thành viên trong đội âm công, được tập hợp từ các con, cháu, người thân của tang gia. Ngoài chức năng xố con, họ còn nhiệm vụ diễn xướng chèo cạn lúc ở nhà, lúc chèo thuyền đưa linh trên sông, lúc nện đất lấp mồ. Mới thấy hò khoan ở Lệ Thủy phong phú đến thế nào. Máu hò khoan nhiều đến thế nào trong huyết quản của con dân Lệ Thủy.

   Hò đưa linh được đưa vào trong “kịch bản” một đám hiếu với chức năng riêng của nó. Phường bát âm là để tấu nhạc cho cúng tế và xen giữa những lúc khách viếng. Hò đưa linh thì diễn lúc quãng nghỉ của lễ tế, lúc chèo thuyền, lúc chôn cất. Có nhiều chặng hò trong một cuộc hò đưa linh. Chặng đầu là từ sau khi phát tang cho đến trước lễ động quan. Chặng thứ hai là từ khi đưa linh cữu xuống thuyền, chèo đưa lên núi. Chặng thứ ba là khi đổ đất lấp quan tài, đắp mộ.
Tác giả ảnh: Trần Chí Công

   Diễn xướng trong hò đưa linh có lớp lang, trình tự kết cấu rất chặt chẻ. Khởi đầu là hò ai điếu sau khi làm thủ tục khâm liệm, phát tang. Thông thường, những lúc này không khí buồn đau, thương tiếc đang chế ngự tang gia nên chỉ có một hò cái và một hò con diễn xướng. Thậm chí, chỉ có hò cái đảm nhận luôn hai chức năng hò và xố. Nội dung những câu hò lúc này thường là kể lễ về nỗi buồn, nỗi đau và lòng tiếc thương của gia quyến. Làn điệu hò lúc này thường là mái nện. Giai điệu của mái nện đều đều, hòa quyện với tiếng sanh, tiếng mõ u tịch, rất phù hợp với không khí u buồn. Thông thường, linh cửu để trong nhà 3 ngày, 7 ngày (nay tập quán này không còn). Trong thời gian này, xen giữa những lúc lễ cúng và độc diền hò mái nện của nghệ nhân, người ta diễn hò chèo cạn bằng mái ba. Hò chèo cạn là diễn xướng do hò cái và đội âm công thực hiện. Âm công thì đứng làm hai hàng, chân trước, chân sau, tay làm động tác chèo thuyền, khi hò, di chuyển đội hình theo những cách thức định trước.

   Diễn xướng trong hò chặng hai là lúc chèo thuyền đưa linh cữu lên núi. Để chở quan tài, người ta kết hai chiếc thuyền lại với nhau, trên lát ván, kết mái, trang trí lá ngâu, lá dừa, đèn lồng. Thuyền kết được bố trí hai dãy chèo hai bên. Di quan vào ban đêm, hạ quan trước khi trời sáng, nhiều hôm trời tối như mực. Quãng đường thì xa, có nơi đến 15 - 20 km, phải chèo cả đêm. Những lúc đó diễn xướng hò khoan lại tiếp tục. Trong bối cảnh chèo thuyền, thông thường người ta hò mái ba. Hò mái ba chậm rãi , phù hợp với nhịp chèo thuyền. Kiểu xố của hò mái ba cách quãng đều đặn với câu xố “hò là hô là khoan” như cầm nhịp cho các tay chèo. Vậy nên, mặc dầu tối trời, các tay chèo vẫn thong thả đều nhịp với nhau, giúp con thuyền thẳng hướng.

   Diễn xướng chặng ba của hò đưa linh là lúc bắt đầu lấp đất, nện chặt, đắp mồ. Lúc này đội âm công vừa đổ đất xuống huyệt cầm dùi như cái chày tay, di chuyển vòng quanh huyệt, vừa làm động tác nện đất. Tiếng chày rập ràng nện xuống theo nhịp điệu của hò khoan mái xắp, mái nện. Mái xắp, mái nện có tiết tấu nhanh đều. Với tiết tấu đó, nó chỉ cho phép người nện nâng dùi nện lên độ cao vừa phải, hạ xuống nhẹ nhàng, không làm kinh động đến quan, không làm đau lòng người thân. Hò cái lúc này chỉ đứng ngoài cầm chịch qua các câu hò. Kết thúc việc chôn cất là lúc trời sáng, gia quyến dùng bữa sáng bằng đồ nguội đã qua cúng lễ, rồi chèo thuyền về.

   Hò đưa linh là lối hò trong nghi lễ đám tang, vậy nên nội dung các câu hò thường đượm buồn. Khéo léo hơn là, trong mỗi chặng hò, các nhệ nhân có cách chọn lựa ngữ cảnh rất chu chỉnh. Trong những ngày linh cữu tại gia, bà con, xóm làng đến viếng, xen giữa những đoạn nhạc hiếu kéo bản lưu thủy hành vân là những đọan hò kể lễ như:

“Cuộc hồng trần xoay vần quá ngắn,
Kiếp phù sinh tụ tán mấy trăm hồi.
Người đời có biết chăng ôi,
Thêm người tuy có, có rồi lại không”

“Khi nào ra trướng vào màn,
ây giờ nhà cửa, xóm làng cách xa.
Khi nào mẹ mẹ cha cha,
Bây giờ bóng núi, khuất xa muôn trùng”

“Khi nào vợ vợ chồng chồng,
Bây giờ trăng khuyết, còn mong chi tròn.
Khi nào cháu cháu con con,
Bây giờ hai ngã, nước non cách vời.”

   Ở những gia đình khá giả, gia chủ nhờ nghệ nhân soạn những bài văn ai thể lục bát, có nội dung nói về công sinh thành, cưu mang, dưỡng dục của người đã khuất để răn dạy con cháu. Đôi khi người ta lấy các tích chuyện trong những tác phẩm văn học, hoặc lấy những đoạn trong “văn tế thập loại chúng sinh”, trong “nhị thập tứ hiếu” để diễn xướng.

   Khi chèo thuyền đưa linh lên núi, ngoài những câu hò có nội dung chia ly, đau buồn thường người ta hò những câu có nội dung ly biệt xóm làng, bản quán.

“Ra đi không hẹn lúc nào,
Hồi hương cảnh cũ, nghẹn ngào đau thương”

“Ra đi bỏ cửa bỏ nhà,
Luống rau hàng chuối ớt cà ai chăm.
Ra đi mấy tháng mấy năm,
Sao đành đi mất, biệt tăm không về”

   Khi nện đất lấp mồ, nội dung câu hò đã đến đoạn cách biệt âm dương, người đi kẻ ở. Người ta không ngớt lời thở than sao lại bỏ nơi êm ấm mà tìm về nơi hoang lạnh. Lời hò nặng chịch theo tiếng chày nện đất.

“Ba tấc đất ngàn năm ly biệt,
Cám cảnh này thảm thiết đau thương.
Bỡi vì ai cách biệt âm dương,
Để cho con xa mẹ, nhớ thương quá chừng.”

   Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong hò đưa linh cũng rất khéo léo. Cái chết là sự mất mát. Vậy nên chúng ta bắt gặp trong các bài hò đưa linh rất nhiều những từ, ngữ nói về sự chia ly vô vọng, đau đớn, xót xa. Nó như là tiếng khóc than, nhưng là sự khóc than trong câu hò nên nó mang chất văn hơn. Ta bắt gặp ở đây rất nhiều những từ, cụm từ “khuất xa muôn trùng”, “nước non cách vời”, “buồn thiu”, “ưu phiền”, “lạnh lùng”, “cô đơn”, “ruột thắt héo hon”, “não nề tâm can”…Phần nhiều ngôn ngữ có tính hình tượng gợi khung cảnh buồn, dễ động đến long trắc ẩn của mọi người. Nhiều người đến dự đám không cầm được nước mắt khi nghe những câu hò héo hắt ruột gan như vậy.

   Hò đưa linh là một lối hò rất độc đáo thể hiện tầm cao sinh hoạt văn hóa dân gian ở Lệ Thủy. Tính độc đáo ấy toát ra từ sự tinh tế trong vận dụng một loại hình sinh hoạt văn hóa có tính lễ hội vào trong đám tang. Không phải ở đâu và ai cũng làm được. Rất mong những cơ quan có trách nhiệm tìm cách bảo tồn lấy vốn quý này của quê hương.
Người viết: Đặng Ngọc Tuấn

0 comments:

Post a Comment