Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, June 18, 2015

LỄ TẢO MỘ MỜI ÔNG BÀ TỔ TIÊN VỀ HƯỞNG THÁNG CHAY TỊNH RAMƯWAN CỦA NGƯỜI CHĂM Ở NINH THUẬN. NĂM 2015

June 18, 2015

Share it Please
Tác giả ảnh: Núi Xanh
   Ramưwan là cách gọi của người Chăm về Lễ tháng chay Ramadan Hồi giáo, diễn ra vào đầu tháng 9 lịch Hồi hàng năm. Đây là một lễ nghi tôn giáo có quy mô rộng lớn và quan trọng đối với những cộng đồng theo đạo Hồi. Tuy nhiên, đối với người Chăm Bàni (người Chăm tiếp thu và chịu ảnh hưởng Hồi giáo), mùa Ramưwan còn mang ý nghĩa ngày Tết.
Tác giả ảnh: Núi Xanh
   Trước ngày bước vào tháng chay chính thức, người ta làm lễ tảo mộ, chuẩn bị bánh trái, lễ vật để dâng cúng lên ông bà tổ tiên, sau đó trong gia đình, tộc họ, bạn bè thân hữu cùng quây quần ăn uống vui vẻ, dành cho nhau những lời chúc tụng, cầu cho một năm an lành, may mắn. Mùa Ramưwan, thường là 3 ngày trước khi bước vào tháng chay diễn ra 1 tháng, tức là vào những ngày cuối tháng 8 lịch Hồi.
Tác giả ảnh: Phạm Tỵ
   Năm nay, mùa Ramưwan của người Chăm Hồi giáo Ninh Thuận nhằm vào các ngày 16, 17, 18 tháng 6 Dương lịch. Tuy nhiên, có một số khác biệt giữa các vùng: Một số làng phía Nam của tỉnh như Văn Lâm, Thành Tín, Tuấn Tú… chỉ diễn ra 2 ngày (17, 18) sau 1 ngày so với chung. Riêng người Chăm Hồi giáo Islam (Hồi giáo chính thống) diễn ra trước đó khá lâu (trước khoảng 10 ngày và tuỳ theo điều kiện mà không nhất định ngày nào) và không có lễ cúng gia tiên.
Tác giả ảnh: Phạm Tỵ
   Trong những ngày diễn ra Ramưwan, các làng Chăm đều tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi. Cho đến ngày cuối trước buổi chiều vào Chùa (Thánh đường), mọi hoạt động vui chơi đều chấm dứt để được yên tĩnh, thanh tịnh thực hành tháng chay theo nghiêm luật.
Tác giả ảnh: Núi Xanh
   Trong tháng chay tịnh, có nhiều lễ nghi tôn giáo diễn ra ở Chùa (Thánh đường) do các tu sĩ thực hiện. Tuy nhiên, đối với đồng bào Chăm, quan trọng hơn vẫn là lễ tảo mộ và cúng tổ tiên tại nhà. Lễ cúng tổ tiên trước mùa Ramưwan mang ý nghĩa tưởng nhớ ông bà tổ tiên là một nét đẹp văn hoá truyền thống mà người Chăm vẫn lưu giữ trải qua quá trình giao lưu, tiếp nhận nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới và chịu ảnh hưởng một cách sâu sắc. Lễ cúng chính thức được cúng từng lượt cho mỗi vong linh nên thường kéo dài, với thức ăn dâng cúng mang tính truyền thống là những sản vật nông nghiệp do con người sản xuất ra. Trong đó có những món không thể thiếu như bánh tét, bánh gang tay (sakaya), bánh củ gừng (ginraong ya)… là những loại bánh đặc trưng của người Chăm.
Tác giả ảnh: Núi Xanh
   Lễ tảo mộ nhằm chăm sóc phần mộ và mời ông bà về nhà cùng hưởng mùa Ramưwan cùng con cháu. Đây có thể nói là nét đặc sắc hơn cả. Các nghĩa trang người Chăm Bàni trong những ngày này có quang cảnh rất đặc biệt. Những đoàn người, nhất là những phụ nữ, trong những bộ trang phục áo dài trắng mới nhất cùng những dụng cụ và lễ vật dâng cúng với tinh thần hoan hỉ hơn bao giờ hết nườm nượp đổ về nghĩa trang.
Tác giả ảnh: Phạm Tỵ
   Do ảnh hưởng Hồi giáo, người Chăm Bàni khi chết đi được chôn trong nghĩa trang gọi là Kaburrak hoặc còn gọi là Ghur (Kabur là những ngôi mộ).Người Chăm Hồi giáo có tập quán khi chết chôn đầu quay về hướng Bắc, nghiêng mặt về hướng Tây, trên ngôi mộ có 2 viên đá. Mỗi dòng tộc được địa phương phân cho một khoảng đất trong nghĩa trang để chôn cất người thân khi qua đời. Các ngôi mộ được chôn theo dãy, sát nhau, đất không vun cao, hai phía đầu và chân mộ đặt hai hòn đá to tròn làm thành hai dãy đá dài.
Tác giả ảnh: Phạm Tỵ
   Chủ lễ trong nghi lễ tảo mộ là những thầy Acar và có những người trong dòng tộc phụ việc. Họ ngồi thành dãy dọc theo những ngôi mộ, thực hiện nghi thức tẩy uế cho những phần mộ, tụng những bài kinh dài được rút ra từ bộ kinh Kuru-ưn bằng tiếng Arập. Những phụ nữ trong dòng tộc nằm rạp xuống sát mặt đất cúng lạy tổ tiên theo bài kinh rất thành kính. Lễ vật đơn giản chỉ là những miếng trầu têm gọi là Dam-Dara được chuẩn bị trước. Sau khi thực hành nghi lễ tảo mộ, mọi người ra về để dâng cúng ông bà tổ tiên tại nhà.

Tác giả ảnh: Phạm Tỵ
   Luôn nhớ về ông bà tổ tiên là một nét đẹp văn hoá mà người Chăm vẫn gìn giữ cho đến ngày nay. Nét đẹp này tương đồng với các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ lâu đời. Ramưwan năm nay có nhiều khó khăn do thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, đồng bào các làng Chăm theo Hồi giáo trong tỉnh vẫn chuẩn bị tinh thần đón một mùa Ramưwan đầm ấm, thiết thực, nghĩa tình và sẵn sàng cho một vụ mùa mới trước mùa mưa chính diễn ra.

0 comments:

Post a Comment