Tác giả ảnh: Quách Tùng Dương |
Thèm viết quá! Thế
là chị mở máy tính lên để gõ lại những gì đã trải qua. Chị còn rờn rợn cái cảm
giác lập biên bản đình chỉ thi của thằng nhỏ kia. Cứ như thể chị đã tước đi
tương lai của nó. Nghiệt ngã quá trời ơi! Chị bắt đầu có chút hối hận vì theo
nghề giáo. Ít ra, cũng đỡ phải thấy ăn năn mặc dù mình làm đúng quy chế.
Đang lúc gọi tên
thí sinh lên để thu bài làm, bỗng dưng cả phòng nghe tiếng chuông điện thoại đổ.
Ngó khắp phòng, có đứa đang tái nhợt mặt mày loay hoay mò mầm túi quần. Chị
chợt xé lòng, thôi xong rồi cậu học trò bé nhỏ ơi. Lập biên bản nhé? Chắc chắn
rồi! Cấm mang điện thoại vào phòng thi mà. Năm nào cả nước cũng có thí sinh mắc
lỗi này là sao? Nhưng thằng nhỏ đã quỳ lạy, khóc lóc van xin, nó gào thét xin
thầy cô ơi, hãy cứu em. Đừng huỷ bài của em. Sao chị muốn tha cho nó quá vậy
kìa. Chỉ cần cầm bài thi của nó, cho nó ký đã nộp bài rồi cứ vậy là xong chứ có
gì đâu. Nhưng hỡi ôi, cái tiếng kêu đó nó vang xa quá. Người ngoài cửa sổ cũng
ló mặt vô coi mà. Không cách nào khác nữa, phải vậy thôi. Nhưng chị day dứt…
Phải chi đây không
phải là kỳ thi Quốc Gia. Phải chi đây là một buổi kiểm tra cuối kỳ bình thường
thôi thì chị tha cho nó cái rụp. Mấy năm trong nghề, coi thi bấy nhiêu bận. Chị
lạ gì cái trò ghi tài liệu vô ống tay, dán tờ giấy công thức toán dưới nắp máy
tính bỏ túi. Đứa ngồi trên ngồi nghiêng nghiêng cho đứa ngồi xéo ở sau thấy bài
mà ghi. Chị cũng đã từng trải qua tuổi học trò, biết hết chứ, thông cảm lắm
chứ. Có điều sự dễ dãi cũng có mức độ của nó thôi. Chị rất ghét nghe tiếng rột
roạt giở tài liệu khi chị đang ghi dở cái đề kiểm tra. Mấy đứa đó coi thường cô
giáo cũng một vừa hai phải thôi chứ. Chẳng thà là còn mười lăm phút cuối giờ,
tụi nó thậm thụt chép vội vàng thì chị còn thương chứ không thèm cố nhớ một chữ
nào mà hành động luôn như vậy. Chị ghét lắm. Đó, cả đời này, chị chỉ phạt những
đứa như vậy thôi. Chị nguyện vậy rồi nhưng hôm nay…
Đắng quá! Cái đắng
thấm chầm chậm vô tim can rồi trào ngược lên cổ họng. Cái đắng khiến chị bẽ bang
khi nghĩ về nghề. Chị yêu chi cái nghề nâng chân cho chim bay nhưng trước khi
cất cánh, móng cựa của nó chọt mạnh vô tay mình để nó lấy đà nhảy. Chim bay
rồi, có con còn quẳng lại ngó miền đất cũ nhưng có con bay luôn không về. Chim
bỏ mặc những ông giáo, bà giáo như chị với sự săm soi của đời. Họ soi cái nết
ăn nết ở của chị như đang xét nét tướng đi của cô người mẫu trên sàn trình diễn
thời trang. Chị vẫn nghĩ chỉ cần không làm sai thì không bao giờ nếm trái đắng.
Nhưng hôm nay…
Ai gọi cho thằng
nhỏ vậy trời? Chẳng lẽ những kẻ đó không biết giờ đó nó đang trong phòng thi
sao? Mệt mỏi vì tìm tòi trong tưởng tượng, chị bỏ dở câu chữ, lên báo mạng đọc
cho đỡ buồn. Bỗng mắt chị mở to, cổ họng khô khốc khi đọc cái tin thằng bé bị
huỷ bài thi chỉ vì cú điện thoại của cha. Hai cha con ôm nhau khóc dưới sân
trường. Chị bắt đầu sợ người cha ấy vì mặc cảm với con mà bỏ đi. Chị sợ mình là
người liên can đến bi kịch ấy. Lạy trời, đừng ai nghĩ quẫn
Dưới nhà, giai
điệu cuối phim Cha Rơi vang lên. VTV Cần Thơ sao khéo chiếu tập cuối vô đúng
thời điểm vậy? Ôi tình cha…
Buôn Ama Thuột, 2/7/2015
Tây Nguyên Xanh
Đây chỉ là sáng tác, không phải tự truyện.
0 comments:
Post a Comment