Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, August 17, 2015

LÊN VOI XUỐNG CHÓ VỚI CÂY TIÊU

August 17, 2015

Share it Please

   Sáng nay có cô cuối xóm đến hỏi mua chôm chôm. Ban đầu mọi người tưởng cô ấy mua về làm quà gửi ra quê nên định hái khoảng 5 kg vì còn để dành đến rằm tháng bảy bày lễ cúng nữa. Nhưng cô ấy muốn mua cả cây để nhập sang Gia Lai bán. Hỏi ra mới biết, lâu nay dân Dak Lak kiếm được bộn tiền nhờ buôn trái cây sang “thủ phủ Hồ Tiêu” của Tây Nguyên. Ở bên đó, người ta dành đất để trồng Tiêu hết. Nếu trồng xen cây ăn trái vào vườn Tiêu thì năng suất không cao lắm. Với lại một ký tiêu mua được cả chục ký loại trái khác. Họ cần gì trồng.

    Có chú hàng xóm cũ của mình, bỏ Dak Lak sang Gia Lai mua đất tút lút ở xã vùng sâu nhất của huyện Dak Đoa. Khiếp, từ quốc lộ rẽ vào cỡ 30 cây số nữa mới tới. Cái năm chú về mời Ba Má mình sang ăn tân gia. Má sang bên ấy, Má bảo Đắc Đoạ (dấu nặng) chứ Đắc Đoa (không dấu) nỗi gì. Hi hi. Ấy thế mà mấy hôm trước chú ấy sang chơi, chú kể rằng dân ở đó, đến mùa bán Tiêu thì người nào người nấy mang một bọc tiền chạy đi thành phố Pleiku để gửi vào ngân hàng. Mình chưa chứng kiến cảnh “lên voi” ấy nhưng “xuống chó’ thì gợi lại sợ.

    Có cái nhà kia, trong vườn có đâu hai trăm trụ tiêu phủ kín. Năm ấy, họ đặt niềm tin vào vụ thu hoạch nên mua vật liệu về xây nhà. Xây gần xong rồi, tự dưng Tiêu trong vườn chết hàng loạt chỉ sau một tuần. Chủ nhà tự sát vì vỡ nợ. Cây Tiêu nhìn vậy chứ không “nồi đồng cối đá” bằng cà phê đâu. Nó mà mắc bệnh gì đó thì lây nhanh và chết nhanh cực kỳ. Có lẽ vì sự phập phều trong canh tác như thế cộng thêm giá trị sử dụng nên giá của nó chạm mốc 120 000 đ/kg bán tại vườn là chuyện thường.

    Đâu khoảng mười lăm năm về trước, dân Dak Lak chạy sang mua đất của huyện Cư Pưh (trước năm 2009 thuộc huyện Cư Sê, tỉnh Gia Lai) rất nhiều. Phong trào trồng tiêu của huyện Cư Sê lan mạnh sang huyện Ea H’leo của Dak Lak mình từ cái đận ấy. Hồi xưa, giáo viên nhận việc ở các điểm trường thuộc huyện Ea H’Leo thì ngúng nguẩy vùng vằng chứ nay hào hứng lắm. Vì nghe đồn dân ở đó trồng tiêu. Họ giàu nên cho con học thêm mái thoải. Tha hồ mở lớp dạy thêm (?!). Cũng như ở thành phố, trẻ con của Tây Nguyên hiện nay học thêm (học trước) từ thuở đang sờ ti của mẹ cho đến lúc bước vào giảng đường đại học. Mang tiếng dân xứ núi chứ tuổi thơ cũng chả có mấy thời gian tìm hiểu về rừng ở địa phương. He he, trong đó có con oắt Tây Nguyên Xanh.
   Các ảnh bên trên là một vườn Tiêu. Hình ảnh cọc làm trụ được xây kiên cố bằng gạch như trong ảnh thể hiện phong trào một thuở của người trồng tiêu đấy các bạn ạ. Sau này, người ta đổ trụ tiêu bằng cột bê tông chứ không dùng gạch nữa. Nhưng dưới cái nắng của mùa khô hằng năm, tiêu bị chết nhiều do trụ bê tông nóng quá nên dạo này người ta chuộng trồng cây có thân cao và thẳng để làm trụ. Ví dụ như Nục Nác, Mấc, Gòn Gai, Muồng Đen…Các cây này khiến cho nông dân phải sắm thêm cái ngoèo để tỉa bớt cành cho khỏi rợp bóng vào mùa mưa.
Buôn Ama Thuột, 17/8/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Chế Hồng Trung

0 comments:

Post a Comment