Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, October 18, 2015

CHƠI CHÁN RỒI VỨT

October 18, 2015

Share it Please
    Sáng hôm qua 17/10/2015 lại có thêm một nạn nhân bị khỉ đuôi lợn tấn công khi tham quan bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh bên dưới là con khỉ đã tấn công khách. “Đây là Khỉ Đuôi Lợn không phải Khỉ Vàng mà ta gặp rất nhiều trên Sơn Trà các bạn nhé .Đặc điểm dễ phân biệt nhất là khỉ đuôi lợn có một tam giác màu đen to bằng bàn tay người lớn trên trán mà khỉ các loài khác không có tại Sơn Trà”. (Trích bình luận của bạn Thái Hồng Kỳ trên trang facebook Bùi Văn Tuấn). Theo quan sát của những người thường xuyên lên Sơn Trà chụp ảnh sinh vật thì nó rất dạn với con người. Nó thích đi theo đoàn người và cực kỳ tò mò xem con người làm gì khi tụ tập. Biểu hiện của nó hhác hẳn so với các loài khỉ sống trong tự nhiên. Các loài sống trong tự nhiên, thấy người là chúng chạy trốn nhanh nhất có thể. Chứng tỏ nó sống gần con người từ rất lâu rồi. Hơn nữa, nó gần như không biết tìm kiếm thức ăn như các con khỉ sống trong tự nhiên. Nói thẳng ra rằng nó đói, nó đi theo con người để mong được cho ăn. Du khách thấy lạ nên tiếp cận nó, hậu quả là bị nó tấn công dưới hình thức tự vệ. Vậy nó từ đâu tới?
Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ
     Các chuyên gia chắc chắn cá thể khỉ này bị chủ nhân của nó bỏ rơi. Nuôi một con khỉ không hề đơn giản. Thức ăn phải có thường xuyên và vô vàn những điều kiện sống khác. Chăm nó, cũng chẳng khác gì chăm con mọn. Lấn cấn đủ chuyện. Thế là chủ quyết định thả nó về rừng. Hành động này sẽ được tung hô “vạn tuế” nếu nó được thả từ lúc bé. Khi ấy nó vẫn còn bản năng tự kiếm thức ăn hoặc ít nhất thì nó dễ dàng học theo tập tính kiếm ăn của các loài có hoàn cảnh sống tương tự mình. Đằng này, xích và nhốt nó bao nhiêu lâu rồi. Nó đã quen với việc chờ đến giờ được cho ăn, tiêu hóa rồi ỉa ra đó có người dọn. Trong khi các loài trong tự nhiên còn biết ị chỗ cách xa nơi sống để khỏi kẻ thù phát hiện. Nó được nuôi béo ục ịch, chẳng có không gian leo trèo thỏa thích. Đùng một cái, chủ của nó “đem con bỏ chợ”.

     Nó nhếch nhác, gầy nhom, mắt buồn rầu. Nó sợ chính cái môi trường mà tổ tiên của nó sinh ra. Nó bị bỏ rơi khi đang tin tưởng chủ nhân nhất. Thử hỏi kẻ nuôi có ác không? Yêu và nuôi sinh vật là tập tính có rất lâu trong xã hội loài người. Các chuyên gia tâm lý học còn phán rằng những ai yêu sinh vật đều thuộc kiểu khí chất hướng nội nữa cơ. Đã yêu thì chắc chắn thích sở hữu. Nhưng trước khi quyết định “ăn đời ở kiếp” với một loài nào đó thì cân nhắc cho kỹ các bạn nhé. Với các loài sinh vật, chúng ta chỉ nên yêu đơn phương thôi. Cái thứ tình yêu khiến ta luôn mong ngóng được gặp nhưng không mong được sở hữu. Cái gì tốt nhất cho tỉnh yêu thì ta làm. Như thế, tình yêu mới mãi đẹp được. Chứ cái trò chơi chán rồi vứt dưới cái hình thức gọi là “phóng sinh” thì sẽ được nhận ngay câu hỏi “Thú tính trong ai?”
Buôn Ama Thuột, 18/10/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment