Nó kể, hồi đó em
chưa biết tiếng Hoa đâu chị. Em quen anh ấy trong lần đi chơi cùng nhỏ bạn. Cái
rồi xin Wechat (phần mềm nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc hiện nay. Đối thủ của
nó là QQ interational). Anh ấy nhắn cho em bằng tiếng Hoa, em nhắn tin bằng tiếng
Việt. Hai đứa dùng Google dịch để hiểu ý nhau. Tôi tò mò hỏi mỗi khi hai đứa gặp
nhau thì làm sao nói chuyện. Nó nói anh kia chỉ tay lên đầu nhoay nhoay một
vòng bên thái dương nghĩa là anh nhớ em nhiều lắm. Còn nếu muốn ôm nhau thì khỏi
nói, chạy lại ôm luôn. Hun cũng vậy. Tôi trộm nghĩ, á, dốt ngoại ngữ cũng có
cái hay. Khỏi rông dài, bụp luôn. He he. Hai đứa “bút đàm” trên điện thoại để
nói chuyện dù đang khoác tay nhau. Thế mà cũng nồng nàn cả nửa năm. Không xác định
được tương lai nên họ chia tay. Đó là câu chuyện điển hình và có thật trong
muôn vàn những cuộc tình liên quan đến ngoại ngữ ở các khu công nghiệp. Các
phiên dịch viên là thường gặp nhất, làng nhàng sau này mới có thêm chuyên viên
biết tiếng nước ngoài và những nhân viên sau này cũng cố học thêm tiếng để làm
trưởng ca, đỡ phải đứng máy cũng…yêu chủ quản của mình kiểu như thế.
Đi làm, đi chơi, đi chợ, đi nhậu và đi hát
karaoke đều cần phiên dịch nên gần như cả ngày đèo queo bên nhau. Không nảy
sinh tình cảm mới lạ. Vấn đề là đa số những người sang đây đã có gia đình rồi.
Người nào tử tế thì đau khổ chia tay để người mình yêu có thể lập gia đình hạnh
phúc và họ cũng bớt áy náy khi về nước. Có người cưới bên này hẳn hoi nhưng gia
đình bên kia không hề biết. Sống chung sinh con đã đời rồi vứt đấy khi trở về.
Ít thôi, không nhiều. Đa số là như tình sinh viên, khác chút là không phải mối
tình đầu của nhau nên bớt lâm ly hơn thời cắp đít, à nhầm, cắp xách đến trường.
Năm ngoái tôi về huyện Hòa
Thành, tỉnh Tây Ninh để dự một cái đám cưới của cô bạn. Cô ấy lấy chồng ở tỉnh Triết
Giang (Trung Quốc). Bên ấy con trai khó lấy vợ, phải dùng tiền để mua nên mới
có nạn buôn con gái Việt sang đó. Chị gái sang bên này làm ở chi nhánh công ty
rồi giới thiệu em trai mình cho bạn gái của tôi. Hai đứa chát qua chát lại với
nhau cả năm trời. Cũng Google dịch luôn đó. Cái rồi nhỏ bạn tôi đi học tiếng
Hoa. Chị kia xin visa cho con bạn tôi sang bên ấy chơi. Lần sau anh kia sang
cũng là lúc làm đám cưới bên này luôn. Nó sang bên ấy, sinh con rồi. Thế là làm
dâu xứ người.
Là tôi cứ thấy gì kể nấy, không
bịa chuyện và kể lên đây để người đọc hình dung bối cảnh cuộc sống thời khu
công nghiệp mọc lên như nấm sau mưa ở đất Việt Nam này như thế nào. Cấm bình luận
theo hơi hướng chính trị. Tôi không thích.
Tây Ninh, 21/2/2017
Lời: Tây Nguyên Xanh
Nguồn ảnh: Thailand Friend Foundation
Nếu thực tình, thực tâm thì rào cảm ngôn ngữ không phải là vấn đề. Tạm dùng Google dịch, học sau cũng không muộn mà. Khó nhất là không biết sự thật về đối tác. Dù có thông hiểu tiếng thì vẫn ...bi kịch như thường!
ReplyDelete