Năm năm rồi mới trở lại Ba Tơ nhưng đây là lần đầu tiên đến xã Ba Điền, xã nghèo nhất và xa nhất của huyện này. Núi liền núi, mây trắng phủ đỉnh nhẹ nhàng trôi.
Ngồi sau xe của phó chủ tịch xã này. Cách đây sáu năm, anh về nhận công tác theo chương trình bổ nhiệm 600 phó chủ tịch xã nghèo nhất cả nước. Anh cũng học trường đại học Quy Nhơn nhưng hơn tôi hai khóa. Trên con đường đầy đá dài gần 20 km, lầy lội sau mưa, vừa lách đá anh vừa kể rằng mọi việc đến với anh rất đơn giản. Anh chỉ thấy nó hơi xa chứ chẳng có gì để gọi là sợ hãi nơi này cả. Nhà bố mẹ anh ở thành phố Quảng Ngãi. Bố mẹ cho nhà cho cửa nhưng anh vẫn thích về nơi...khỉ ho cò gáy này công tác. Cán bộ nơi này đa số toàn người trẻ. Hy vọng sức trẻ sẽ giúp nơi này có nhiều con đường rải nhựa hơn cho dân bớt khổ.
Đây là cái nhà chứa củi của người H’re ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Phải nói là Tây có nhiều cảm xúc khi tận mắt thâm nhập vào cộng đồng dân tộc ít người này. Tây có cảm tưởng rằng họ trân trọng sản vật từ rừng, từ đồng ruộng lắm luôn. Cái gì họ cũng làm nhà sàn kích thước nhỏ để chứa chúng. Cái nhà be bé thôi. Kích thước trông như cái chuồng gà của người Kinh ấy. Rơm, lúa, củi, ba thứ ấy đều được chứa trong ba cái nhà sàn riêng. Kiến trúc nhà sàn chứa nông sản cũng khá giống căn nhà họ ở. Riêng nhà chứa thóc thì kín nhất để tránh mưa tạt và tránh chuột.
Cái nhà sàn này chứa chủ yếu là củi tràm, củi keo vì rừng nơi đây đa số được trồng keo và tràm. Thanh củi của họ dài lắm nhé, bằng nửa cái đòn gánh của người Kinh đấy. Những ngày này, khắp huyện Ba Tơ đang đổ đất vào bao nilon nhỏ xíu để ươm cây keo con. Mỗi cây keo con được bán với giá năm trăm đồng. Thương lái thu mua để bán cho nông dân ở tỉnh Kon Tum và các huyện miền núi khác của tình Quảng Ngãi.
Nhà chứa củi thường để ở cái góc sân mà người ta hay nhóm lửa đun nấu. Ở đây người ta thích chọn một góc sân, rồi nhóm bếp nấu cơm trong cái nồi đồng truyền thống. Nồi ấy khá to nên kê gạch làm bếp nấu ngoài trời cho tiện.
Tây Ninh, 17.7.2017
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment