Bố vừa mới a lô khoe bố thi sát
hạch xong rồi, nay có bằng lái xe ô tô ngon lành cành đào rồi nhé. Con trai làm
trong cty sản xuất ô tô còn con gái làm ở cty sản xuất lốp xe cũng ô tô luôn
chẳng nhẽ bố …không biết lái ô tô. Mình hỏi ngay ơ thế bố ơi, xe đâu mà lái hả
bố, anh già nhà mình bảo từ từ sẽ có. Xóm mình cỡ năm nữa thì nhà nào cũng có ô tô con ợ.
Nay ai cũng lợp mái tôn làm gara trước sân hết rồi. Mình mắt tròn mắt dẹt khi
nghe bố đọc tên những chú cùng đi học lái xe với bố. Gần chục người! Té ra học
lái xe ô tô đang là mốt ở quê nhà.
Rằng thì là bây giờ các anh chị
già trong xóm của mình ở cái tuổi không vướng chạy cơm từng bữa cho con nữa.
Nhà nào cũng hưởng lương hưu hàng tháng rồi vẫn tiếp tục làm công nhân hợp đồng
nên đất trồng cà phê vẫn còn. Rau hái trong vườn, gà nuôi trong chuồng, lợn thì
hứng lên là chung đụng với nhau một con lai rừng của nhà cuối xóm nuôi xong về bỏ trong
ngăn đông lạnh. Chi phí ăn uống nói chung là…không tốn lắm. Trở trời trở gió, ốm
đau gì thì có mấy chục ký tiêu hạt bám quanh thân muồng ngoài rẫy lo thuốc men.
Giá cà phê đắt gấp ba lần cà phê nên nhà ai cũng có nó. Mỗi năm trung bình một
hecta thu về ba tấn cà phê nhân xô. Giá
cà phê cứ khoảng bốn chục nghìn một ký thì ba mùa cà như thế là các cụ đủ mua
con xe bốn chỗ tạm được một tí rồi.
Từ trước đến nay, chỉ có cán bộ
nông trường hoặc chủ doanh nghiệp thu mua nông sản mới có ô tô đi thăm rẫy mỗi
độ thuê nhân công thu hái hoặc bón phân, tưới nước thôi. Chứ nông dân bình thường,
dành tiền mua lên đời đầu máy xe công nông là ghê gớm lắm rồi. Cái gì mà mười bốn,
mười sáu ngựa rồi thì hai hai, hai bốn ngựa ấy. Hơn nhau ở cấp độ mã lực hay
sao đó. Tây biết đâu được đấy.
Có cái xe thì đơn giản nhưng
nuôi nó là một chuyện không hề đơn giản. Hù các cụ đủ kiểu nhưng xem ra cái sự
tự lái xe giữa đường mà không ngại mưa nắng cứ phải được ưu tiên hàng đầu. Trong
một diễn biến khác, con gái của người nông dân cà phê kia vẫn thích thong dong
đi làm bằng xe đạp, chiều về dắt xe qua bãi cỏ vắng chụp choẹt ra tấm ảnh ở trên cùng bài viết he he.
Tây Ninh, 30/7/2017
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment