Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 5, 2017

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN-Kỳ 24: NÔNG DÂN CHO CON ĐI DU HỌC

August 05, 2017

Share it Please
    Cuối tuần, gọi điện về thăm nhà, đang hóng tin gà ở nhà đẻ mấy lứa, chó đẻ mấy con, mẹ chợt nói đội ta (nơi tôi sống là một đội sản xuất được phân chia theo lô đất của nông trường chuyên canh cà phê) sắp có hai đứa sang Nhật du học. Oạch! Oách xà lách nhể? Oách ở đây là bố mẹ dám tự bỏ tiền túi ra cho con sang nước ngoài du học. Bởi người ta đang có tư tưởng “ba đấm bằng cái đạp”. Tức là bị ăn ba quả đấm cũng đau bằng một cái đạp.

    Chúng tôi, thế hệ 9X đậu đại học, bố mẹ làm cỗ gần 20 mâm đãi khách ăn mừng. Cái sự đỗ vào trường công lập khi ấy nghe nó oai oai thế nào, nói chi xa, cách đây có 10 năm chứ mấy. Xong, nuôi ăn học chán chê rồi ê hề đem tiền đi cạy cục chạy việc mãi không được. Lứa chúng tôi tẩu tán đi làm trái ngành hết. Tôi cũng thế, nhờ hồi đại học có lén bố mẹ (các cụ cấm) đi học thêm một ngoại ngữ thứ hai phòng thân nên giờ may còn có cái mà …bỏ vào mồm.  Rút kinh nghiệm từ những đứa kiểu như tôi, các ông bố bà mẹ của thế hệ @ (tạm dành cho các bạn bạn sinh sau năm 2000) ngày nay tính thế này, thôi bỏ mấy trăm triệu cho nó sang Nhật du học, nó được đào tạo nơi tiên tiến, vừa học vừa làm lại rành nghề và khôn con ra. Tiền nuôi ăn học trong nước cộng 200 triệu (giá phổ thông để xin làm giáo viên hiện nay ở Tây Nguyên) ấy sẽ dung đầu tư cho con đầu tư chất xám ở Nhật Bản.

   Nói thì nói vậy chứ kinh tế của hai gia đình cũng thuộc hạng cứng cựa đấy. Một gia đình là bố làm công nhân trồng 1 hecta cà phê của công ty (canh tác theo hình thức giao khoán sản phẩm) cộng thêm 1 hecta cà phê liên kết (chịu sự quản lý của nhà nước về mặt quy hoạch cơ cấu cây trồng nhưng thu về trọn vẹn, không đóng cho công ty. Mẹ là giáo viên tiểu học vùng sâu vùng xa, lương khoảng 8 triệu một tháng. Rau trong vườn, gà trong chuồng nữa nên chức danh giáo viên của mẹ có thể dung thế chấp vay ngân hàng rồi hang tháng trừ lãi vào lương của mẹ để nuôi con ở nước ngoài.  Gia đình thứ hai thì bố mẹ đều thuần nông thôi nhưng là sở hữu 3 lô cà phê của cty. Mỗi năm thu về ít thì 9 tấn cà phê nhân xô, trúng mùa thì 11 tấn. Cà xay xong, chuyển ngay vào kho cà phê của bác ruột là chủ vựa cà phê lớn nhất nhì cái huyện. Giá khi nào cao nhất ông ấy đánh hơi được nên khi đến lúc là hú em ra lấy tiền bỏ ngân hàng. Bao nhiêu mùa như thế rồi nên nay xác định bố mẹ ở nhà ăn rau dưa, cà phê cho con đi du học hết.

   Chẳng biết ngồi lê đôi mách gõ chuyện xóm giềng lên Facebook có xấu tính lắm không nhưng Tây chỉ muốn cho các bạn biết nông thôn Tây Nguyên qua các thời kỳ. Có thể văn Tây dở nhưng Tây tin các bạn có thể đồng hành với hơi thở nhịp sống của người Tây Nguyên mỗi ngày he he
Tây Ninh, 5/8/2017
Tây Nguyên Xanh


0 comments:

Post a Comment