Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 16, 2017

MÙA CÀ PHÊ 2017 - Kỳ 1: NĂM NAY AI VÔ HÁI CHO NHÀ MÌNH RỨA MÁ?

September 16, 2017

Share it Please
Tôi hỏi mẹ rằng mùa cà năm nay ai (từ Nghệ An) vào hái cà phê cho nhà mình thế. Câu hỏi này mang ý nghĩa như kiểu chúng ta hay hỏi nhau “có khỏe không? mỗi khi gặp nhau ấy. Đến vùng nông thôn Tây Nguyên mùa nay các bạn đôi lúc sẽ nghe được câu này. Nó là câu cửa miệng. Nó thể hiện nỗi lo mang tính thời vụ. Ngay từ bây giờ, khi nông dân trong cả xóm tôi đang cầm rổ đi hái những trái cà phê bói đầu tiên của năm thì trong đầu họ đã lo lắng về chuyện thuê nhân công. Các bạn nghĩ chắc dân cà phê giàu lắm nhỉ? Cứ như phú ông phải thuê người làm mướn ấy nhỉ? Không các bạn ạ, bởi chúng tôi có nỗi sợ về trộm cắp, thời tiết mưa nhiều khiến trái rụng mọc mầm khắp gốc, phải chạy sản lượng cho kịp tiến độ giao nộp sản phẩm cho công ty và để kịp….trả nợ để ăn Tết.
Tác giả ảnh: Chế Hồng Trung 
 Các bạn có hình dung được không nhỉ? Đêm đêm những tên trộm cầm kéo đi cắt nguyên cành cà phê trĩu quả để sáng mai chúng tuốt ra đi bán. Vừa mất trái lại hư luôn cây, các bạn sợ không? Bởi thế phải hái nhanh, hái cho kịp lứa, ngày đi hái, tối về cắt cử người ngủ trong lều canh rẫy. Rồi khi những nhà xung quanh tận thu rồi mà nhà mình chưa xong, có đi canh cũng khó mà xuể nên phải hùn công mà kết thúc một lượt.

Các bạn có hình dung được không nhỉ? Mùa cà phê trùng với mùa bão vào miền Trung tội nghiệp. Tây Nguyên chia mưa với cả nước. Nguyên một tuần sau khi bão vào đất liền, trời mưa dầm dề lê thê, lạnh tê tái. Ai cũng ngại đi kéo lưới cà phê trong mưa gió. Mà công ty lại không muốn nhập sản lượng vào ngày mưa vì khó phơi và lỗ về cân nặng do dính nước. Cà cứ thế rụng và nó no nước nứt toe ra. Cái này gọi là hiện tượng ‘cà cười”.

Có lẽ nhiều bạn nghĩ đất canh tác ở Tây Nguyên là đất do các chủ hộ khai hoang nhỉ? Ít lắm các bạn ạ. Chỉ những gia đình nào vào đây từ những năm ngay sau Hòa Bình 1975 chứ đa số chúng tôi đều là công nhân của các nông trường cà phê. Chúng tôi phải nộp sản lượng hằng năm cho công ty. Mỗi mùa có hai đợt nhập, lúc nào thì tùy vào công ty. Mỗi đợt cho có khoảng ba đến bốn ngày nên chúng tôi phải tập trung nhân lực hái cho kịp.

Và Tết, những khoản nợ đang chờ đến mùa cà phê xong sẽ thanh toán. Những người đàn bà chạy cơm ăn hằng ngày. Ra tiệm tạp hóa mua nợ từng gói muối, hũ đường, cân thịt lợn. Còn đàn ông vác từng bao phân về bón cho cây kèm với lời hứa đến mùa cà sẽ trả. Tất cả sợ nần đều được quy về cái mốc “xong cà phê hết”.


Câu trả lời của mẹ sẽ được kể ở kỳ sau.
Tây Ninh, 16/9/2017
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment