Lần này về Tây Nguyên nhân thể có rất nhiều anh em họ hàng từ Nghệ An vào, mình tự tay nấu nước và ra vườn hái chè vào làm nước đãi khách, nhân thể mình hỏi ngọn ngành và có chụp ảnh lại cho bạn bè blog biết thế nào là nác chát xứ Nghệ. Tây của các bạn làm nước chè xanh và thơm ngon trứ danh đấy nhá. Hã hã, có bí quyết cả đới.
Thực ra cái nước chè om của người xứ Nghệ chính là nước chè vò ở miền khác. Người các miền khác thích hái ngọn chè còn non rồi phơi khô để hãm với nước sôi hoặc thích hái mỗi lá rồi vò rồi đổ nước sôi vào.
Còn riêng người Nghệ An và Hà Tĩnh thích uống nước chè được làm từ lá và phải có cả cành. Hỏi vì sao phải có cả cành. Người Nghệ bảo thế mới thơm, mới chát, mới đậm đà. Nhưng lá với cành ấy phải được “om” chứ bỏ vào ấm nấu trên bếp thì lại không thích lắm.
Người Nghệ cũng vày vò lá chè tươi có lẫn cành cho nát ra rồi đổ nước sôi vào. Tuy nhiên có bạn ở Bình Định yêu văn hóa xứ Nghệ đã làm như thế nhưng nước cứ đỏ quành quạch chứ không xanh vàng như thành phẩm trong ảnh.
Là bởi vì họ thiếu công đoạn đổ nước sôi tráng cho trôi nhựa cây vừa tiết ra từ những nếp gãy trên lá, đổ hết đi rồi mới thêm nước sôi mới vào. Và sau đó đem cái ấm ủ trong một cái tráp được đan bằng mây để giữ ấm. Có như vậy thì nước mới trong chứ nếu bỏ chè vò nát vào nước sôi rồi đun lên thì nước chè sẽ bị đục và màu không tươi lắm.
Ấm nước chè xanh quan trọng ngang bằng nồi cơm mỗi bữa. Hằng ngày nếu không có hai thứ này đồng thời thì người Nghệ coi như sống vật vờ. Có những cụ già nhà nghèo thèm nước chè xanh đến nỗi đổ bệnh.
Con cháu ra chợ nhặt đâu được đôi ba lá chè vương vãi ngoài chợ, đem về ‘om’ cho cho các cụ uống. Các cụ khỏe hẳn. Ai mời đi uống nước chè xanh là khoái. Văn hóa tụ tập ở nhà ai đó uống nước chè xanh cũng từ đó mà ra.
Buôn Ama Y'Thuột, 12/1/2018
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment