Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, March 2, 2018

LOANH QUANH BÊN CÁI NHÀ XIA

March 02, 2018

Share it Please


   Cầm một tờ giấy. Bước lên ngai vàng. Bỗng một tiếng vang. Cơn mưa ập tới. Hoàng tử ra đời. Đó là một đoạn đồng dao mà Tây đã nghe dì ruột đọc ở quê ngoại Hưng Nguyên (Nghệ An). Nó miêu tả cái quá trình đi vệ sinh, thôi nói toạc ra là đi ỉa cho nó dân dã, từ khi đau bụng đến lúc gửi trọn tình yêu vào đất Nào phải như bây giờ, vào nhà vệ sinh (dân Nghệ Tĩnh gọi là nhà xia, miền Bắc là nhà xí, miền Nam là nhà cầu) đã có sẵn cuộn giấy mềm. Thuở còn chưa có cái gọi là xí ngồi xí xệp thì lúc rơi vào trạng thái “đi nhanh, về chậm”, lắm người vơ đại tờ giấy dùng để nhen lửa ở góc bếp hoặc xé vội cuốn vở học trò đã viết rồi phóng nhanh ra cuối vườn. Nơi ấy, có một cái hố, hai tấm gỗ bắc hai bên hai bên và thôi thì thối kinh lên được. Thế nên nó phải được ví với cái ngai vàng cho tâm lý bước lên nó hứng khởi tí.

   Lại có hai câu ví von về chiều cao mà Tây nhớ mãi, ấy là “cao như cái sào chọc cứt” và “cao như cây chuối đứng bên nhà xia”. Lại vẫn tại cái kiểu nhà xí nơi góc vườn ngày xưa mà hình thành nên mấy câu ấy. Hai tấm gỗ dùng đặt hai chân ấy cách nhau rộng quá thì dạng mỏi háng, mà hẹp quá thì đôi khi ị đùn troèn lên thành nhà xí. Phải dùng cây sào dài dài tí, đứng xa gạt xuống cho đỡ hôi. À, cây gì trồng bên nhà xí chả tươi tốt, huống hồ bụi chuối. Loài cây thường hay trồng ở góc vườn, tiện cho cho việc xe khuất tầm nhìn. Các cụ ví von sao mà thực tế thế nhỉ?

   Và, “quẹt khu vô nữa” là lối nói liên quan đến cái nhà xia mà Tây vẫn muốn lưu lại cho con cháu đọc. Người Nghệ Tĩnh khi đi ị, nếu có giấy thì người ta chùi đít còn không thì phải dùng que củi khô hoặc cành cây nhỏ để…quẹt đít. Cái đít được họ phát âm là cái khu. Người ta dùng cái thuật ngữ quẹt khu để từ chối những điều không thích và không coi trọng.

    Không đùa nhé, thanh niên Ấn Độ bây giờ có câu khẩu hiệu khi tán gái, ấy là yêu anh đi, nhà anh có chỗ đi vệ sinh kín đáo, sạch sẽ rồi. Ở Ấn Độ việc nam thanh nữ tú phải đi ị đồng thậm chí ngồi ngay bên đường ray xe lửa là chuyện thường ngày. Xây nhà vệ sinh khá tốn nên ít nhà có mà nó lại là nhu cầu bức thiết. Xây cái nhà cầu như này của người miền Tây, có lẽ dễ lấy vợ lắm đây. He he.

   À, Tây muốn hỏi dân Bình Trị Thiên là câu chửi “đồ ẻ trịn” có nghĩa là gì thế? Nó có phải là ám chỉ người bị tiêu chảy không?
Thủ Dầu Một, 2/3/2018
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Internet



0 comments:

Post a Comment