Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, January 12, 2018

QUY TRÌNH OM NÁC CHÁT ĐÚNG CHẤT NGHỆ TĨNH


   Đông sắp hết, tết muốn về, kể đôi ba câu chuyện văn hóa cho nó ấm lòng, nhẩy? Chắc nhiều người biết rồi, nác chát trong tiếng Nghệ Tĩnh có nghĩa là nước chè xanh. Còn cái động từ om ấy nó phải không phải là om (đoc chệch là um) trong món chuối om cá hay om ếch. Mà om ở đây được hiểu như ủ. 

   Lần này về Tây Nguyên nhân thể có rất nhiều anh em họ hàng từ Nghệ An vào, mình tự tay nấu nước và ra vườn hái chè vào làm nước đãi khách, nhân thể mình hỏi ngọn ngành và có chụp ảnh lại cho bạn bè blog biết thế nào là nác chát xứ Nghệ. Tây của các bạn làm nước chè xanh và thơm ngon trứ danh đấy nhá. Hã hã, có bí quyết cả đới.


   Thực ra cái nước chè om của người xứ Nghệ chính là nước chè vò ở miền khác. Người các miền khác thích hái ngọn chè còn non rồi phơi khô để hãm với nước sôi hoặc thích hái mỗi lá rồi vò rồi đổ nước sôi vào.

 Còn riêng người Nghệ An và Hà Tĩnh thích uống nước chè được làm từ lá và phải có cả cành. Hỏi vì sao phải có cả cành. Người Nghệ bảo thế mới thơm, mới chát, mới đậm đà. Nhưng lá với cành ấy phải được “om” chứ bỏ vào ấm nấu trên bếp thì lại không thích lắm.

   Người Nghệ cũng vày vò lá chè tươi có lẫn cành cho nát ra rồi đổ nước sôi vào. Tuy nhiên có bạn ở Bình Định yêu văn hóa xứ Nghệ đã làm như thế nhưng nước cứ đỏ quành quạch chứ không xanh vàng như thành phẩm trong ảnh.

   Là bởi vì họ thiếu công đoạn đổ nước sôi tráng cho trôi nhựa cây vừa tiết ra từ những nếp gãy trên lá, đổ hết đi rồi mới thêm nước sôi mới vào. Và sau đó đem cái ấm ủ trong một cái tráp được đan bằng mây để giữ ấm. Có như vậy thì nước mới trong chứ nếu bỏ chè vò nát vào nước sôi rồi đun lên thì nước chè sẽ bị đục và màu không tươi lắm.

    Ấm nước chè xanh quan trọng ngang bằng nồi cơm mỗi bữa. Hằng ngày nếu không có hai thứ này đồng thời thì người Nghệ coi như sống vật vờ. Có những cụ già nhà nghèo thèm nước chè xanh đến nỗi đổ bệnh. 

   Con cháu ra chợ nhặt đâu được đôi ba lá chè vương vãi ngoài chợ, đem về ‘om’ cho cho các cụ uống. Các cụ khỏe hẳn. Ai mời đi uống nước chè xanh là khoái. Văn hóa tụ tập ở nhà ai đó uống nước chè xanh cũng từ đó mà ra.

Buôn Ama Y'Thuột, 12/1/2018
Tây Nguyên Xanh 
No comments

Monday, January 8, 2018

CHƯA QUÉT NHÀ MÀ ĐÃ QUÉT CƯƠI

    Cái cươi trong tiếng Nam Đàn quê mình có nghĩa là cái sân trước nhà. Sáng nay mình ra vườn hái lá vò làm nước chè xanh đãi khách. Bà nội vào nên hàng xóm sống lân cận nhà mình trong vòng 5 km đến chơi, hỏi thăm xóm giềng ngoài Nghệ An ra sao. Chú hàng xóm đến, ngồi chưa nóng ghế đã hỏi Tây ơi, răng mi chưa quét nhà mà đã quét cươi rứa. Mình đứng ngây người chẳng hiểu gì. Thấy Má chữa cháy cho là ai nhủ hấn chưa có người yêu thì chịu chơ răng nữa chú. Ồ, té ra xứ Nghệ nhà mình có thành ngữ ‘chưa quét nhà đã quét sân” để nói về vệc nhà có em cưới trước anh chị. Mình thấy bình thường nhưng Má mình nói quê ta mà như rứa là ột nhột lắm con à. Rồi má kể,

      Hồi xưa, có ông nọ thích cô em nên cậy nhờ mai mối đến xin cưới cô em nhưng ông bố vợ nói, con của tôi chứ có phải khoai trong rổ đâu mà củ nào to thì chú lựa. Con tôi là phải gả có thứ tự. Thú vị là chả hiểu sao ông ấy vẫn chịu lấy cô chị chứ không tìm cách đến với cô em nữa. Ông bố vợ ấy là người sinh ra bà ngoại của mình. Và Má nói ở ngoài Hưng Nguyên nhà Má có vô vàn những cặp hôn nhân “tình em mà duyên chị” như vậy vì cái sự để cho em cưới trước anh chị thì sợ anh chị ế. Quay lại chuyện của mình,

     Thằng em mình chẳng có lỗi gì với chị của nó cả. Nó cưới vì bị…ép. Thú vị lắm. Nó yêu con bé kia đâu 2 năm rồi nhưng con bé đang học cao học nên nó nghĩ thôi ráng chờ hè năm sau tốt nghiệp rồi dẫn về ra mắt sau. Lâu lâu em mình có tỉ tê kể với Má về tuổi và tính cách con bé ấy với Má. Gọi là làm công tác tư tưởng trước ấy mà. Ai dè, đâu hồi tháng sáu năm nay, Má đi xem bói, thầy phán tuổi hai đứa này phải cưới trong năm chứ sang năm và năm nữa không có tuổi cưới. Má gọi điện thúc ép nó đến nhà con bé kia xin ngày để Ba Má ra Quảng Nam. Tất nhiên con bé kia giãy nãy vì bỗng dưng….bị ép lên xe bông khi chưa sẵn sàng tâm lý . Thằng em mình một mặt nói dối Má là cãi nhau rồi chia ay rồi, mặt kia xúi con bé kia rằng em cứ về tìm thầy bòi nào giỏi nhất vùng đi, nếu thầy phán năm sau vẫn cưới được thì chúng ta thong thả yêu. Vấn đề là con bé đi xem bói lần đầu, thầy phán cưới năm nay. Không tin, lần sau nó quay lại, bị thầy đuổi ra cổng bảo về đi, cưới thì cưới, không cưới thì thôi, xem chi lắm. Thế là  ngày mốt mình sửa soạn váy áo đi rước em dâu thôi. He he.

    Viết cái tút này để lưu trữ cái thành ngữ vừa mới hóng được. Lâu rồi không viết bài vì vô tình nghe được tthành ngữ trong dân gian. Dự là sau đám cưới sẽ có seri bài viết về văn hóa cưới hỏi của xứ Nghệ còn đọng lại và giao thoa gì ở đất trời Tây Nguyên.
Buôn Ama Thuột, 8/1/2017
Tây Nguyên Xanh



No comments