Nó là cái roi cà
phê. Tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Tây Nguyên
như Tây đa số đã từng được “thưởng thức” cảm giác bị roi này quất vào mông. Phê
lắm luôn, he he. Nó mới được Tây bẻ trên cây cà phê xuống đấy. Nó khô rồi. Khi
còn tươi, nó có lá, tất nhiên! Lá mọc ở mấy cái mắt gai gai ấy đấy. Hoa cũng
đơm nụ rồi hết quả dính vào đó. Đến cuối mùa mưa, các cụ nông dân hái trái chín
rồi. Còn cuống quả ở lại trên cành. Cành chuyển màu từ xanh sang đen dần dần rồi
khô cứng. Sau tết, các cụ nông dân đi bẻ cành khô (cành tăm) vào ngày ra quân đầu
năm mới. Bẻ rồi các cụ ôm về dùng nhóm bếp. Lâu lâu con cái nói không nghe còn
có cái mà vụt cho nó ngoan he he. Vì nó có mấy cái mắt nom như mắt của dây thép
gai thế cho nên đánh vào bắp chân, đau ám ảnh.
Tây ấy hử, ăn đòn
nhiều lắm. Một là, do đi học không ghi bài mà ngắm thằng bạn cùng bàn. Bài kiểm
tra điểm thấp. Ăn đòn! Hai là, trốn nhà đi chơi, bố mẹ đi lô (rẫy cà phê) về
không có chìa khóa vào nhà. Nhà ở đầu xóm nhưng chơi trò bẻ cành muồng lợp mái
nhà với thằng bạn ở tít tận cuối xóm. Mẹ hét khan cổ không thấy đâu, mẹ thất thểu
lòng vòng trên các con đường gọi Tây ới, Tây ời, vừa thấy mặt con gái cái là mẹ
ghé ngay vào vườn cà phê bên đường, bẻ cái roi đánh luôn. Tây ngu cực, người ta
bị đánh thì xin lỗi để chỉ bị ăn một hai roi thôi. Còn Tây á, há mồm than đau
chứ không nhận lỗi một câu. Vậy chứ thằng mối tình đầu, nó chỉ nói mỗi câu anh
không yêu em nữa, mình chia tay nhé, thế mà Tây khóc lóc, nhận lỗi, van xin nó
đừng bỏ Tây. Cái độ bất hiếu và dại trai của Tây thì các bạn đừng hỏi nữa.
Haizzz.
Cứ thế, Tây dựa vào
tiếng viu viu (sau mỗi lần quất trong không trung trước khi đánh vào bắp chân)
của roi cà phê mà lớn lên. Roi cà phê đánh đau da thịt đến nỗi Tây bỏ bầu trời
xanh biếc, bỏ thảo nguyên mênh mông mà về cắm rễ nơi ồn ào phố thị. Người cầm
roi sợ Tây khổ, không muốn Tây lại tiếp tục lầm lũi bên gốc cà phê nữa nên
đánh, đánh cật lực, đánh cho Tây khao khát chân trời mới, công việc mới, Roi cà
phê đánh bầm bắp chân, bắp tay rồi lại hết nhưng những lọc lừa nơi phố thị mãi
ám ảnh, mãi đau. Roi quê nhà vẫn hiền lành hơn cả.
Buôn Ama Thuột, 11/2/2019 (Mùng 6 tết Kỷ Hợi)
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment