Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, May 29, 2019

CẢM XÚC TỪ MỘT TẤM ẢNH VOỌC CHÀ VÁ CHÂN ĐEN

May 29, 2019

Share it Please
Tác giả ảnh: Nguyễn Ái Tâm
     Khóc với người, người khinh ta bạc nhược. Nhưng khóc với rừng, rừng lặng lẽ gọi chim về hót cho ta nghe, cho ta thấy những con vật ta đã nghe kể nhưng chưa tận mắt thấy bao giờ. Vì cái suy nghĩ ấy mà Tây yêu động vật trong rừng các bạn ạ. 5 năm chờ đợi một tấm hình, nói ra thì có lẽ không ai tin. Nhưng thực sự, hôm nay Tây như vỡ òa cảm xúc khi thấy tấm ảnh này các bạn ạ. Một tấm ảnh chụp Voọc Chà Vá Chân Đen trong rừng miền Nam Trung Bộ vào mùa mưa. Trước đây Tây đã ngắm ảnh Chà Vá Chân Đen ở rừng tự nhiên nhưng đó là vào mùa khô. Cây cối ít lá. Hãy tưởng tượng đi, một loài động vật cực kỳ hiếm được tìm thấy trên cái cây màu khô rụng lá. Nó ăn để sống khi lá không còn. Rồi chưa kể, nó chỉ phân bố ở rừng Việt Nam, mà bảo vệ rừng như ngày nay thì...Hàng ngàn suy nghĩ cứ vẩn vơ trong đầu. Và, Tây khát....

    Tây thèm khát được ngắm một bức ảnh chụp loài này trên một cái cây sum suê lá, xanh mướt non tơ tràn đầy sức sống. Tây thích có nhiều loài trong rừng Việt Nam chúng ta vì như thế càng chứng tỏ đất nước càng bình yên, càng đẹp. Vẻ đẹp đa dạng sinh học của một quốc gia giống như vẻ đẹp cái dạ dày của con người vậy. Hãy thử hỏi các bác sĩ mà xem, một người khỏe mạnh là người có cái dạ dày đẹp. Cho nên một đất nước mạnh giàu là đất nước có rừng đẹp.

    Các bạn ạ, hình ảnh các bạn đang xem được đổi bằng máu người chụp ảnh bị hút bởi những con vắt rừng mùa mưa, bằng cả trăm triệu đồng để mua một bộ ống kính và máy ảnh chụp nó, bằng những tấm vé máy bay và bằng chi phí cơ hội tuổi thanh xuân của người chụp. Chúng ta sẽ còn tốn nhiều hơn nữa để được thấy những con vật này nếu chúng ta không bảo tồn nó. Nó càng sợ bị săn bắt thì càng lẩn trốn càng sâu và càng cao trong rừng. Các nhiếp ảnh gia chụp chim trên thế giới cứ trầm trồ ống kính của nhiếp ảnh gia Việt Nam quá hoành tráng. Bởi ở nước họ, chỉ cần đứng ở bờ sông là chim ở đâu đó bỗng dưng bay về đỗ trên lan can. Có thể dùng điện thoại chụp ở khoảng cách rất gần. Nếu chúng ta càng tạo môi trường thân thiện thì các loại sinh vật cũng chẳng e dè với chúng ta.

Bến Cát, 29/5/2019 
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment