Tác giả ảnh: Nguyễn Tiến Luyến |
Có người hỏi mình rằng bây giờ làm phiên dịch viên, không làm cô giáo thì nhớ quãng thời gian học sư phạm Hóa ở Quy Nhơn làm gì. Hay nói chính xác hơn là không cần thiết phải xốn xang đến như vậy khi thấy bạn bè khoe ảnh “Quy Nhơn ngày trở về”. Không, mình vẫn muốn nhớ và vẫn thổn thức khi ai đó nhắc đến bất cứ thứ gì liên quan đến Bình Định. Từ cái bánh ít đến đĩa bánh hỏi, từ khoanh bánh xèo đến một mẫu nem mình vẫn thèm chứ đừng nói quên được cảm giác đi bộ trên những con đường ven biển Quy Nhơn. Dẫu rằng, mình thừa nhận không thấy thích thú, hạnh phúc gì khi học suốt bốn năm ở đó vì nhập học rồi mới phát hiện nghề giáo không như mơ, mình thích ngoại ngữ hơn. Đại học Quy Nhơn dung dưỡng mình, vẫn dạy mình đến nơi đến chốn dù họ biết rằng đã chọn phải đứa sinh viên “bất trị”. Quy Nhơn vẫn cho mình đủ tư cách làm cô giáo, được xã hội kính trọng nếu theo nghề. Quy Nhơn cho mình thời gian để chuẩn bị những thứ cần thiết để vươn được tới công việc mà mình thích. Tại đây mình được học ngoại ngữ thứ hai và sau này kiếm tiền nhờ nó. Quy Nhơn cho mình được hưởng trọn 22 năm thời thơ ấu từ khi lọt lòng ở Dak Lak cho đến lúc rời Quy Nhơn để bước vào mưu sinh.
Bốn năm học ở Quy Nhơn mình không phải chịu cảnh xô bồ gì cả. Cứ ru rú trong cái ký túc xá phía sau giảng đường. Không hề chịu một tí nào gọi là áp lực đi lại cho mỗi buổi lên lớp. Chẳng có ai quản như bố mẹ ở nhà nên thích cái là cúp học đi ngao ngêu đó đây trong thành phố. Có bồ, rủ nhau ra biển ôm, cha của lãng mạn luôn. Tối về còn viết được cả thơ.
Bây giờ ngồi nghĩ, nếu được quay trở lại thời sinh viên ấy, có lẽ mình không dửng dưng với Quy Nhơn như thế, không tệ bạc với những môn học như thế. Vì bây giờ mình mới thấy thiếu kiến thức, biết đâu ngày xưa học giỏi hơn lúc ra trường hoàn toàn có thể dùng kiến thức hóa học để xin làm kỹ sư trong phòng thí nghiệm trong công ty nước ngoài. Vừa thỏa đam mê ngoại ngữ lại vừa có cái nghề cơ bản. Mình sẽ chẳng vất vả dùng ngoại ngữ để học lĩnh vực hoàn toàn mới và bị trả giá bằng tuổi thanh xuân. Nhắc đến hai từ Quy Nhơn là gợi ra hai chữ ân hận.
Mình tự nhận Bình Định là quê, Quy Nhơn là nhà và cái căn nhà cũ ấy chính là mái trường đại học sư phạm. Quy Nhơn hôm nay đã mang một tầm vóc khác. Đó là những gì Quy Nhơn đáng được hưởng sau bao nhiêu đợi chờ chịu đựng. Quy Nhơn nhường cho các thành phố biển khác được đầu tư phát triển trước. Khi người ta no xôi chán chè ở xứ khác mới chịu thăm dò tìm hiểu xem Quy Nhơn có gì đáng để đầu tư. Quy Nhơn đã vươn mình vào bản đồ du lịch.
Thương nhiều, Quy Nhơn!
Bến Cát, 17/6/2019
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment