Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, August 8, 2019

LAN MAN CHIỀU ĐẦU THU

August 08, 2019

Share it Please
Tác giả ảnh: Trần Nam

1.
Khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đi học nghề, cha mẹ đã dặn chủ tịch tập đoàn Huawei rằng Ren Zheng Fei à, thời đại này không chuẩn để làm nghề giáo nên con đừng thi ngành sư phạm. Và ông nghe lời, không trở thành nhà giáo nhưng sau này khi thành lập tập đoàn Huawei ông nhận thấy giáo dục là linh hồn của các kỹ sư nên ông dùng tiền để bảo trợ sinh viên giỏi sang Mỹ học công nghệ rồi trở về làm cho Huawei. Và khi biên tập viên chương trình Đối Mặt hỏi ông có sợ Mỹ sẽ đánh Huawei đến cùng không. Ren Zheng Fei trả lời rằng Mỹ là thầy của chúng ta về mặt công nghệ, thầy đánh trò trong lớp học là chuyện bình thường mà đúng không? Thầy hết nóng, lớp lại yên ả liền. Chúng ta tự thân kiến ăn chứ có dựa vào Mỹ để lớn đâu. Tôn kẻ đánh mình là thầy và tin tưởng tuyệt đối vào sự ủng hộ của chính phủ là quan điểm xuyên suốt mọi cuộc phỏng vấn chủ tịch tập đoàn Huawei nói riêng các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung. Gấp máy tính sau một ngày dài xem phỏng vấn, cái tứ Thầy cứ lởn vởn trong đầu mấy tháng nay.

2.
Về thăm nhà, nghe mẹ bạn kể rằng hai vợ chồng bạn phải về nhận rẫy trồng cà phê rồi. Hai bạn nằm trong danh sách 500 giáo viên bị ép cắt hợp đồng của huyện nhà. Hai bạn trước đây cũng tốn 120 triệu để chạy được cái hợp đồng có câu “chờ chỉ tiêu biên chế”. Sau đó, hằng năm cũng tốn thêm ít nhất 20 triệu để “gia cố bền vững” cho hợp đồng. May bố mẹ có mấy tấn cà phê cho con đem đi bán mới trụ được gần 4 năm. Giờ thì trắng tay cả, về làm cà phê nuôi con nhỏ vậy. Vào tòa án thì 500, công an là 300, Bác sĩ 200, Giáo viên môn Toán Lý Hóa Sinh, tiếng Anh thì 180 còn các môn không dạy thêm khác cứ 150 mà chuẩn bị sẵn. Luật rừng ở Tây Nguyên là như thế. Chả ai thèm than nữa. Thời đại nhà ai cũng hai đứa con nên chuyện cho mỗi đứa con 200 triệu xin việc, một cây vàng ngày cưới, 200 triệu mua đất. 100 triệu xây nhà là chuyện đương nhiên phải thế. Chả ai lăn tăn gì. Người ta chạy việc cho con cái đỡ phải làm nông chứ...không phải vì lương bổng gì. Để có được chữ Thầy, giá có rẻ tí nào đâu.

3.
Tốn nhiều tiền như thế để có chỗ dạy thì phải tìm cách kéo trẻ về nhà học thêm chứ. Ở Dak Lak bây giờ từ mẫu giáo lên lớp một cũng phải đi học thêm vào mùa hè. Đến trường chỉ để chờ đến ngày làm bài kiểm tra, giương oai thành tích lớp học thêm thôi. Về cơ bản, thầy cô trên trường không có giá trị bằng thầy cô dạy thêm. Cái cô gì đó bị phát hiện dạy thêm ở nhà rồi bị kỷ luật dẫn đến bị đày đi chuyển trường, chắc là dí tốt làm thí điểm vì thực tế trường bị thừa giáo viên, tiết học như nồi cháo loãng rót cho đủ giáo viên nên xin lỗi phải hy sinh cô rồi. Cô có quỳ trước ủy ban cũng thế thôi. Đôi khi người ta phải hy sinh một thứ để nuôi nhiều thứ, và cô là vật hiến sinh. Chẳng ai muốn bênh cô vì chẳng ai muốn phá vỡ mối cân bằng động.

4.
 Học sinh chết, các thầy cô giáo cùng ngồi lại để bàn cách viết tường trình là đương nhiên. Nhưng nhìn nội dung tờ giấy, chán nhỉ. Trường do Nhật đầu tư đấy, sốc nhỉ? Nhật là đất nước như nào về giáo dục cơ chứ. Ai đồng ý tẩy chay các trường quốc tế, ngẫu hứng hỏi vậy, thế quái nào chỉ các ông bố bà mẹ không đủ tiền cho con đi học những trường đạt chuẩn quốc tế mới giơ tay ủng hộ. Thế mới chán!

5. 
Và, xã hội đáng khấm khá lên. Người ta thích dùng tiền mua chữ hơn đi xin chữ để bớt cái gọi là ơn nghĩa nên dù thấy rõ sự thờ ơ tắc trách của cán bộ quản lý nhà trường đấy nhưng rồi đâu lại vào đấy. Có thể cho con vào trường đạt chuẩn quốc tế vẫn là khát khao của nhiều người. Chỉ nỗi xót xa mất con của gia đình ấy là còn mãi. Thu đã về, tiếng trống trường lại sắp rền vang! 
Bến Cát, 8/8/2019
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment