Tác giả ảnh: Chế Hồng Trung |
Mình ở hai ngôi nhà thế này cơ. Cái đầu tiên là ở 38 ((cách Buôn Ma Thuột 38 km, một cách ám chỉ địa danh kinh điển ở Dak Lak). Nhà đó không có nhà xe. Thời đó ba mình là thợ mộc. Chuyện đi làm nhà cho người Tày Nùng ở ngoài Bắc di cư vào ven sông Krong Ana và Krong Nô. Má mình kể là họ mang từng bánh thuốc phiện nhồi trong ấm nước. Họ bán cái đó qua biên giới là đủ tiền xài rồi nên họ đi thuê những người như ba mình đào giếng với dựng nhà. Chiều chiều bác Bốn Lăng lặn sông bắt trai về om chuối, anh em nhậu đã luôn. Vì ở dưới 38 Ba mình không có đồng hương Nam Đàn mà gần như hàng xóm là người Quảng Nam, đôi khi nhớ quê nhớ bạn phải đạp xe 20 cây số mới có đồng hương nên quyết định chuyển nhà.
Ấy là năm 1993, ba lên xin làm công nhân trồng cà phê cho nông trường ở cây số 18. Ba đã mua hẳn một cái cổ thụ của đồng hương để xẻ gỗ. Nghe ba kể hồi đó suýt nữa thì cây ngã xuống đổ sập nhà người ta. Hĩ hĩ. Khiếp! Ba Má mình hai bàn tay trắng bốn bàn chân không tự phát cỏ, đem cây giống về trồng trên 1 hecta đất nông trường cấp. Năm 1994 có trái bói đầu tiên, với ý nghĩ sắm xe cày rồi ắt có xe máy và năm ấy không phải nạp sản lượng, ba bán hết mua xe công nông về đi tưới thuê cho người ta vào mùa khô và chở thuê vào mùa thu hái. Sau mùa thu hoặc cà phê 1995, ba có xe máy Honda Citi màu đỏ chở hai chị em mình đi chơi tết. Năm 1996, sau khi nộp sản lượng, cái lô cà phê của ba mình thu hoạch được 10 tấn cà phê tươi. Mừng quá, ba sắm cái tivi màu, cái đầu từ, cái Ampli và cắp loa thùng to đùng. Hồi đó cả xóm đang ghiền phim La Hán Tế Thế, tối nào cũng tụ tập về nhà mình xem. Đùng một phát, trong một buổi chiều mình đi học lớp 1, em trai học mẫu giáo, ba má đi làm, thằng trộm nào đó đã giở ngói lên và lẻ vào đạp lên bàn thờ tổ tiên nhà mình để lấy đà nhảy xuống cuỗm hết tivi đầu từ…chỉ giữ lại cặp loa thùng.
Thế là mùa xuân năm 1998 mình được ở nhà xây nhờ thằng trộm. Cái nhà như thế nào thì kỳ sau kể. Nó cũng là mẫu nhà của một trào lưu khác ở Tây Nguyên.
Thị xã Bến Cát, 18/9/2019
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment