Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 28, 2019

CHỈ VÌ RẺ THÚI

September 28, 2019

Share it Please
   Đó là câu chuyện xảy ra ở trường THPT Phan Chu Trinh ( Đà Nẵng) trước năm 1975, khi đó thầy tôi đang là cậu học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tú tài. Hằng năm, Mỹ thường cử các hướng đạo sinh đến Việt Nam để dạy tiếng anh cho học trò phổ thông ở miền Nam Việt Nam. Người Việt tò mò tiếng Anh và người Mỹ tỏ lòng muốn hiểu tiếng Việt là điều rất bình thường. Anh chàng người Mỹ nọ khá mến cô học sinh Việt. Khi cô gái bị sốt nằm trong bệnh viện, anh người Mỹ này ra chợ mua cam. Anh hỏi một ký cam bao nhiêu tiền. Bà bán hàng nói giọng Quảng mà rằng cam rẻ thúi à, rồi ghi giá tiền cho anh ta xem. Về trường, anh hỏi thầy tôi rằng rẻ thúi có nghĩa là gì. Tất nhiên thầy tôi đáp rằng có nghĩa là rẻ lắm. Thúi ở trong trường hợ này có nghĩa là rất nhiều.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đức Anh

   Chiều hôm đó, anh hướng đạo sinh kia đem cam vào bệnh viện thăm cô ấy trước. Thầy tôi và bạn bè đi sau. Cả đoàn đang đi hí hửng bước ở hành lang bệnh viện thì bỗng thấy cam ở đâu đó trong phòng nọ bị ném lăn lóc ra ngoài cửa. Cả bọn chạy lại, ngó vào, thấy cô bạn học sinh đang ôm mặt khóc, còn gã tây ba lô kia thì mặt ngờ nghệch đến tội nghiệp. Anh người Mỹ ấy chất vấn thầy tôi rằng thúi có nghĩa là very much, vậy tôi nói “tôi thương em thúi” thì có gì sai đâu mà cô ấy ném cam của tôi và khóc nức nở như thế. Ôi thôi, thầy tôi và các bạn được một phen giải thích cho cô gái kia hiểu nguồn cơn.

    Đó là câu chuyện có thật mà thầy tôi luôn nhắc chúng tôi rằng sau này làm phiên dịch viên, dù là ngôn ngữ nào đi chăng nữa cũng phải tìm hiểu văn hóa của người sử dụng ngôn ngữ ấy. Viết lại câu chuyện này vì nhớ thầy, những khoảnh khắc cận kề ngày Dịch Giả Quốc Tế 30/9 như thế này, lại càng nhớ hơn. Thầy, một người đã từng là học sinh và rồi lại trở về dạy môn tiếng Anh ở trường Phan Chu Trinh, nói giọng Bắc rất nhẹ và truyền cảm. Sau Hòa Bình 30/4/1975, người ta đuổi việc tất cả những ai dạy tiếng Anh, chỉ phổ cập tiếng Nga trên cả nước. Thầy lên Buôn Ma Thuột làm rẫy, thầy vẫn yêu nghề như thế, mãi khi cả nước lại chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ ở bậc phổ thông thì thầy mở lớp dạy thêm ở nhà. Chúng tôi phải học tiếng Anh từ những thầy cô vốn trưởng thành trong môi trường Nga văn, vì miếng cơm manh áo mà họ phải học khóa tiếng Anh cấp tốc 3 tháng. Chúng tôi cảm thấy lượng kiến thức không đủ để làm bài thi nên thế hệ này đến thế hệ kia, chúng tôi kiếm thầy mở nhà để học thêm. Tôi thật may mắn khi được học một con người như thế.
Bến Cát, 28/9/2019
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment