Đối với Tây, đây là mẫu nhà thể hiện rõ nhất hòa nhập văn hóa các vùng miền và cả hòa hợp với điều kiện khí hậu ở Tây Nguyên. Mẫu nhà này là cơn sốt của những năm 1997 đến 2000. Vì đất Tây Nguyên màu nâu đỏ nên vào mùa mưa, bùn mắt tung tóe ở chân tường. Nếu là tường sơn thì không bao giờ lau sạch. Thế là người ta ốp gạch trắng toàn bộ mặt tiền. Cột nhà thường ốp gạch đỏ, chân lan can trên mái nhà thường ốp gạch màu xanh nước biển. Viền trang trí lan can đa số là đổ bê tông theo khuôn để ráp vào trông như viền bụng lồng đèn.
Nhà này là không có phòng ăn và những gì liên quan đến đun nấu nhé. Nó được mệnh danh là nhà lớn, nhà có bếp là nhà ngang, sau này mới xây nới thêm. Vì cái tivi đặt ở phòng khách nên dọn cơm trên nhà lớn, vừa ăn vừa xem thời sự là nếp sống “cổ truyền”. Mẫu nhà này thường là hai mặt tiền và cái phòng ngay góc cua là phòng lồi ngoài ra có hai phòng ngủ (con gái ngủ với mẹ, con trai ngủ với cha), một phòng học cho con cái và một phòng khách. Nếu phòng lồi không dùng làm nơi thờ gia tiên thì chắc chắn ở giữa chính thất sẽ có cái gác lửng để làm nơi cúng bái. Cái kiểu làm gác lửng này giống nhà ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cái cầu thang xoáy đi lên gác đặt ngay góc phòng học của con. Tây Nguyên không lụt thường xuyên như xứ Quảng nhưng thời đại này bình đẳng rồi. đàn ông hay đàn bà đều có thể ngồi ở phòng khách mà nói chuyện rổn rảng. Cứ nghĩ đến đàn bà vào những ngày “đèn đỏ” mà ngồi trước ban thờ hàn huyên tâm sự này nọ thì người ta thấy….chướng nên họ tìm cách tách bàn thờ khỏi phòng khách.
Dù nó chỉ được ưu chuộng trong khoảng 5 năm, sau này có nhà mái Thái, nhà vòm cung điện thay thế trào lưu mới. Nhưng những tiệc tân gia đầu tiên được tổ chức với quy mô mấy chục mâm ở Tây Nguyên có lẽ là sau khi những ngôi nhà như thế này xây xong mới có. Nó là minh chứng cho tuổi trẻ phấn đấu của những người con xa quê vào đây từ hai bàn tay trắng làm nên.
Bến Cát, 9/10/2019
Tây Nguyên Xạnh
0 comments:
Post a Comment